Thêm tín hiệu tích cực

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tới Việt Nam từ ngày 18-20/10 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư quốc tế. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Suga kể từ khi ông nhậm chức, được coi là chuyến đi chứa đựng tín hiệu về chính sách đối ngoại, đầu tư của Nhật.

Theo kế hoạch, sau Việt Nam, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide sẽ đi thăm Indonesia. Nếu Việt Nam là chủ tịch ASEAN năm nay, nơi có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động thì Indonesia là nước đông dân nhất ASEAN đồng thời là thành viên của nhóm các nền kinh tế lớn G20.

Nikkei nhận định chuyến thăm Việt Nam của ông Suga sẽ thúc đẩy thỏa thuận đầu tư toàn cầu.

Đây được xem là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh mà theo VinaCapital các ngân hàng trung ương toàn cầu đã, đang và sẽ phát hành nguồn tiền mới với tổng giá trị lên tới 6.000 tỷ USD. Sự dịch chuyển của dòng tiền khổng lồ này có thể sẽ tạo ra cú huých lớn cho một số nền kinh tế nếu các nước này tận dụng được cơ hội.

{keywords}
Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide tới Việt Nam từ ngày 18-20/10.

Theo đánh giá của WB, Việt Nam có lợi thế chưa từng có sau những thành công đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19 và là nền kinh tế duy nhất trong top 5 các nước ASEAN-5 duy trì tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19.

Một nghiên cứu gần đây của VinaCapital cho thấy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng giúp kinh tế Việt Nam sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại hậu Covid.

Nguồn vốn từ Nhật Bản là một trong những dòng vốn quan trọng, dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh vào Việt Nam sau khi đã có những cú bứt phá ngoạn mục.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc) và là quốc gia có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đứng thứ hai trong năm 2019, chỉ sau Hàn Quốc.

Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, Việt Nam vừa có một hiệp định thương mại quan trọng với Liên minh châu Âu (EVFTA).

Gần đây, Nhật Bản có chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu để nước này có thể tránh được tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.

Theo Reuters, trong số các doanh nghiệp tham gia chương trình ưu đãi của chính phủ Nhật Bản nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á thì có một nửa nhắm tới Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp Nhật mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam gia tăng mạnh.

Dòng vốn Nhật, Hàn đổ mạnh vào Việt Nam

Gần đây, dòng vốn Nhật không chỉ vào Việt Nam theo con đường FDI mà còn qua đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán. Các tập đoàn Nhật nhắm mua cổ phần của các doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam.

Trong tháng 9, Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam của ông lớn Nhật Bản ENEOS Corporation đã mua xong 13 triệu cổ phiếu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX), nâng sở hữu lên 9%. Trong năm 2016, JX Nippon Oil & Energy đã rót gần 4.000 tỷ đồng để sở hữu 8% vốn Petrolimex.

{keywords}
Dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Hồi tháng 3, Ngân hàng Phương Đông (OCB) của Việt Nam phát hành thành công 86,68 triệu cổ phiếu (chiếm 100% số lượng cổ phiếu đăng ký chào bán) cho ngân hàng Aozora Nhật Bản.

Ngay đầu năm, Sumitomo Life của Nhật đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng để mua thêm hơn 41 triệu cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt (BVH), tương đương 5,91% vốn điều lệ hiện hành, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Bảo Việt lên 22,09%. Giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục là 6 tháng.

Trước đó, Sumitomo cùng hai tổ chức đã chi 37 triệu USD để mua 10% vốn tại Công ty Cổ phần Gemadept (GMD), doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam.

Theo Nikkei Asia, các doanh nghiệp Nhật đổ vốn vào các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh. Đơn cử, Sumitomo đã nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ logistics khi Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Trong khi đó, Việt Nam là thị trường đầy triển vọng với nhu cầu vận chuyển bằng container tăng 7%, với khoảng 14 triệu container hàng hóa được vận chuyển mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên 23 triệu container vào năm 2025.

Hồi tháng 8/2019, nhà sản xuất Nhật Bản Kyocera cũng quyết định mở nhà máy sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng phục vụ thị trường Mỹ tại Việt Nam.

Trước đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo hồi đầu tháng 7/2019 với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp Nhật Bản đã rót 8 tỷ USD vào hàng loạt lĩnh vực ở Việt Nam ngay sau khi Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA với EU.

Không chỉ Nhật, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đổ mạnh vốn vào Việt Nam để phát triển sản xuất kinh doanh.

Tại hội thảo “Toàn cảnh kinh tế 2020 và dự báo 2021 - Tư duy chiến lược dành cho SMEs” mới đây, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, hấp lực quan trọng của Việt Nam chính là độ mở của nền kinh tế. Với hàng loạt hiệp định thương mại với các đối tác thương mại lớn trên thế giới, doanh nghiệp các nước rất muốn đổ tiền vào Việt Nam.

Độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện thuộc top đầu thế giới, với kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đạt 200%.

Cơ hội đón vốn ngoại lên cao hơn bao giờ hết khi mà căng thẳng Mỹ-Trung lên cao. Việt Nam thậm chí có thể đón cả chuỗi doanh nghiệp, không chỉ từ Hàn Quốc, Nhật Bản... mà có thể từ các tập đoàn lớn của Mỹ như Apple.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam gần đây, WB đánh giá Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, nhất là khi Việt Nam làm được những điều khác biệt, thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và duy trì được những thành tích trên phương diện kinh tế đối ngoại, giữ tương đối vững kim ngạch xuất khẩu, FDI và FII khá cao.

M. Hà