- Cho dù là quốc gia nào một khi tiến hành cải cách giáo dục trên quy mô cũng đều phải đối mặt với vấn đề nhân sự. Làm thế nào để tái cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tạo ra lực lượng tiến hành và duy trì cải cách luôn là vấn đề lớn làm đau đầu các quốc gia.

{keywords}
Ảnh minh họa: Đinh Quang Tuấn

Khi cải cách giáo dục “giảm biên chế” là… tất yếu

Khi khảo sát các cuộc cải cách giáo dục lớn và thành công trên thế giới, chúng ta sẽ nhận ra rằng trong các cuộc cải cách đó, giảm biên chế, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên là công việc được tiến hành song song với cải cách.

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc này.

Thứ nhất, nhà nước muốn sử dụng ngân sách chi cho giáo dục một cách có hiệu quả. Cải cách giáo dục với quy mô lớn thường diễn ra khi đất nước đối mặt với nhiều vấn đề trong đó có khủng hoảng kinh tế-tài chính. Vì vậy tiết kiệm và tránh lãng phí ngân sách cho giáo dục là vấn đề quan trọng.

Thứ hai, để cải cách diễn ra với tốc độ nhanh và suôn sẻ, người ta sẽ phải đưa ra khỏi hệ thống giáo dục những cán bộ quản lý, giáo viên không còn phù hợp hoặc không còn đáp ứng được yêu cầu cải cách. 

Các cuộc cải cách giáo dục cho dù có chủ trương, chính sách khoa học, hợp lý thế nào đi chăng nữa nhưng nếu như vấp phải sự cản trở của những người bảo thủ, có quyền lợi gắn bó với hệ thống giáo dục cũ thì cũng sẽ diễn ra chậm chạp và thậm chí thất bại. Thay đổi nhân sự là một cách thúc đẩy cải cách diễn ra nhanh, mạnh, đúng hướng.

Thứ ba, tái cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên trong đó có việc đặt những người có tài năng, nhân cách, thiết tha với sự tiến bộ của xã hội vào các vị trí quan trọng trong lĩnh vực chuyên môn và hành chính giáo dục là một biện pháp có hiệu quả để làm cho xu thế cải cách thắng xu thế bảo thủ. 

Chẳng hạn, ở Nhật Bản vào thời Minh Trị, công cuộc cải cách ban đầu đã vấp phải sự chống đối dữ dội của chính những võ sĩ bậc thấp và bậc trung, những người đã ủng hộ công cuộc đảo Mạc trước đó. Các võ sĩ này phản đối cải cách vì họ thấy địa vị võ sĩ của họ ngày một mất dần cùng với tiến trình cận đại hóa.

Dân chúng cũng chống lại cải cách giáo dục vì trường học và đời sống trường học đã làm đảo lộn đời sống của họ. Họ buộc phải cho con cái đi học thay vì cho con lao động và hàng năm phải mất một khoản chi phí cho con đến trường.

Bốn là, xu hướng già hóa dân số sẽ buộc các trường phải tái cơ cấu lại quy mô và đội ngũ giáo viên. Việt Nam là nước có dân số trẻ nhưng sớm hay muộn rồi cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng dân số già. Khi dân số già, số lượng học sinh, sinh viên sẽ giảm và các trường sẽ phải đối mặt với cuộc chiến “giành giật” học sinh, sinh viên. Để tồn tại, các trường tất yếu sẽ phải cắt giảm nhân sự để xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng.

Cắt giảm nhân sự, giảm biên chế là tất yếu trong cải cách giáo dục, nhưng vấn đề lớn nhất đặt ra cho công việc này ở Việt Nam là làm thế nào để sự sàng lọc đó diễn ra công bằng và hợp lý hợp tình? 

Cái gì sẽ đảm bảo cho những người có tài, có tâm ở lại ngành giáo dục thay vì bị trù dập, đuổi việc dưới cái nhãn “không đáp ứng yêu cầu cải cách”?

Bài học từ Nhật Bản

{keywords}
Ảnh minh họa: Một lớp học ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản sau 1945 trong cuộc cải cách giáo dục vĩ đại thời hậu chiến biến nước Nhật quân phiệt thành nước Nhật hòa bình, dân chủ, tái cơ cấu nhân sự trong lĩnh vực giáo dục là một trong những nội dung lớn nhất của cuộc cải cách.

Nhìn tổng thể, những biện pháp tái cơ cấu nhân sự trong ngành giáo dục của Nhật Bản sau 1945 có thể khái quát lại ở hai nội dung chính.

Một là loại bỏ khỏi hệ thống giáo dục những quan chức, giáo viên gắn bó quá sâu với chủ ghĩa quân phiệt trước đó và không có khả năng thay đổi đáp ứng cải cách.

Hai là cải cách hệ thống đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên.

Để loại bỏ những quan chức, giáo viên không phù hợp, GHQ (Bộ tổng tư lệnh quân Đồng minh) ngay sau tháng 8 năm 1945 đã ra chỉ thị có tên “Về việc điều tra, loại trừ, chấp thuận giáo viên và viên chức giáo dục” (30/10/1945) nêu rõ những nguyên tắc loại bỏ những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi ngành giáo dục. 

Nhiều quan chức cao cấp, hiệu trưởng các trường đại học, phổ thông và các giáo viên bộ môn quốc ngữ, lịch sử, địa lý … đã bị đuổi khỏi ngành.

Công việc sắp xếp lại hệ thống đào tạo giáo viên và bồi dưỡng giáo viên thường xuyên cũng được khởi động. 

Trong bản báo cáo của Sứ đoàn giáo dục Mĩ (đến Nhật Bản vào tháng 3/1946) đã phân tích rõ những điểm yếu của hệ thống đào tạo giáo viên ở Nhật Bản trước 1945 và nêu rõ: 

“Để đảm bảo đủ giáo viên cần phải nỗ lực nâng cao lương bổng của giáo viên. Chúng tôi khuyến cáo ủy ban giáo dục trả lương cho giáo viên không được dựa trên giới tính, tình trạng hôn nhân, phụ dưỡng gia đình mà dựa trên tư cách và trách nhiệm, kinh nghiệm.”

Bản báo cáo này cũng nêu rõ “những cá nhân xuất sắc phải có mặt ở tất cả các lớp học và các vị trí hành chính. Giáo viên tốt là người trước hết có tính cách, nhân cách tốt và phải có năng lực hiểu biết, tri thức cần thiết cho giảng dạy. Bên cạnh đó, có năng lực quan sát chuyên môn, hiểu biết về yêu cầu và cá tính của học sinh, về phương pháp chỉ đạo thích hợp trong chỉ đạo học tập. Giáo viên cũng phải biết về gia đình và xã hội mà học sinh là thành viên, suy ngẫm về cách thức hợp tác với phụ huynh, xã hội và có trách nhiệm nâng cao giá trị lành mạnh các thú vui, hoạt động ở bên trong và ngoài trường học của học sinh”.

Nhật Bản cũng công bố hàng loạt các bộ luật có liên quan đến công tác đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng giáo viên và viên chức giáo dục như : Luật giáo dục trường học, Luật giáo dục cơ bản, Luật công vụ viên giáo dục…

Dựa trên khuyến cáo của Sứ đoàn giáo dục Mĩ và các bộ luật nói trên, Nhật đã cải cách mạnh hệ thống các trường sư phạm, mở rộng cánh cửa trở thành giáo viên cho sinh viên và những người theo học các ngành khoa học khác.

Các đoàn thể xã hội và chuyên môn của giáo viên cũng được công nhận và tạo điều kiện hoạt động.

Tất cả những biện pháp trên đã tạo ra bầu không khí tự do, thoải mái tràn đầy năng lượng cho giáo viên lao động và sáng tạo cho dù hoàn cảnh kinh tế, vật chất khi đó vô cùng khó khăn. Rất nhiều lớp học phải diễn ra ở ngoài trời và nhiều địa phương phải nợ lương giáo viên. Nhiều trường học phải nhận viện trợ của quân đội Mĩ để bù đắp cho khẩu phần ăn trưa của học sinh.

Đáng chú ý nữa là động thái GHQ khuyến cáo chính phủ Nhật thành lập “Ủy ban các nhà giáo dục Nhạt Bản”, tổ chức có vai trò trợ giúp cho hoạt động của Sứ đoàn giáo dục Mĩ. Ủy ban này sau khi thành lập một thời gian đã đổi tên thành “Ủy ban cải cách giáo dục” và sau đó được gọi là “Hội đồng thẩm định giáo dục”.

GHQ đã khuyến cáo phía Nhật Bản bố trí cơ quan này trực thuộc nội các thay vì đặt trong Bộ Giáo dục vì những người có trách nhiệm khi đó hiểu rằng, một cơ quan tiến hành cải cách giáo dục cần phải giữ một khoảng cách tương đối với hệ thống đang chuyển mình từ cũ sang mới.

Nhờ vào các biện pháp kiên quyết mà linh hoạt nói trên, Nhật Bản đã cải cách giáo dục thành công, đưa nước Nhật từ một nước quân phiệt bại trận bị quân đội nước ngoài chiếm đống thành một nước dân chủ, giàu có và văn minh. Những biện pháp cải cách giáo dục đó rất có thể sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam khi tiến hành cải cách giáo dục.

  • Nguyễn Quốc Vương