Bấp bênh dễ bị thay ghế giữa kỳ

Trong một năm qua Trường ĐH Hoa Sen trải qua 4 đời hiệu trưởng. Khi ông Lưu Tiến Hiệp hết nhiệm kỳ, trường đã đề xuất GS Trương Nguyện Thành lên làm hiệu trưởng nhưng chưa được công nhận. Sau đó trường này tiếp tục mời PGS Trần Đan Thư, Trường ĐH Khoa học tự nhiên về làm hiệu trưởng, nhưng PGS Thư tại vị 4 tháng đã viết đơn từ chức do trường nay thay đổi chủ đầu tư. Vừa qua khi mua thành công trường đại học này tập đoàn Nguyễn Hoàng đã mời GS Mai Hồng Quỳ về làm hiệu trưởng.

{keywords}
Các nhân sự hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen trong năm qua, chưa kể trường hợp GS Trương Nguyện Thành chưa được công nhận

Trường ĐH Thành Tây khi tổ chức giáo dục Mỹ đầu tư đã mời TS Đàm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học FPT về làm hiệu trưởng, nhưng khi tổ chức này rút lui thì hiệu trưởng cũng là người khác.

Một trường hợp khác hiệu trưởng bị cho nghỉ giữa kỳ xảy ra tại Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM. Do những lùm xùm bằng cấp khi chưa rõ ràng, Hội đồng quản trị trường này đã miễn nhiệm hiệu trưởng ngay giữa kỳ.

Việc thay đổi "chủ" dẫn tới thay đổi hiệu trưởng ở các trường tư khác cũng diễn ra tại Trường ĐH Gia Định. Khi tập đoàn Nguyễn Hoàng mua lại trường này đã mời TS Hà Hữu Phúc, nguyên vụ trưởng, nguyên Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM về làm hiệu trưởng. 

Cái bóng trước đó quá lớn

Các nhân sự ở trường công khi chuyển qua làm lãnh đạo trường tư đa số đều có tiếng, thậm chí có người được gọi là "linh hồn" của trường họ công tác trước đó, như PGS.TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM.

Dưới thời ông Phong, Trường ĐH Quốc tế tiến hành tự chủ. Sau 10 năm (2007-2017), lương cán bộ giảng viên tăng 15,6 lần, cao nhất nhì đại học ở Việt Nam. Giảng viên giỏi về trường làm việc tăng 7,5 lần, người có trình độ tiến sĩ trở lên 60%, tăng gấp đôi so với 10 năm trước. 

Còn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nơi ông mới về làm hiệu trưởng, không được đánh giá cao về chất lượng. Dù mang tiếng "quốc tế" nhưng hàng năm điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn. Trong mùa tuyển sinh 2018 vừa qua, điểm chuẩn 28/31 ngành của trường này là 14 điểm.

PGS.TS Hồ Thanh Phong cũng thừa nhận với VietNamNet, "cái bóng" lớn ở trường công sẽ là khó khăn cho ông.

"Tôi suy nghĩ rất nhiều về công việc, quá khứ và tương lai. Xuất thân là giảng viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM tôi đã theo đuổi sự nghiệp giáo dục tròn 36 năm trong các trường công lập từ Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đến Trường ĐH Quốc tế. Việc chuyển sang làm hiệu trưởng đại học tư thục vừa mới mẻ, nhiều thách thức, tôi hơi lo nhưng tin mình làm được" - ông Phong cho hay.

PGS Đỗ Văn Xê khi còn ở Trường ĐH Cần Thơ từng được mệnh danh là "thầy giáo rặt Nam Bộ" vì là người thẳng thắn, gần gũi, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng lên tiếng. Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, nơi hiện tại ông là Hiệu trưởng, thì trước đó trải qua 5 năm bị đình chỉ tuyển sinh vì tranh giành quyền lợi, mất khả năng lãnh đạo… Một trong những lý do khiến hiệu trưởng cũ của trường này viết đơn từ nhiệm là do áp lực quá lớn từ sự phát triển của trường của chủ đầu tư. 

Trường ĐH Hoa Sen sau nhiều năm tranh chấp không ổn định đã mất niềm tin của phụ huynh, sinh viên, chỉ tiêu tuyển sinh giảm... Trong phát biểu nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, GS Mai Hồng Quỳ cũng cho hay, bà đã kinh qua hầu hết các công việc ở một trường đại học như từ giảng viên, trưởng bộ môn, trưởng khoa, phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng công lập nhưng khi chuyển qua cương vị hiệu trưởng tư thục, bà cảm nhận một cách sâu sắc trách nhiệm và những thách thức đối với bản thân, mà điều đầu tiên là sự kỳ vọng của nhà đầu tư.

"Làm hiệu trưởng là vinh dự nhưng sẽ song hành với nghĩa vụ, trách nhiệm, đòi hỏi một sự dấn thân và đương đầu với thử thách. Tuy nhiên, tôi cảm thấy đã chuẩn bị đủ dũng khí, kinh nghiệm và nhiệt huyết để đảm đương công việc này" - bà Quỳ nói.

Sẽ làm gì khi về trường tư?

PGS Hồ Thanh Phong thừa nhận, một trong những khó khăn nhất khi về làm hiệu trưởng trường tư là nâng cao chất lượng sinh viên, chất lượng thầy giáo và chất lượng các phương tiện để phục vụ cho dạy học.

"Ở Trường ĐH Quốc tế, chúng tôi mất 10 năm để nâng cao chất lượng sinh viên. Năm đầu tiên tôi làm hiệu trưởng, điểm tuyển sinh đầu vào là 17, tới năm cuối khi tôi nghỉ thì điểm này là 26. Tôi biết ở trường mới làm được như vậy rất khó nhưng nếu có chương trình hay, giảng viên tốt, học bổng thích hợp thì hoàn toàn có thể chọn được học sinh giỏi" - ông Phong nói.

Ông Hồ Thanh Phong cũng cho hay điều đầu tiên khi ông về làm hiệu trưởng trường tư là phát triển đội ngũ bao gồm thu hút nhân lực có trình độ cao, đào tạo, sử dụng và đề bạt. Ngoài ra sẽ xây dựng cơ chế trả lương theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở mức cạnh tranh cao nhất. Thu nhập của giảng viên và cán bộ nhân viên được cấu thành bởi hai phần, trong đó phần cứng đảm bảo thu nhập ổn định và phần chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra sẽ phát triền về đề đào tạo, sẽ hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lãnh vực, rà soát lại chương trình đào tạo, tăng trường cơ sở vật chất, đẩy mạnh khoa học.

Chia sẻ thêm, ông Phong cho biết mình "không tự tin khi nói rằng có ông Hồ Thanh Phong ở đây thì học sinh sẽ vào học, nhưng tôi có cách để thu hút. Tôi nghĩ khi đi bán hàng đừng bán hàng giả, hàng nhái mà hãy bán hàng thật, mạnh dạn giới thiệu về hàng hóa của mình thì sẽ làm được".

GS Mai Hồng Quỳ thì cho biết việc đầu tiên của bà là củng cố tổ chức, duy trì và thực hiện thêm các biện pháp cần thiết để tạo môi trường làm việc tốt cho các thầy cô giáo và điều kiện học tập tối ưu cho sinh viên. Bên cạnh đó là định hướng phát triển trường, thực hiện rà soát các chương trình, ngành đào tạo...

Còn PGS.TS Đỗ Văn Xê thừa nhận có rất nhiều khó khăn cho quyết định nhận làm hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương. Nhưng sau một thời gian làm việc, ông Xê cho hay "tôi gặp thuận lợi nhiều hơn dự kiến ban đầu".

Lê Huyền

Hàng loạt nhân sự trường công qua trường tư làm lãnh đạo

Hàng loạt nhân sự trường công qua trường tư làm lãnh đạo

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt nhân sự ở các trường đại học công lập đã sang trường tư công tác với vị trí hiệu trưởng.