Anh Lê Anh Tú, chủ cơ sở kinh doanh chè dây Hoà Bắc (thôn Nam Mỹ, xã Hoà Bắc) cho biết, mỗi năm anh phân phối 12-13 tạ chè dây khô ra thị trường, sau khi trừ lãi thu về gần 200 triệu đồng.

Kể về cơ duyên khởi nghiệp với chè dây, anh Tú chia sẻ, anh là thầy giáo giảng dạy ở xã miền núi Hoà Bắc (Hoà Vang, Đà Nẵng) nên có nhiều cơ hội tiếp xúc với học sinh người đồng bào Cơ Tu.

che day hoa bac.jpeg
Anh Lê Anh Tú cùng vườn chè dây của mình tại xã Hoà Bắc 

Mỗi lần đến nhà vận động học sinh đi học, anh đều được mọi người mời một loại nước uống có màu vàng trong, thơm, có vị đắng và ngọt hậu vị. Theo người đồng bào Cơ Tu đây là nước uống nấu từ cây chè dây, một loại lá cây rừng giúp điều trị bệnh dạ dày, ăn ngon dễ ngủ. 

Ở Hoà Bắc, cây chè dây, mọc hoang dưới tán rừng. Người Cơ Tu cứ đi phát rẫy, lên rừng thường phát cây đem về nấu uống hoặc phơi khô để trữ. 

Từ đó, anh ấp ủ một dự định thương mại hoá cây chè dây, trồng cây thương phẩm để phát triển kinh tế, giúp người dân nơi đây thoát nghèo.

Anh Tú bắt đầu tìm hiểu thổ nhưỡng, đồng thời học hỏi kỹ thuật ươm trồng, cách chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè.

che day hoa bac 1.jpg
Chè dây khô thành phẩm được bán với giá 180.000 đồng/kg

Được Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hoà Vang hỗ trợ 100 triệu đồng, năm 2019, anh Tú bắt tay vào xây dựng 1ha vườn chè dây. Để cây chè dây phát triển, sinh sôi, anh cho đúc hàng trăm trụ bê tông và đan giàn lưới thép kiên cố cho chè dây leo lên; thiết kế hệ thống dẫn nước suối từ nguồn về để chủ động tưới tiêu cho vườn, lắp đặt hệ thống phun sương tự động. Tổng kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng.

Cây chè dây có ưu điểm không bị sâu bệnh hại nên không sử dụng hoá chất, chỉ cần đảm bảo tưới nước mỗi ngày, dọn cỏ sau thu hoạch là cây sinh trưởng mạnh.

Chè sau khi thu hái được sao bằng phương pháp thủ công trên bếp củi. Mỗi mẻ chè tươi 16kg sao đều trong 60 phút sẽ cho 4kg chè dây khô. Tiếp tục ủ chè thêm 12 tiếng rồi đem phơi khô khoảng 3 nắng là thành phẩm, đóng gói. 

Cứ 45 ngày anh sẽ thu hái một lần, sau khi chế biến chè khô đạt 350kg, giá bán 180.000 đồng/kg. Mỗi năm vườn cho 12 tạ chè dây khô, sau khi trừ đi chi phí, anh thu lãi hơn 150 triệu đồng; tạo việc làm cho 8-10 lao động với mức lương 300.000 đồng/ngày. Đồng thời, hiện nay anh đang hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong việc trồng cây chè dây thương phẩm.

Anh Tú đầu tư diện tích lên 2ha và liên kết với các hộ dân khác để chủ động nguyên liệu sản xuất. Mô hình này giúp người đồng bào Cơ Tu bám đất bám rừng, có việc làm và nguồn kinh tế ổn định, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững…

Sản phẩm chè dây Hoà Bắc đã được công nhận OCOP 3 sao. Sản phẩm được thị tiêu thụ rộng rãi trên thị trường và được tạo điều kiện tiêu thụ vào các khách sạn, resort hạng sang ở trên địa bàn thành phố.

Anh Tú cho biết, sắp tới đây anh sẽ nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm chè dây túi lọc và cao chè dây, dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hoà Vang. Việc mở rộng sản xuất sẽ giúp bà con có thu nhập tốt, đời sống được nâng cao.

Theo Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Bắc, anh Lê Anh Tú là gương điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương. Đây là mô hình hay, sáng tạo, giúp nhiều người dân địa phương có công ăn việc làm, thoát nghèo bền vững.