Làng Hưng Học từ xưa đã nổi tiếng với nghề làm ngư cụ, đan thuyền nan để phục vụ đời sống bà con trên đảo Hà Nam. Trước đây, nhà nào trong làng cũng rôm rả tiếng chẻ tre, tách nứa và cười nói của mọi người ngồi đan thuyền, làm ngư cụ như lờ, dậm, đó.
Những ngư cụ được làm thủ công từ làng Hưng Học có độ bền cao, phù hợp với việc đánh bắt thuỷ, hải sản theo con nước của người dân trên đảo.
Hiện tại, nghề này dần mai một khi chỉ còn lác đác vài hộ dân giữ được nghề truyền thống địa phương. Bởi, những người còn làm nghề đều đã cao tuổi, lớp trẻ sau khi học xong cũng thoát ly và tìm những công việc khác có mức lương ổn hơn để đảm bảo cuộc sống.
Ông Vũ Văn Thuận (65 tuổi) là một trong số ít người còn làm ngư cụ ở làng. Hàng ngày, ông vẫn miệt mài làm nguyên liệu bước đầu cho việc tạo ra những sản phẩm ngư cụ.
Tre, nứa sau khi mua về được ông chẻ ra thành những thanh nhỏ, dùng búa đập dập. Tay ông thoăn thoắt vót thanh tre dẹp, đều nhau. Những việc tưởng như nhẹ nhàng nhưng cần thao tác thành thạo và lấy đi của ông gần 1 ngày mới hoàn thành.
"Không làm thì buồn chân tay, làm ra sản phẩm thì ít người mua, giá thành rẻ. Cũng chính vì lý do này mà nhiều hộ dân trong làng đã không làm nữa, giới trẻ cũng tìm những công việc lương cao hơn. Cứ đà này, thế hệ già mất đi, người trẻ không theo thì nghề của làng thất truyền", ông Thuận tâm tư.
Anh Vũ Văn Hùng (39 tuổi, con ông Thuận), là người duy nhất trong gia đình theo nghề của bố. Ông Thuận sơ chế nguyên liệu xong sẽ chuyển cho con đan tre thành tấm rồi làm thuyền nan.
Xưởng làm thuyền của anh Hùng ở mặt đường, ngay đầu làng Hưng Học, bên trong có hàng tá thuyền lớn, nhỏ đã hoàn thành nhưng chưa có người mua. Tại đây, anh Hùng chỉ có một mình khi vừa làm chủ kiêm thợ làm thuyền và nhân viên chào mời sản phẩm.
Để hoàn thiện 1 chiếc thuyền, anh Hùng phải mất gần nửa tháng nhưng chỉ bán được khoảng 5 triệu đồng. Do có quá nhiều thuyền làm xong nhưng chưa bán được nên hiện tại anh Hùng chỉ làm khi có người đặt hàng từ trước.
Là một trong những hộ dân chuyển đổi cơ chế thủ công phục vụ đời sống sang thủ công mỹ nghệ, ông Nguyễn Anh Sáu (SN 1957, người dân làng Hưng Học) nay chỉ làm những sản phẩm nhỏ để trưng bày và tham gia hệ thống OCOP Quảng Ninh.
Với kinh nghiệm hàng chục năm, tay nghề của ông Sáu thuộc hàng lão luyện của làng khi đã làm ra hàng trăm con thuyền phục vụ người dân đi đánh bắt thuỷ, hải sản.
Tuy nhiên, để duy trì, gia đình ông quyết định thay đổi sang làm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm sẽ bán cho những khách du lịch tìm về làng, trưng bày ở những hội chợ truyền thống. Nhà ông cũng được chính quyền gắn biển "điểm tham quan du lịch, làng nghề truyền thống đan ngư cụ Hưng Học".
Mặc dù vậy, ông Sáu vẫn đau đáu nỗi lo thất truyền khi những người con của ông và thanh niên trong làng không ai theo tiếp nghề này.
"Trước tôi mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em về việc đan lờ, thuyền nan nhỏ, nhưng cũng chỉ được mấy buổi đầu, các cháu không còn đam mê nên không đến nữa", ông Sáu buồn bã nói.
Theo Chủ tịch UBND phường Nam Hoà Hoàng Xuân Phong, hiện tại chỉ còn vài hộ dân theo nghề đan thủ công tại địa phương.
Lý giải việc này, ông Phong cho biết do giá thành mỗi sản phẩm không cao, ít người mua, thanh niên học xong thì đi làm ở nơi khác hoặc trong khu công nghiệp.
Mặt khác, lượng thuỷ sản ở các sông hiện tại đã giảm, cho nên như cụ đánh bắt như lờ, dậm, đó ít người có nhu cầu mua. Thị trường thuyền làm bằng vật liệu composite đang dần chiếm lĩnh nên lượng người mua thuyền nan giảm đáng kể.
"Chính quyền địa phương vẫn tạo điều kiện cho những hộ dân theo nghề truyền thống có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất. Những hộ chuyển đổi làm thủ công mỹ nghệ được hỗ trợ làm bao bì OCOP và quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng", ông Phong thông tin.