Năm 1987, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở sáp nhập vùng kinh tế mới của Hà Nội ở Nam Ban, Lán Tranh cùng với một số xã, thị trấn khác. Được biết khi đó tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 50%, thậm chí còn tới 30% dân số trong tình trạng thiếu đói.

Đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện đã giảm chỉ còn 2,28%, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 5,85%. Trong phương hướng thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 của huyện đặt ra là đưa tỷ lệ hộ nghèo chung còn dưới 2%, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn dưới 5%.

Ngày nay, với tổng diện tích đất tự nhiên trên 93 ngàn ha, trong đó trên 90% là đất nông nghiệp, Lâm Hà đã trở thành một vùng chuyên canh cây công nghiệp có tiếng trong đó chủ đạo là cà phê, chè và dâu tằm.

{keywords}
Lâm Hà được thành lập trên cơ sở sáp nhập vùng kinh tế mới của Hà Nội ở Nam Ban, Lán Tranh cùng với một số xã, thị trấn khác.

Những người nông dân dám nghĩ, dám làm

Góp phần tạo nên diện mạo Lâm Hà ngày nay, không thể không kể đến vai trò của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG). Phong trào này không chỉ giúp tạo thu nhập ổn định cho chính những nông dân tham gia, mà còn là động lực để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

Huyện Lâm Hà hiện có 70% dân số là nông dân, với 22.592 hội viên Hội Nông dân. Toàn huyện hiện có 16 cơ sở hội, 188 chi hội nông thôn và 1 chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm, 406 tổ hội. Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 12.600 hộ đăng ký SXKDG, có 7.171 hộ đạt, trong đó, cấp cơ sở là 7.171 hộ, cấp huyện là 1.845 hộ, cấp tỉnh là 744 hộ, cấp Trung ương là 9 hộ. Có những hộ nông dân làm ăn giỏi đã đạt được mức thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Phong trào thi đua SXKDG đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện. Một số hộ nông dân SXKDG đã đại diện cho người sản xuất bàn bạc và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng.

Toàn huyện hiện có 36 HTX nông nghiệp, góp phần củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới như nuôi bò sữa, lợn rừng, dế, trồng dâu tằm, rau hoa, cây ăn quả,... phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới. Cũng từ đó, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất hiện tạo giá trị kinh tế cao, đặc biệt là trồng rau, hoa trong nhà lưới.

{keywords}
Các cấp hội cũng đã vận động các hộ SXKDG giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo về kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, giống cây 

Các cấp hội cũng đã vận động các hộ SXKDG giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo về kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, giống cây, con để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, đã hỗ trợ 25.000 cây, 6.400 chồi ghép, 200 con giống, 3.100 công lao động, 650 triệu đồng tiền mặt cho 1.150 lượt hội viên nông dân nghèo trong huyện.

Thông qua phong trào SXKDG, trong 5 năm qua, hội viên Hội Nông dân huyện đã đóng góp 3.268 ngày công và trên 150 tỷ đồng, sửa chữa 350 km đường giao thông nông thôn và nhiều km đường bê tông hóa...

Nhằm phát huy những thành quả đã đạt được, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà huyện đề ra cho năm 2020 là: Tập trung phát triển nông nghiệp bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Huyện phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thiện hồ sơ, đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và có 02 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Lương Bằng
Ảnh: Phạm Thiện