Chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người sản xuất đã được các cấp ủy, chính quyền các cấp ở thành phố Tuyên Quang quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Xác định lấy chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm làm thế mạnh để cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thành phố Tuyên Quang phấn đấu toàn bộ các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi đều phải áp dụng quy trình sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thành phố đã hình thành được những sản phẩm hàng hóa chủ lực và đã phát triển vùng sản xuất rau an toàn 60,6 ha; vùng trồng cây ăn quả 217 ha; trồng hoa, cây cảnh 31,4 ha; sản xuất lúa chất lượng cao 247 ha; gần 7.000 đàn ong lấy mật, 222 lồng cá. Một số mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã có sự chuyển biến tích cực theo xu hướng sản xuất an toàn và gắn với nhu cầu thực tế của thị trường.
Thành phố đã hình thành được những sản phẩm hàng hóa chủ lực. Ảnh minh họa. |
Ví dụ, mô hình nuôi cá chiên, cá quất đặc sản đang là hướng đi trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của xã Tràng Đà. Để liên kết các hộ dân trong xã phát triển thành hàng hóa quy mô lớn, đầu năm 2019 xã Tràng Đà đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ cá sạch Gềnh Quýt với gần 20 thành viên. Hiện hợp tác xã có 26 lồng cá, trong đó chủ yếu là cá chiên, trọng lượng từ 0,5 đến trên 2 kg/con, giá bán từ 350.000 đồng đến 450.000 đồng/kg tùy từng trọng lượng và thời điểm bán. Tham gia hợp tác xã giúp cho các hộ liên kết cùng mua con giống, thức ăn, chia sẻ kỹ thuật nuôi cá, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ lợi nhuận và gánh vác rủi ro, tạo động lực phát triển.
Là xã mới sáp nhập về thành phố Tuyên Quang, xã Kim Phú cũng tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực. Chủ tịch UBND xã Kim Phú, ông Lưu Hồng Châm cho biết, gạo Kim Phú đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu; sản phẩm mỳ gạo Thuật Yến đã được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Trong năm nay, xã tiếp tục xây dựng nhãn hiệu ổi, bưởi Kim Phú để phát triển thành chuỗi sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Toàn xã có gần 20 ha ổi; 30 ha bưởi được người dân các thôn 16 đến thôn 20 trồng tập trung, mỗi nhà trồng từ 700 m2 đến 2 ha.
Ở thôn 20, hết các hộ trong xóm đều có kinh nghiệm trồng bưởi và ổi. Xã định hướng phát triển cây ăn quả theo hướng VietGAP, bà con trong thôn bảo nhau sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả, bón phân theo đúng quy trình, do vậy sản phẩm của người dân địa phương từ lâu đều được thương lái đến thu mua tại vườn.
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thành phố ưu tiên phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; khuyến khích thành lập mới hợp tác xã, các tổ đội sản xuất trong các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là khâu thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Có được kết quả này, nhờ thời gian qua, thành phố Tuyên Quang đã tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ giá giống, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh theo các chương trình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, thuê đất sản xuất nông nghiệp...
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thành phố ưu tiên phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; khuyến khích thành lập mới hợp tác xã, các tổ đội sản xuất trong các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là khâu thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bích Hạnh
Ảnh: Kiều Oanh