Các ứng dụng mua sắm trực tuyến của Trung Quốc đang thống trị thị trường Mỹ nhờ vào lợi thế giá rẻ bù đắp cho thời gian vận chuyển lâu đến tay khách hàng.
Lạm phát tăng cao trở thành yếu tố giúp chợ trực tuyến Temu của Trung Quốc phát triển nhanh chóng tại Mỹ, cạnh tranh trực tiếp với gã khổng lồ bán lẻ Amazon.com và người đồng hương Shein.
Temu, một phần của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings, ra mắt tại Mỹ tháng 9/2022 và kể từ đó đã mở rộng ra khoảng 30 quốc gia, bao gồm cả ở châu Âu và Nam Mỹ. Gần đây, nền tảng mua sắm này đã đặt chân đến Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cùng mặt hàng, giá chỉ bằng 1/3 đối thủ
Theo dữ liệu của công ty tư vấn Global Wireless Solutions, tính đến tháng 6/2023, Temu có hơn 75 triệu người dùng hàng tháng tại nền kinh tế số một thế giới (chỉ bằng một nửa so với Amazon). Song, người dùng lại dành nhiều thời gian trên nền tảng này hơn so với các đối thủ, với trung bình khoảng 19 phút mỗi ngày, Amazon là 11 phút và Shein là 12 phút.
"Mang sức hấp dẫn của mua sắm qua cửa sổ (window-shopping) và giảm giá chớp nhoáng (flash-sale) lên ứng dụng di động rõ ràng là một chiến lược thành công", Paul Carter, Giám đốc điều hành của Global Wireless cho biết.
Echo, một phụ nữ khoảng 30 tuổi sống ở vùng ngoại ô San Francisco, bắt đầu sử dụng Temu vào cuối năm 2022 và hiện chọn nền tảng này thay cho Amazon để mua sắm nhu yếu phẩm.
"Các mặt hàng mất từ 10 đến 14 ngày để đến nơi, nhưng giá cả vượt trội so với sự bất tiện", cô nói. Một số sản phẩm được bán với giá khoảng một phần ba giá trên Amazon.
Bí mật về giá thấp của Temu là chuỗi cung ứng mà công ty đã xây dựng ở Trung Quốc, mang lại cho các công ty nhỏ hơn một con đường gia nhập thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm được cung cấp tương tự như những sản phẩm được tìm thấy trên các thị trường trực tuyến của Trung Quốc như Pinduoduo (PDD) và Taobao (Alibaba Group Holding).
Những năm gần đây, Temu cùng với Shein đã có những bước tiến tương tự bên ngoài Trung Quốc, với “vũ khí” chính là quảng cáo và giảm giá. Ứng dụng này thường xuyên gửi tin nhắn về phiếu giảm giá và các chương trình flash-sale để khuyến khích khách hàng quay lại kho sản phẩm đa dạng từ quần áo cho đến đồ điện tử.
Thị trường nội địa bão hoà
Bo Pei, nhà phân tích tại U.S. Tiger Securities, cho biết mặc dù Temu đang phát triển nhanh nhưng quy mô của nền tảng này “còn rất nhỏ so với hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của PDD” và sẽ mất “vài năm mới có thể tạo ra doanh thu có ý nghĩa” cho công ty mẹ.
Mặc dù vậy, PDD vẫn tập trung vào các hoạt động ở nước ngoài vì sự cạnh tranh gay gắt trong nước đã khiến cho việc đạt được tăng trưởng trở nên khó khăn hơn. Công ty này không chỉ phải đối mặt với những gã khổng lồ lâu đời như Alibaba và JD.com, mà cả những nền tảng truyền thông xã hội phân nhánh sang thương mại điện tử.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong năm 2022, mức tiêu thụ hàng hóa bán trực tuyến của Trung Quốc chỉ tăng 6,2%, lên 11,9 nghìn tỷ NDT (1,66 nghìn tỷ USD). Sau 6 tháng đầu năm 2023, khi các hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ, tăng trưởng phục hồi 10,8%.
Tại thị trường Mỹ, các nền tảng mua sắm thuộc sở hữu của Trung Quốc đã phát triển đến mức họ đang di chuyển vào lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.
Trong cuộc họp báo cáo kinh doanh quý II/2023, giám đốc tài chính Facebook Meta Susan Li cho biết hoạt động của họ “hưởng lợi từ chi tiêu mạnh mẽ của các nhà quảng cáo ở Trung Quốc để tiếp cận khách hàng ở các thị trường nước ngoài”.
(Theo Nikkei Asia)