Máy lọc nước công suất lớn sau lũ
Trong những ngày cả nước hướng về miền Trung, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN tỉnh Nghệ An) cũng đang gấp rút đóng chai 2.000 lít dung dịch nước muối điện hoạt hoá để trao tặng cho bà con vùng lũ. Dung dịch nước muối điện hoạt hoá là sản phẩm của Trung tâm, có tác dụng diệt khuẩn và xử lý nguồn nước ô nhiễm.
Chia sẻ với PV, ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nghệ An cho biết, trong đợt chống đại dịch Covid-19 vừa qua, Trung tâm cũng đã trao tặng sản phẩm dung dịch nước muối điện hoạt hoá cho những khu vực trọng điểm, dùng để rửa tay, xịt vệ sinh trang thiết bị.
2.000 lít dung dịch nước muối điện hoạt hóa đang được đóng chai để trao tặng cho bà con vùng lũ. |
“Còn trong đợt lũ này, chúng tôi dự định tặng bà con để súc miệng, đề phòng bệnh tả, rửa tay chân với các vết thương hở, thậm chí có tác dụng phòng chống các bệnh phụ khoa”.
Ngoài ra, Sở KH&CN tỉnh Nghệ An cũng đang kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ người dân vùng lũ lắp đặt thiết bị lọc nước công suất lớn để phục vụ sinh hoạt thời điểm sau lũ.
“Sau lũ là thời điểm mà nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng, vì thế chúng tôi cho rằng đây là một thiết bị cần thiết để đảm bảo sức khoẻ cho người dân”.
Ông Thành cho biết, sản phẩm này là thiết bị lọc nước đầu nguồn, có công suất lớn - 5-10m3/ ngày và cho ra sản phẩm nước sinh hoạt đạt chuẩn Bộ Y tế. “Đây là thiết bị lọc nước sinh hoạt, nếu cần thì lắp thêm một bộ lọc tinh nữa là nước có thể uống tạm được”.
“Nó giống như một nhà máy nước mini, có thể sử dụng 1 máy công suất 10m3/ ngày cho 2-3 hộ gia đình dùng chung”.
Được biết, trong 2 năm qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai lắp đặt được gần 200 chiếc máy lọc nước này theo chương trình nông thôn mới cho những địa phương chưa có nước máy, các đồn biên phòng của tỉnh nằm ở khu vực biên giới mà trước đây chỉ có nước suối để dùng.
“Điểm khác biệt của thiết bị này là công suất lớn và có cơ chế xả tắc, khoảng 5 năm mới phải thay lõi lọc một lần. Trong khi các sản phẩm trên thị trường phải thay lõi lọc thường xuyên, chi phí cho mỗi lần thay khoảng 500-600 nghìn đồng”.
Thiết bị lọc nước đầu nguồn công suất lớn do Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Nghệ An lắp đặt. |
Chi phí cho một thiết bị máy lọc nước 10m3/ ngày là 10,2 triệu đồng; loại 5m3/ ngày có giá 8 triệu đồng. Đây là mức chi phí chỉ bao gồm tiền công, không có lợi nhuận. Ngoài ra, trung tâm cũng nhận lắp đặt miễn phí cho bà con vùng lũ.
“Ngay sau lũ xuống, có điện là máy có thể đưa vào sử dụng ngay để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Sắp tới, chúng tôi cũng chuẩn bị lắp khoảng 70 chiếc cho một huyện trong tỉnh” - ông Thành cho biết.
‘Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây’
Anh Nguyễn Xuân Hòa (SN 1980), giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đất lành (ở xã Dân Chủ, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) có 7 năm hoạt động nghiên cứu, bảo tồn gen và phục tráng các giống gà bản địa.
Năm 2019, anh hoàn thiện trang trại riêng tại xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) chuyên nuôi gà úm, phân phối đi nhiều tỉnh ở miền Bắc.
Giống gà ri lai anh Hòa và bạn đang nuôi "úm" để tặng người dân vùng lũ. |
Mỗi lần thực hiện hợp đồng cho khách, anh thường nuôi dư ra một số gà nhất định (khoảng vài trăm con gà giống). Sau khi hoàn thành, cung cấp gà giống cho khách, số gà dư ra anh dùng vào việc từ thiện.
Vốn đam mê phượt, mỗi lần đi du lịch ở các tỉnh miền núi, anh thường đóng số gà giống vào thùng, đưa theo cùng. Tìm các gia đình hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu nuôi gà, anh đem tặng họ.
“Trong vòng 2 năm, hàng nghìn con gà giống đã được cho đi. Được tặng gà, bà con quý và mừng lắm”, anh vui vẻ kể.
Giai đoạn miền Trung rơi vào cảnh lũ lụt, anh Hòa cũng muốn làm gì đó để giúp đỡ bà con.
4.000 con gà giống sẽ được nuôi tại trang trại để chờ thời điểm thích hợp chuyển vào miền Trung. |
Anh nói: “Sau bão lũ, người dân cần quay lại với việc sản xuất, trồng trọt. Lúc này, con giống và cây giống là thứ vô cùng quý với họ. Vì vậy tôi nảy ra ý tưởng là sẽ tặng gà giống cho bà con”.
Khoảng 1-2 tuần nữa, lũ rút, người dân sẽ khắc phục thiên tai, quay lại sản xuất. Khi bắt tay tái sản xuất, họ cần giống. Giá gà giống nói riêng cũng như các loại giống cây trồng, vật nuôi khác chắc chắn sẽ tăng nhanh bởi nhu cầu tăng đột biến”, anh Hòa nói.
Vì vậy anh Hòa đã quyết định gom gà giống để nuôi tại trang trại mình. Sau đó, anh sẽ tặng cho người dân miền Trung để họ tái sản xuất.
“Tôi mong góp một phần nhỏ để động viên họ đứng dậy sau khó khăn. Chỉ có cách đối mặt, tiếp tục sản xuất mới giúp chúng ta vượt qua thử thách một cách nhanh nhất”, anh Hòa nói.
Lứa gà giống tặng miền Trung
Kế hoạch của anh Nguyễn Xuân Hòa vừa đưa ra đã được rất nhiều bạn bè, người thân của anh ủng hộ.
Lứa đầu tiên, anh chuẩn bị khoảng 2.000 con gà giống, tiêm vắc xin đầy đủ và nuôi khoảng 1-2 tuần. Sau đó, số gà sẽ được đóng thùng để chuyển vào miền Trung.
Cùng lúc đó, biết kế hoạch giúp miền Trung hồi sinh của anh Hòa, anh Lương Nguyễn Tiến, Chủ một doanh nghiệp chuyên ấp nở và sản xuất giống gà ri lai, cũng ủng hộ 2.000 con gà giống để gửi vào miền Trung.
"Anh Đồng Tiến, một người bạn khác nữa của tôi, cũng ủng hộ lần 1 là 10 bao cám. Một số người khác lại gửi tiền, đăng ký chuyển thuốc , thức ăn cho gà... để giúp đồng bào chăn nuôi", anh Hòa chia sẻ.
Anh Hòa (bên trái) chụp ảnh kỷ niệm với người dân trong một lần lên Hòa Bình tặng gà giống. |
Hiện tại, anh Hòa đang cho người dọn dẹp lại chuồng trại, chuẩn bị đón lứa gà giống này về. Đồng thời, anh cũng liên hệ với các cơ sở sản xuất khác để xin hoặc mua cám, thuốc… cho gà với giá rẻ.
“Lũ chồng lũ nên tại nhiều gia đình, hệ thống chăn nuôi, điện nước, thức ăn… chắc chắn đều bị hư hỏng. Vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ bà con đầy đủ nhất có thể để chăn nuôi (từ con giống đến thức ăn, thuốc, máng cho gà ăn…)”, anh nói.
Trước đây, khi tặng gà giống cho người các tỉnh miền núi phía Bắc, anh thường chọn giống gà ri bản địa và nuôi “úm” trong vòng khoảng 20 ngày bởi phải tùy thuộc vào đặc điểm thời tiết, điều kiện của vùng.
Còn với khu vực miền Trung, anh đang triển khai nuôi “úm” giống gà ri lai, dự định nuôi khoảng hơn 1 tuần là có thể chuyển số gà giống trên vào cho bà con.
Anh cho rằng, người dân ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị… đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chăn nuôi gà. Bên cạnh đó, giống gà ri lai cho năng suất cao, khả năng thích nghi và sớm thu hoạch được hơn.
Không chỉ cung cấp gà giống, anh nhóm từ thiện của anh Hòa còn chuẩn bị một phần thức ăn, thuốc... tặng cho người chăn nuôi. |
“Chúng tôi sẽ ưu tiên những vùng ngập lụt nặng. Tôi cũng nhờ người khảo sát nhu cầu, hoàn cảnh và lên danh sách các gia đình khó khăn. Sau khi tình hình bà con ổn định, có thể tái sản xuất, chúng tôi sẽ đóng thùng và chuyển gà đi luôn”, anh nói thêm.
Trước mắt, anh Hòa và bạn anh chuẩn bị khoảng 4.000 con gà giống. Sau đó, nếu trang trại còn trống lô, anh sẽ tiếp tục nuôi gà giống để chuyển thêm vào cho người dân.
Anh Hòa thông tin, giống gà ri lai 50 nuôi khoảng 90 ngày, giống gà ri lai 75 nuôi khoảng 125 ngày; gà ri thuần nuôi khoảng 150-180 ngày là có thể cho thu hoạch.
Anh hi vọng, 50-100 gia đình được tặng gà giống miễn phí, đến tết Nguyên đán tới đây, họ có thể thu hoạch lứa đầu tiên.
Báo VietNamNet đứng ra làm cầu nối nhận ủng hộ của bạn đọc, trực tiếp trao tặng đến những hộ dân bị thiệt hại do lũ, khắc phục khó khăn. Mọi đóng góp xin gửi về: |
‘Cả làng’ gọi nhau nhóm bếp, nấu nghìn suất xôi gửi vùng lũ lụt
Hình ảnh người phụ nữ ngoài tuổi 70, vừa trông cháu vừa cắm cúi giã lạc, gửi tặng đồng bào vùng lũ khiến nhiều người xúc động.
Ngọc Trang - Nguyễn Thảo
Ảnh: Nhân vật cung cấp