Lâm nghiệp là ngành hàng thế mạnh của Việt Nam. Mỗi năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ gỗ đem về từ 13-16 tỷ USD, đứng top 1 về giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Xuất siêu ngành hàng này đạt trên 10 tỷ USD mỗi năm.

Thế nhưng, ngành lâm nghiệp đang đối mặt với một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành, đặc biệt là quy định chống phá rừng của EU, sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp, rủi ro về nguồn nguyên liệu gỗ bất hợp pháp…

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), hiện nay, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất xanh, có chuỗi cung ứng xanh cũng sẽ tạo được uy tín với khách hàng.

Ngoài ra, khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon được triển khai tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ Việt như EU, Mỹ, Nhật Bản,..., các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh, chuỗi sản xuất xanh sẽ không phải đóng phí phát thải khí nhà kính. 

lam nghiep.jpeg
Nhiều địa phương ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản trị rừng, lâm sản.

Để thích ứng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu, ngành lâm nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị rừng và truy xuất nguồn gỗ.

Cụ thể, Cục Kiểm lâm đã ứng dụng dự báo nguy cơ cháy rừng nhằm giảm thiểu thiệt hại khi cháy rừng xảy ra; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong quản lý rừng tài nguyên bền vững; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng, thực vật, lâm sản…

Ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận cho biết, nhiều nơi rừng, đất rừng trên địa bàn tỉnh xen kẽ đất sản xuất nông nghiệp; khu dân cư, các tuyến giao thông đường bộ đi qua nên trước đây cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác quản lý.

Từ khi Bình Thuận có chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; Sở NN- PTNT tỉnh cũng đã đề xuất phương án “Xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, cảnh báo mất rừng bằng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý tài nguyên rừng bền vững tỉnh Bình Thuận”… thì công tác quản lý cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Theo đó, thông qua triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, cơ quan chức năng nắm rõ được hiện trạng rừng tự nhiên, rừng trồng, sản lượng gỗ… Đây cũng là nền tảng để phục vụ truy xuất nguồn gốc gỗ.

Ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) chia sẻ về việc sử dụng hiệu quả công nghệ điện viễn thám để phát hiện sớm mất rừng và suy thoái rừng. Công nghệ này đang được mở rộng ra toàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, Vườn Quốc gia cùng với các nhà khoa học của trường Đại học Lâm nghiệp đã tạo ra các thuật toán để thu ảnh, viết ra các phần mềm để sử dụng nội bộ. Cán bộ của Vườn thông qua điện thoại có thể cập nhật 24/24h tình hình, diễn biến tài nguyên rừng trong 70.000ha. Bởi, phần mềm này sẽ ghi nhận toàn bộ quá trình tuần tra trong rừng, có tác dụng đánh dấu diễn biến trong rừng đến từng gốc cây. 

GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, trường đã xây dựng được hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ về lĩnh vực lâm nghiệp. Đơn cử, phần mềm Forestry 4.0 có thể xác định được diễn biến của rừng đến phạm vị từng lô một. 

Theo ông Điển, chúng ta có 7,5 triệu lô rừng và các hình ảnh có độ phân giải cao đang được cập nhật. Khi đó sẽ soi được từng gốc cây, theo dõi được diễn biến của rừng phát triển tốt hơn hay xấu đi. Đây chính là cơ sở vô cùng cần thiết để phục vụ cho công tác truy xuất, nghiên cứu trong ngành lâm nghiệp.

Phần mềm Forestry 4.0 cũng xác định từng loại cây. Hiện có 200 loài cây trong cơ sở dữ liệu và sắp tới có thêm 600 loài cây được cập nhập, được đánh số định vị. Người dân sử dụng phần mềm sẽ có luôn tư vấn thông liên quan đến cây trồng. Đây chính là tác động, tương tác mới nhờ chuyển đổi số mang lại, ông Điển cho hay.

Ông Phạm Hồng Lượng -  Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, nhìn nhận, cơ quan quản lý áp dụng chuyển đổi số giúp cho công việc quản trị rừng tốt hơn. Đồng thời, minh bạch hóa toàn bộ quá trình quản lý lâm nghiệp về từ bảo vệ, thương mại, chế biến lâm sản... hay tham gia các quy định, đạo luật mới của EU.

Ở khía cạnh kinh tế, chuyển đổi số giúp chúng ta cắt giảm nhiều chi phí, thời gian... Khi tích hợp nhiều ứng dụng, người dùng sử dụng có thể truy xuất thông tin nhanh và dễ dàng. Song, các kho dữ liệu, phần mềm hiện có nhưng chưa có hệ thống chung. Thế nên, thời gian tới cần phải xây dựng một phần mềm chung nhất, đồng nhất để dùng được cho toàn ngành nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. 

Diệu Thúy và nhóm PV, BTV