Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ VHTT&DL,  Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia về việc gửi Hồ sơ quốc gia "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" trình UNESCO xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ trưởng Bộ VHTT&DL thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và phối hợp với Ủy bban Quốc gia UNESCO Việt Nam làm các thủ tục cần thiết gửi Hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3/2017. 

{keywords}
"Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" trình UNESCO xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. 

Từ bao đời nay, hát then đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, loại hình nghệ thuật hát then chỉ có ở 5 tỉnh là Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. 

Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái thường sử dụng hát then vào những dịp trọng đại như hội làng, cầu đảo của từng gia đình, dòng họ vào dịp năm mới, sinh con đầu lòng, giải trừ tà ma và chữa bệnh. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, hát then xuất hiện vào khoảng cuối TK XV, đầu TK XVI vào thời nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và xây dựng thành quách ở đó. Theo truyền thuyết, trong số quan lại của nhà Mạc có hai vị tên là Đế Phụng và Đế Đáng rất yêu âm nhạc và thích ca hát, họ đã chế tạo ra tính tẩu và lập ra hai tốp hát để phục vụ cung đình. 

Về sau dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian. Theo thời gian, hát then - đàn tính được lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Về cơ bản, hát then - đàn tính ở mỗi vùng miền đều có cung quãng giống nhau nhưng về lời hát thì có nhiều dị bản để phù hợp với đặc điểm, cũng như phong tục của từng địa phương.  

Đàn tính được cấu thành từ 6 bộ phận gồm: bầu đàn, cần đàn, dây đàn, khóa đàn, ngựa, mặt đàn. Người Tày rất coi trọng việc hoàn thành đàn tính tẩu. Khi trình diễn, họ thường tổ chức lễ cúng nhỏ để xin phép tổ sư. Đàn tính được treo trang trọng trên vách gần bàn thờ tổ sư, những khi đi đâu, người Tày thường bọc đàn tính trong vải đỏ và bầu đàn luôn hướng về phía trước mặt mình. Đàn tính chủ yếu được dùng để đệm hát và có thể diễn tấu một mình hoặc nhiều cái cùng một lúc.

Đi với đàn tính tẩu là hát then (then theo tiếng Tày có nghĩa là của, lối đi, lối hát). Then chỉ có một vài giai điệu khác nhau nhưng sự hấp dẫn của then chính là sự phong phú đa dạng của ca từ. Lời then có tới 35 chương đoạn khác nhau, phụ thuộc vào người biểu diễn và mục đích của nghi lễ. Người làm then cổ thường vừa hát then vừa chơi đàn tính kết hợp sử dụng chùm nhạc xóc trong các nghi lễ như cầu mưa, cầu lửa, giải hạn cầu may, cầu được mùa… 

Then còn là chiếc cầu nối giữa con người với thế giới thần linh và đất trời, chính vì thế, then là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

T.Lê