“Làm nhà cho đường” là cách nói vui. Nhưng cho dù có làm cái việc rất tiếu lâm này đi nữa, mà những người có trách nhiệm với chất lượng công trình bàn tay không sạch và cái đầu không sáng, thì đường cũng sẽ hỏng, mà nhà rồi cũng sẽ nát, không lâu sau đó.
Cứ sau mỗi sự cố về chất lượng công trình cầu, đường, nhà cửa, phương tiện liên quan đến đầu tư công, những người có trách nhiệm lại nhanh nhảu lên tiếng giải thích. Bằng cách suy đoán có định hướng, họ đưa ra nguyên nhân này nguyên nhân kia, chủ yếu tại khách quan, hiếm khi họ thẳng thắn nhận trách nhiệm do vấn đề đạo đức công vụ hay năng lực quản lý yếu kém. Càng hiếm, khi từ những sự cố chất lượng này, họ tự thấy xấu hổ vì đã để xảy ra điều đáng tiếc và nhận lỗi, khắc phục, không để tái diễn.
Sự cố chất lượng đường cao tốc đoạn Quảng Ngãi-Đà Nẵng trị giá 34.000 tỉ đồng, không chỉ là đáng tiếc, mà rất đáng xấu hổ. Không thể biện minh bằng bất cứ nguyên nhân khách quan nào khác khi công trình xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tiền không hề non, mà chất lượng lại kém đến thê thảm.
Một cán bộ có trách nhiệm của Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã vội suy đoán nguyên nhân do “xe chảy dầu”, do “một số mẻ trộn bê tông nhựa có vấn đề”, do “trời mưa vẫn cho thi công”, do... Nghe vị lãnh đạo VEC giải thích, có người đã góp ý giải pháp khắc phục hiệu quả nhất có lẽ là làm mái che tránh mưa, tức làm nhà cho đường!
Vừa thông xe 1 tháng, cao tốc 34 ngàn tỷ chi chít ổ gà, ổ trâu. Ảnh: Cao Thái |
Mấy năm trước, dư luận, báo chí đã ồn ã chuyện mặt đường cầu Thăng Long sửa lên sửa xuống nhiều lần mà cứ vừa sửa xong đã lại hư hỏng, kể cả lần sửa năm 2013 sử dụng công nghệ Mỹ khá tốn kém. Người có trách nhiệm của ngành giao thông khi đó đã giải thích do thời điểm thảm bê tông nhựa “mưa to quá”.
Có phải chỉ ở Việt Nam, trời mưa mới gây khó cho ngành xây dựng cầu đường, và tác động xấu một cách sâu sắc đến chất lượng công trình đến thế?
Các nhà xây dựng Việt Nam không lạ gì chất lượng những con đường do những kỹ sư, công nhân Cu-ba thiết kế, thi công ở nước ta mấy chục năm trước. Thi công trong điều kiện khó khăn gấp nhiều lần bây giờ, nhưng có phát hiện ra sự cố chất lượng yếu kém nào đâu? Trên đất nước Cu-ba, con đường bộ huyết mạch chạy suốt từ đông sang tây của hòn đảo Tự do xây dựng từ thời Liên xô, đến nay vẫn còn bền vững, dù quốc đảo này chịu tác động mạnh của thời tiết khí hậu bất thường.
Xung quanh ta, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng mưa nắng thất thường, thậm chí chịu ảnh hưởng động đất, sóng thần, bão lũ, băng tuyết, nhưng chất lượng đường sá của họ thế nào, các nhà quản lý lĩnh vực xây dựng Việt Nam chắc quá rõ!
Có một “sự cố”, thực ra đấy là một sự kiện, một hiện tượng chưa từng có trong hoạt động thầu xây dựng đường sá ở Việt Nam, xảy ra khoảng 4 năm trước, chắc nhiều người chưa quên? Đó là doanh nghiệp làm đường - Tập đoàn Sơn Hải khi trúng gói thầu số 10 và 14 cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A chạy qua huyện Lệ Thuỷ và Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, đã cam kết nâng thời gian bảo hành từ 2 năm lên 5 năm.
Người ta gọi đây quả bom “phá vỡ cân bằng im lặng” của giới thầu cầu đường nước ta mấy chục năm qua. 4 năm rồi, kể từ khi 2 gói thầu này hoàn thành, đưa vào sử dụng, từng mét đường do Tập đoàn Sơn Hải thi công xe qua lại vẫn êm ru. Một hiện tượng, một sự kiện rất tích cực khiến dư luận hoan nghênh, và ngành giao thông sau đó đã nâng thời gian bảo hành chung từ 2 năm lên 4 năm, giảm bớt thiệt hại rủi ro cho phía nhà nước.
Trở lại với đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng trị giá 34.000 tỉ đồng vừa làm đã hỏng vì nguyên nhân chủ yếu do “trời mưa”. Người dân đã cất tiếng: Ai giải thích đường mới làm đã hỏng do “trời mưa”, người đó không chỉ coi thường dân mà còn coi thường cả chính bản thân mình!
Làm mái che mưa, tức “làm nhà cho đường”, là cách nói vui. Nhưng cho dù có làm cái việc rất ư tiếu lâm này đi nữa, mà những người có trách nhiệm với chất lượng công trình bàn tay không sạch và cái đầu không sáng, thì đường rồi cũng sẽ hỏng, nhà rồi cũng sẽ nát, không lâu sau đó.
Trung ương Đảng vừa thông qua quy chế về trách nhiệm nêu gương trong đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược. Những người đứng đầu ngành giao thông, xây dựng, từ Trung ương đến địa phương nên sớm nêu gương “bàn tay sạch” và “cái đầu sáng” để mỗi công trình xây dựng bằng đồng tiền của dân luôn bền vững, phục vụ đông đảo nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Uông Ngọc Dậu
Vì sao Đà Nẵng – TP.HCM không có “đường đắt nhất hành tinh?”
Đà Nẵng – TP.HCM là ví dụ điển hình của cách thức phát triển đô thị dựa chủ yếu vào nguồn lực đất đai.
Giấc mơ Việt về những con đường rẻ nhất hành tinh
Chúng ta sẽ có bao nhiêu tiền nữa để phát triển hạ tầng giao thông theo cách như vậy ở Hà Nội?
Bài học không rẻ từ những ‘đường đắt nhất hành tinh’ ở HN
Những chi phí đắt đỏ và những bất cập trong quản lý quy hoạch và đầu tư các dự án giao thông nội đô nhiều năm qua đã, đang và sẽ là những bài học không rẻ.
‘Thu giá BOT’, ‘tụ nước’: Uyển ngữ và lòng tin
Trạm thu phí BOT đồng loạt đổi tên thành “trạm thu giá”. Một số điểm ngập nước của Sài Gòn sau trận mưa lịch sử được gọi là điểm “tụ nước”.
Từ bất cập BOT, kinh nghiệm nào cho cao tốc Bắc - Nam?
"Sau bất cập tại các dự án BOT giao thông, các thành phần tham gia đầu tư dự án Cao tốc Bắc - Nam sẽ phải đấu thầu công khai, minh bạch."