Khác với các hội nghị thông thường, lần này, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các thành phố, huyện, thị xã tại 9 điểm cầu nêu ra cụ thể những “nỗi đau”, những khó khăn, những vấn đề tại địa phương mình để xem chuyển đổi số có thể giải quyết được không.

Bất ngờ với cách làm việc mới, một số vị lãnh đạo địa phương khá lúng túng, bày tỏ rằng mới được tiếp cận khái niệm chuyển đổi số và sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Sau nhiều lần Bộ trưởng gợi ý về cách nêu câu hỏi để trực tiếp tháo gỡ ngay tại chỗ, hội nghị mới chính thức vào guồng.

Cách nghĩ khác về vấn đề đào tạo, nhân lực

Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND TP. Sông Công bày tỏ băn khoăn về sự thiếu hụt kỹ năng CNTT, công nghệ số của cán bộ, công chức và người dân; việc bồi dưỡng, bổ sung kỹ năng này còn nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khiến ông Nghĩa cùng các đại biểu dự hội nghị không khỏi bất ngờ khi đưa ra lời khuyên: “Không cần quá quan tâm chuyện dạy kỹ năng số, nguồn nhân lực số”.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên

Theo Bộ trưởng, trước kia, khi có vấn đề mới, cách thức thông thường là tổ chức nhiều lớp học, cử người đi học, mất khá nhiều công sức và rất khó phổ cập đến mọi người.

Nhưng bây giờ, công nghệ số phát triển đến mức người sử dụng không phải học gì cũng vẫn sử dụng được. Ví dụ như mạng xã hội Zalo, ai cũng có thể vừa dùng vừa tự khám phá. Tương tự, nhiều phần mềm trước phải học mới dùng được, giờ thì các phần mềm được viết dưới dạng các nền tảng không cần học cũng dùng được. Cứ sử dụng là cách học tốt nhất. Cũng giống như học thông qua làm.

Chuyển đổi số cũng đã thay đổi cách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều địa phương vẫn nghĩ khó có thể tuyển được chuyên gia giỏi bởi mức lương chuyên gia làng nhàng cũng phải 20 triệu đồng/tháng, trong khi ngân sách chỉ trả được 4 – 6 triệu đồng/tháng. Trước đây ta phải có chuyên gia để làm ra phần mềm thì nay ta chỉ cần là người sử dụng. Làm ra phần mềm là việc của doanh nghiệp. Đặt ra bài toán là việc của chúng ta.

Thay đổi cách tiếp cận là bài toán khó thành dễ

Chẳng hạn, để nâng tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 người dân, thí dụ lên gấp 2 lần, thì thường tỉnh sẽ giao cho Sở Y tế, và đặt ra thời gian là hàng chục năm. Nhưng nếu giao Sở TT&TT thì sao? Nếu đặt ra thời gian 1 năm thì sao? Sở TT&TT sẽ lựa chọn phần mềm nền tảng về tư vấn khám chữa bệnh từ xa, hướng dẫn người dân cài ứng dụng, thì người dân có thể tiếp cận hàng chục ngàn bác sĩ làm việc online trên toàn quốc, người dân có thể được tư vấn bởi các bác sĩ giỏi nhất Việt Nam, và do vậy, số bác sĩ mà người dân ở tỉnh có thể tiếp cận sẽ tăng đáng kể.

Tương tự, trong lĩnh vực giáo dục, mục tiêu tất cả các trường phổ thông ở Sông Công đều có giáo viên dạy giỏi như trường Amsterdam ở Hà Nội sẽ là không khả thi. Nhưng có thể làm được bằng chuyển đổi số không? Nếu sử dụng phương thức giảng dạy trực tuyến thì học sinh Sông Công sẽ được học những thày cô giáo giỏi nhất Việt Nam. Còn giáo viên của Sông Công thì trở thành người hướng dẫn, trả lời các câu hỏi mà học sinh khi xem các video có thể chưa hiểu.

Mỗi lần nhờ là một lần tạo cơ hội phát triển cho người khác

Lãnh đạo Thị xã Phổ Yên nêu vấn đề của địa phương là khó khăn trong việc tăng số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Phân tích vấn đề một cách chi tiết, Bộ trưởng khẳng định: “Số smartphone ở Thái Nguyên đã đạt hơn trên 600.000 máy, trong khi chỉ cần 350.000 máy, tức là mỗi hộ 1 máy là có thể đáp ứng yêu cầu triển khai dịch vụ công trực tuyến dành cho các gia đình. Như vậy, số smartphone ở Thái Nguyên đã hơn mức cần thiết. Chỉ còn chuyện người dân không biết dùng”. Cách giải quyết là nhắm tới những người trẻ, dạy ngay trong trường phổ thông, học sinh sẽ biết cách làm thay bố mẹ và về dạy lại những người trong gia đình mình về cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

{keywords}
Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các thành phố, huyện, thị xã tại 9 điểm cầu nêu ra cụ thể những “nỗi đau”, những khó khăn, những vấn đề tại địa phương mình để xem chuyển đổi số có thể giải quyết được không.

Nhưng ai sẽ đến lớp để dạy cho học sinh?

Bộ trưởng đặt vấn đề với lãnh đạo Viettel Thái Nguyên: “Liệu có thể cử người của doanh nghiệp dành mỗi tuần khoảng 30 phút đến 1 giờ dạy những người trẻ, học sinh ở Phổ Yên cách dùng các dịch vụ công hay không?”.

Sau khi đại diện Viettel bày tỏ “cảm thấy vinh dự khi được nhờ những việc như thế này”, bởi vì đó chính là cơ hội tiếp xúc với khách hàng. Bộ trưởng lưu ý lãnh đạo Phổ Yên: “Thời chuyển đổi số, mỗi lần nhờ là một lần tạo ra cơ hội phát triển cho người khác. Mỗi lần đi nhờ sẽ nhận được 1 lời cám ơn. Kinh nghiệm rút ra là khi chuyển đổi số, có mong muốn gì thì cứ đi nhờ, sẽ giải quyết được”. Người nhờ thì giải được vấn đề của mình, người được nhờ thì có cơ hội phát triển một cái gì đó.

Nêu khó khăn đúng chỗ sẽ được giải quyết

Lãnh đạo huyện Định Hóa cho biết, do đặc thù địa bàn huyện miền núi, trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình nhiều điểm chia cắt, nên hiện tại ở huyện còn nhiều điểm vẫn chưa có sóng điện thoại di động. Cụ thể như xóm Cà Đơ, xóm Sự Thật (xã Quý Kỳ), xóm Thịnh Mỹ (xã Tân Thịnh), xóm Tân Tiến (xã Trung Hội), xóm Hội Tiến (xã Hội Miêu)...

“Đã bao giờ lãnh đạo huyện mang 5 xã “mù” sóng này báo cáo lãnh đạo tỉnh hoặc Giám đốc Sở TT&TT chưa?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi, và bày tỏ sự chưa hài lòng khi nghe câu trả lời “mới có cử tri huyện Định Hóa kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên”.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác tới thăm, làm việc với Sở TT&TT Thái Nguyên

Theo Bộ trưởng, lãnh đạo huyện cần báo cáo trực tiếp lên Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo tỉnh sẽ giao Giám đốc Sở TT&TT giải quyết. Các doanh nghiệp viễn thông thì luôn coi phủ sóng là chất lượng dịch vụ, họ cạnh tranh nhau để phủ sóng tốt. Nhưng cũng có nơi ít dân thì phủ sóng không hiệu quả, khi đó các doanh nghiệp sẽ chia nhau phủ sóng và cho khách hàng roaming, khó nữa thì đã có quĩ viễn thông công ích. Chỉ cần Sở TT&TT đứng ra chủ trì là làm được. Trong thời đại chuyển đổi số, cần gì, muốn gì thì phải nói ra và nói đúng chỗ.

“Khi có một nỗi đau, nói ra với những người hiểu biết, dùng công nghệ số để giải quyết thì vô hình chung đã tạo ra sự phát triển cho đất nước chứ không phải là gây khó khăn cho người khác. Hãy mang câu chuyện, khó khăn của mình ra khỏi nhà mình. Chuyện khó với mình có thể là chuyện dễ đối với người khác. Kiểu gì cũng có người giải được. Không những việc của mình được giải mà còn tạo ra sự phát triển cho đất nước.”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngay tại hội nghị, người đứng đầu ngành TT&TT đã giao nhiệm vụ cho 3 doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VinaPhone và MobiFone cùng chung tay xóa các thôn “trắng” sóng. Các doanh nghiệp sẽ cùng roaming ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa để tiết kiệm đầu tư. Cả ba doanh nghiệp đều vui vẻ nhận lời và triển khai ngay.

Chuyển đổi số phụ thuộc người đứng đầu

Cũng liên quan tới vấn đề sử dụng, ứng dụng CNTT, lãnh đạo huyện Phú Bình nêu câu chuyện khó tạo dựng thói quen cho các cán bộ, công chức trong công việc hàng ngày. Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh thông điệp: “Thủ trưởng nào phong trào đấy”. Lãnh đạo ứng dụng CNTT thì tất cả cán bộ, công chức đều sẽ ứng dụng CNTT trong công việc hàng ngày, ví dụ như không đọc văn bản giấy, các cuộc họp tiến hành qua cầu truyền hình... Chỉ cần lãnh đạo thay đổi thì cả bộ máy sẽ thay đổi theo. Thay đổi nhận thức của cả vạn người thì khó, nhưng thay đổi nhận thức của một người thì dễ hơn. Vậy hãy tập trung vào một người - người đứng đầu.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên bức tranh ghép tem làm kỷ niệm

“Chuyển đổi số phụ thuộc vào người đứng đầu” cũng là câu trả lời của Bộ trưởng cho câu hỏi của chủ tịch huyện Đồng Hỷ: “Khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số ở địa phương là gì?”. Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số Đồng Hỷ là đ/c chủ tịch sử dụng công nghệ số hàng ngày. Chủ tịch trả lời, việc này thì tôi làm được. Bộ trưởng khuyến nghị, nếu người đứng đầu không chịu thay đổi thì hãy thay người đứng đầu để có thể chuyển đổi số thành công. “Các địa phương cần chọn “nỗi đau” lớn nhất, chỗ khó khăn nhất để chuyển đổi số, thấy hiệu quả, thành công thì sẽ nhân rộng” là lời khuyên tiếp theo của Bộ trưởng về chuyển đổi số dành cho lãnh đạo huyện Võ Nhai, địa phương có xã Sảng Mộc được chọn thí điểm xây dựng xã thông minh. Chuyển đổi số phát huy hiệu quả nhất ở nơi, ở chỗ, ở việc nhiều khó khăn nhất.

Hãy làm ngược những việc mình đang làm

Kết luận hội nghị, vị thuyền trưởng của ngành TT&TT đúc kết một số bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số theo hướng “Cứ làm ngược lại những việc mình đang làm”.

Xưa có khó khăn thì ngậm ngùi đau khổ, giờ nói cho người khác nghe; Đi nhờ người khác giải nỗi đau của mình có khi lại mở ra sự phát triển cho người khác; Xưa đi tìm cán bộ giỏi, giờ nghĩ ra việc để giao thì sẽ có cán bộ giỏi lên;Xưa dạy người lớn trước, giờ dạy trẻ con trước. Xưa chỗ khó nhất làm sau, giờ làm trước; Xưa nhận ít việc và nhận việc dễ, giờ làm việc dễ theo cách cũ thì thành khó, làm việc khó nhưng thay đổi cách tiếp cận lại thành việc dễ; Xưa nghĩ phải có rất nhiều tiền mới làm được, giờ hãy tự biến mình thành người đầu tiên làm, các doanh nghiệp sẵn sàng miễn phí cho những địa phương làm “chuột bạch” để có thể tạo ra sản phẩm để bán chỗ khác...

{keywords}
 Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng ký kết biên bản hợp tác phát triển về TT&TT.

“Các địa phương hiện có rất nhiều vấn đề, mấu chốt để tháo gỡ không phải là tiền. Tài sản lớn nhất lại là có nhiều vấn đề. Vì có nhiều vấn đề nên có nhiều cơ hội dùng công nghệ để giải quyết vấn đề, và do vậy mà tỉnh phát triển, mà công nghệ phát triển, doanh nghiệp công nghệ phát triển. Địa phương nào mạnh dạn đi trước, thì doanh nghiệp sẽ hợp tác phát triển giải pháp, nếu không có vấn đề của địa phương và địa phương không dám làm, không dám đi đầu thì doanh nghiệp cũng không có cơ hội để phát triển một sản phẩm mới. Một số câu chuyện chuyển đổi số vừa nêu trên thực ra không tốn nhiều tiền, mà chỉ tốn quyết tâm của người đứng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định thêm một lần nữa.

VietNamNet

Chuyển đổi số giúp Thái Nguyên hiện thực hóa những giấc mơ

Chuyển đổi số giúp Thái Nguyên hiện thực hóa những giấc mơ

“Chuyển đổi số sẽ là chìa khóa giúp Thái Nguyên thực hiện nhiều giấc mơ, giấc mơ này tiếp nối giấc mơ khác”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chia sẻ tại buổi làm việc chiều 12/11 với đoàn công tác của Bộ TT&TT.