Là huyện vùng lõi di sản Công viên địa chất toàn cầu của Cao nguyên đá Hà Giang, việc xây dựng nông thôn mới tại đây có những đặc thù khác biệt so với các vùng miền khác.
Đồng Văn là một huyện biên giới, vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang với 17 xã, 2 thị trấn, gồm 225 thôn bản, tổ dân phố. Diện tích tự nhiên toàn huyện trên 45 nghìn ha, địa hình phức tạp bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, độ cao trung bình 1.200 m so với mặt nước biển, có mùa đông lạnh kéo dài. Dân số của huyện khoảng 8 vạn dân, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông chiếm 87,2%, còn lại là các dân tộc khác như Tày, Giấy, LôLô, Pu Péo, Hoa, Hán….
Xây dựng nông thôn mới trên Cao nguyên đá |
Với điều kiện nhiều khó khăn, việc phấn đấu đạt các tiêu chí Nông thôn mới đặc biệt là việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương này.
Để thực hiện chủ trương dài hơi này, huyện đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều phương tiện để mục tiêu Chương trình Quốc gia xây dựng NTM ngấm vào đời sống người dân, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua.
Trong báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Đồng Văn cho biết: giai đoạn 2010 – 2015, toàn huyện thực hiện biểu diễn văn nghệ quần chúng 550 lượt với 57.010 người xem; chiếu phin lưu động 519 lượt với 76.796 người xem; tuyên truyền miệng (thông qua họp chợ, họp thôn, chi bộ, hội nghị...) được 2.537 lượt với 129.770 người tham gia; Giai đoạn 2016 – 2020, biểu diễn văn nghệ quần chúng 359 lượt với 47.476 người xem; chiếu phim lưu động 370 lượt với 3.250 người xem; tuyên truyền miệng (thông qua họp chợ, họp thôn, chi bộ, hội nghị...) được 3.038 lượt với 159.793 người tham gia.
Thương mại nông sản của người dân bản địa tại chợ Đồng Văn |
Từ công tác tuyên truyền này, 100% thôn đã được xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; vận động người dân tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất để xây dựng công trình, kêu gọi các nhà tài trợ để hỗ trợ sản xuất, xây dựng các cơ sở cộng đồng.
Người dân tham gia hiến đất gần 200 ngàn m2 đất; đóng góp gần 160 ngàn ngày công lao động; mở mới đường đất đá gần 57.000 mét đường, nâng cấp gần 150.000 mét đường.
Từng bước xóa đói, giảm nghèo
Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 tới nay, tổng số vốn huy động xây dựng nông thôn mới nguồn vốn nhà nước đạt 524.994 triệu đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương 76.155 triệu đồng; ngân sách địa phương 6.693 triệu đồng; vốn lồng ghép 60.648 triệu đồng; đóng góp cộng đồng dân cư 26.852 triệu đồng; vốn khác 354.525 triệu đồng), bằng 88,3% so với tổng nguồn vốn giai đoạn 2010-2015.
Làm đường nông thôn mới trên Cao nguyên đá |
Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, Đồng Văn duy trì, bảo an ninh lương thực đạt trên 2,8 vạn tấn; sản xuất nông lâm nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, mở rộng diện tích, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật đưa giống mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ.
Lĩnh vực chăn nuôi, huyện xây dựng và duy trì, phát triển nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và được nhân rộng: mô hình thụ tinh nhân tạo bò, thực hiện được 2.829 con đã có 1.590 bê sinh ra; mô hình ủ chua cỏ gắn với chăn nuôi bò vỗ béo hàng năm; mô hình phát triển chăn nuôi hàng hóa có 68 gia trại chăn nuôi hoạt động; mô hình chăn nuôi ứng dụng đệm lót sinh học...
Các các HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích thành lập và hoạt động là đầu mối liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giúp nông dân ổn định sản xuất và tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu như: Bánh, kẹo, rượu, miến tam giác mạch; mật ong hoa Bạc hà; rượu ngô; đậu xị; đan lát; khèn Mông; may mặc; thêu dệt thổ cẩm; thịt lợn treo; xúc xích; thịt bò;…
Người dân xã Sủng Là làm du lịch |
Làm nông thôn mới ở Cao nguyên đá Đồng Văn |
Với những nỗ lực của toàn dân, tỷ lệ giảm nghèo của huyện mỗi năm trung bình giảm 6,0%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 54,25%; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm.
Đối vợ hạ tầng, Đồng Văn xây dựng được 200.705m đường bê tông đường giao thông nông thôn; 100% đường trục xã liên xã được cứng hóa, 38% đường trục thôn liên thôn được bê tông hóa; xây dựng 02 nhà văn hóa xã, 14 nhà văn hóa thôn; 53 đơn vị trường học được nâng cấp cải tạo, trong đó xây mới trường THCS xã Lũng Cú và trường Nội trú huyện; 17/17 trụ sở UBND xã, trạm y tế xã được cải tạo sửa chữa và nâng cấp; thực hiện chỉnh trang khuôn viên gia đình, láng và bó nền nhà 4.602hộ; xây dựng nhà tắm 3.705 công trình; xây dựng nhà vệ sinh 6.462 công trình; Cứng hóa, di dời chuồng trại 3.687 công trình; Xây bể nước 12.505 bể...
Làm nông thôn mới ở Cao nguyên đá Đồng Văn |
Các chương trình mục tiêu Quốc gia về Y tế - dân số, KHHGĐ được triển khai đồng bộ, chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao. Đến nay các Trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực đã được chuẩn hóa; cán bộ y tế được đào tạo. Toàn huyện có 13/19 xã, thị trấn có bác sỹ thường trực tại trạm.
Trên lĩnh vực văn hóa, 100% thôn, tổ dân phố của Đồng Văn đã được xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, có 98/225 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa (đạt 43,5%); Các di tích, di sản phi vật thể cấp Quốc gia như Nhà Vương Sà Phìn, Cột cờ Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn; Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo xã Phố Là, Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú, Di sản hóa thạch tay cuộn Ma Lé được bảo tồn.
Nuôi ong mật hoa bạc hà tại Đồng Văn |
Làm nông thôn mới ở Cao nguyên đá Đồng Văn |
Các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào, Hội xuân Khèn Mông, Chọi dê,… đặc biệt, tổ chức Lễ hội Khèn Mông với quy mô cấp huyện hàng năm, duy trì hoạt động văn nghệ, thành lập mô hình Hội nghệ nhân dân gian tại 19 xã, thị trấn, qua đó, góp phần xã hội hóa các hoạt động văn hóa - thể thao trên địa bàn, từng bước xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, khuyến khích nhân dân tích cực lao động sản xuất.
Kết quả thực hiện đến năm 2019, mặc dù toàn huyện vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định, mới có 11 xã hoàn thành từ 7 - 9 tiêu chí, 5 xã hoàn thành 10 - 14 tiêu chí, 1 xã hoàn thành trên 15 tiêu chí, tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người dân đều thấy được hiệu quả thực sự của mô hình này.
Phó chủ tịch huyện Đồng Văn Dinh Chí Thành cho biết, mặc dù điều kiện kinh tế, tự nhiên khó khăn mọi bề, nhưng cả chính quyền, nhân dân luôn quyết tâm bền bỉ mỗi ngày, để thực hiện mục tiêu đặt ra, mà quan trọng nhất là cải thiện chính cuộc sống của từng người dân.
Bài: Nguyễn Thị Kim Chi - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV