“Việc đi làm lại giấy khai sinh mà phải chụp bia mộ của ông bà, bố mẹ tất nhiên không phải do bộ ngành đặt ra nhưng qua thực tế đó cho thấy các thủ tục hành chính còn nặng nề. Chính phủ rất quyết tâm giảm thủ tục hành chính, trong đó có hành chính trong lĩnh vực tư pháp”, Thứ trưởng Tư pháp nói.

{keywords}
Ảnh: T.Hằng

Trao đổi thêm với báo chí bên lề hội nghị, ông Ngọc cho biết, đây thực ra do phối hợp giữa các sở ban ngành chưa tốt ở địa phương.

“Bên công an đi thu thập dữ liệu dân cư, họ phát phiếu các thứ nhưng dân điền không đủ vì nhiều người già rồi, bắt đi làm giấy khai sinh lại, chứng minh các mối quan hệ rất khó. Vì vậy họ bảo bố mẹ chết rồi thì bây giờ phải chụp bia mộ”, ông Ngọc giải thích thêm.

Thứ trưởng Tư pháp thông tin thêm, đây là trường hợp được cử tri Bình Dương nêu ra và kiến nghị Bộ trưởng Tư pháp quan tâm cải cách thủ tục hành chính.

Sau đó, Bộ trả lời việc này không phải do quy định của pháp luật mà do thực tiễn ở dưới địa phương khi đi thu thập vướng giấy tờ nên họ mới yêu cầu như thế.

Nếu không chặt chẽ, cán bộ dễ dính vào kiện tụng

Liên quan đến công tác hộ tịch, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) khẳng định về mặt lý thuyết, tất cả trẻ em tại Việt Nam đều được khai sinh, không một trường hợp nào không được khai sinh.

Theo ông Khanh, để đảm bảo bí mật đời tư, hiện nay pháp luật chưa cho phép DN tư nhân tham gia quản lý dữ liệu cá nhân. Liên quan đến bí mật đời tư nên dù là vấn đề rất nhỏ cũng có thể trở thành dư luận của cả nước nếu bảo mật thông tin không tốt.

Ông dẫn trường hợp thanh niên 26 tuổi kết hôn với người phụ nữ 62 tuổi mà dư luận cho rằng việc này “rò rỉ” ra ngoài là do cán bộ tư pháp và cảnh báo: "Nếu không làm chặt chẽ, cán bộ tư pháp, hộ tịch rất dễ dính vào kiện tụng".

Ông Khanh đề nghị giám đốc sở tư pháp các tỉnh nhanh chóng dùng phần mềm của bộ, nếu không sau này sẽ tốn kinh phí cho việc số hóa cơ sở dữ liệu. Mục tiêu từ 1/1/2020, tất cả cơ quan đăng ký hộ tịch trong nước sẽ sử dụng phần mềm đăng ký hộ tịch của Bộ Tư pháp.

Báo cáo công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm, đại diện Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành đạt nhiều kết quả tích cực.

Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ tiếp tục tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành được đánh giá.

Đối với công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp đã mở rộng triển khai hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch tại 51 tỉnh/thành, tăng thêm 13 địa phương so với cuối năm 2018.

Đến nay, hệ thống ghi nhận gần 8 triệu hồ sơ đăng ký hộ tịch, trong đó có hơn 2,3 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh được cấp số định danh cá nhân; có hơn 16 triệu thông tin công dân đã được thu thập.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch vào hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở TƯ và địa phương (trục NGSP) để triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi.

Hiện nay, Bộ đã hoàn thành việc tích hợp trên môi trường thử nghiệm, đang chuẩn bị triển khai thí điểm tại 5 địa phương (Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Huế).

Thủ tục rối bời, nụ cười hiếm hoi, thuê dịch vụ 2 triệu cho khỏe

Thủ tục rối bời, nụ cười hiếm hoi, thuê dịch vụ 2 triệu cho khỏe

DN than “chỉ có thể bán DN nếu tự nghiên cứu thủ tục” và sẵn sàng chi 2 triệu để thuê dịch vụ làm thủ tục cho nhanh, cho khỏe.

Thu Hằng