Những nguyên nhân mà Bộ Công Thương đưa ra để giải thích về sự kém hiệu quả của năm dự án có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng đang bị đắp chiếu xem ra quá sơ sài, thậm chí chỉ là hậu quả chứ không phải nguyên nhân.

Tuần qua, Bộ Công Thương đã giải trình trước Quốc hội về năm dự án ngàn tỉ “đắp chiếu”, gồm Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, Nguyên liệu sinh học Dung Quất. Theo Bộ Công Thương, ngoài năm dự án này, còn một số dự án khác tiềm ẩn nguy cơ và tồn đọng các vướng mắc, nếu không tháo gỡ kịp thời sẽ có khả năng rơi vào tình trạng kém hiệu quả, gây nguy cơ mất vốn nhà nước và xã hội.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, kém hiệu quả ở năm dự án trên, Bộ Công Thương nêu những lý do như: thực trạng dự án khác xa tính toán ban đầu, quá trình điều hành thực hiện của chủ đầu tư và cấp quản lý chưa đến nơi đến chốn...

Sai ngay từ gốc

Những nguyên nhân mà Bộ Công Thương đưa ra ở trên xem ra quá sơ sài, thậm chí chỉ là hậu quả chứ không phải nguyên nhân.

Cụ thể, về nguyên nhân thực trạng dự án khác xa tính toán ban đầu, đây là kết quả của nhiều nguyên nhân như khi thiết kế các bên liên quan đã cố tình tính toán thấp chi phí và tính cao giá bán trong tương lai để đảm bảo dự án có lãi. Hoặc, quá trình lựa chọn nhà thầu, thi công dự án, sử dụng vốn đã có những hành động vụ lợi, khuất tất, “đi đêm” để cùng nhau “tàn phá” các dự án này đến nỗi chúng gần như không được hoàn thành, có hoàn thành thì cũng hoạt động theo kiểu “năm ngày ba tật”.

{keywords}
Một góc nhà máy đạm Ninh Bình. Ảnh: TL/TBKTSG

Để minh họa, hãy xem kết quả thanh tra của Chính phủ vừa công bố về các nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol, trong đó có Nhà máy Ethanol Phú Thọ. Theo đó, Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) đã được tập đoàn Dầu khí (PVN) chấp thuận cho thực hiện gói thầu EPC đối với dự án này theo hình thức chỉ định thầu mà không hề qua đấu thầu. Vấn đề còn tệ hại hơn nữa khi PVC không hề có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng EPC trong các dự án nhiên liệu sinh học hoặc các dự án có tính chất tương tự.

Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc chỉ định thầu để PVC thực hiện các công việc chính của dự án khi hạn chế năng lực và chưa có kinh nghiệm đã vi phạm Luật Đấu thầu và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ngừng thi công dự án từ tháng 11-2011 và khó có thể tiếp tục thực hiện.

Chưa hết, trong quá trình thi công, cả PVC, PVN và chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) đã cùng nhau vi phạm nhiều quy định của pháp luật như chấp nhận cho PVC tăng chi phí một cách sai nguyên tắc, không bắt PVC bảo lãnh thực hiện hợp đồng...

“Chữa cháy” ra sao?

Kết quả thanh tra như trên của Thanh tra Chính phủ có một số hàm ý quan trọng. Việc cố tình vi phạm các nguyên tắc, quy định trong quá trình chọn nhà thầu và tổ chức thực hiện của tất cả các bên liên quan đến các dự án dang dở như trên không những chỉ gây tổn thất cho ngân sách vì phải chi nhiều hơn cho cùng một dự án so với dự toán ban đầu, mà còn gây ra hậu quả khó có thể khắc phục được là chất lượng thi công, lắp đặt máy móc, thiết bị không đảm bảo như yêu cầu do nhà thầu EPC không có năng lực.

Do đó, để có phương án “chữa cháy” phù hợp cho những dự án “đắp chiếu” này thì điều đầu tiên phải làm rõ là việc các dự án này có thể phục hồi được không. Ví dụ, với những dự án như ethanol Phú Thọ, nếu tính toán cụ thể chi phí bỏ ra để sửa sai, chữa lại hoặc thay thế những gì PVC bỏ lại hoen gỉ đằng sau lưng, đồng thời tiếp tục bỏ tiền ra để mua sắm và lắp đặt thiết bị để thực hiện tiếp dự án mà cho ra kết quả là sẽ còn tốn kém hơn cả nếu xây dựng lại từ đầu thì tốt nhất là “dẹp tiệm” dự án này. Bởi chuyện này cũng tương tự như xây một ngôi nhà cao tầng dang dở mà cái móng của nó đã bị xây sai do thợ vụng (chưa nói đến chuyện bị bớt xén, đánh tráo nguyên vật liệu), thì dù có bỏ tiền ra để xây tiếp cũng không có gì bảo đảm ngôi nhà sẽ đứng vững nhiều năm sau này khi đưa vào sử dụng. Lúc đó, điều tốt nhất có thể làm là phải phá bỏ cái móng đó và xây lại từ đầu.

Với những dự án chưa đến nỗi bị “bỏ ngang” như ethanol Phú Thọ, thì phải xem liệu có nên bỏ thêm tiền ra để sửa chữa, thay thế thiết bị, máy móc và đồng thời xây dựng, lắp đặt lại. Ở một số dự án, ví dụ như đạm Ninh Bình, những người có trách nhiệm đưa ra một số lý do, trong đó đáng chú ý là máy móc không đồng bộ, hay hỏng vặt... Điều này làm người ta nghi ngờ nhà thầu và/hoặc chủ đầu tư đã cố tình ăn bớt hoặc mua thiết bị, linh kiện và phụ tùng thứ phẩm, không đúng quy cách để “ăn” chênh lệch giá, giảm giá thành gây tổn hại đến chất lượng hoạt động chung của dự án.

Nếu đúng là như vậy thì cũng phải tính toán lại bài toán kinh tế, mạnh dạn xóa bỏ khi cần. Như một cái xe máy Trung Quốc, lắp đặt phụ tùng “trung ương” thì chất lượng cũng đã gây hoài nghi, nay lại còn bị “tráo” bởi phụ tùng “địa phương”, “năm cha ba mẹ” thì nó chạy được, không xảy ra sự cố và tai nạn lúc nào là may lúc đó. Trong trường hợp này, tính tổng cộng công sửa chữa, mua lẻ thay thế phụ tùng, tính kèm thêm với rủi ro hoạt động không ổn định, an toàn, tốn xăng... có khi còn tốn hơn cả mua một chiếc xe mới và bán sắt vụn chiếc xe cũ này.

Với những dự án khác đã hoàn thành, tuy có nhúc nhích hoạt động được nhưng hoạt động ngày nào gây lỗ ngày đó, ví dụ như xơ sợi Đình Vũ thì phương án xử lý có đôi chút khác biệt. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, chủ đầu tư và nhà thầu dự án này đã không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị, và nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc.

Như vậy, cũng tương tự như với các dự án ethanol trên, việc đầu tiên phải làm với những dự án như xơ sợi Đình Vũ là thẩm định, đánh giá lại chất lượng, hiệu quả của hệ thống máy móc thiết bị, chất lượng xây dựng và lắp đặt xem có đảm bảo đúng như yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả kinh tế hay không (ví dụ, tỷ lệ hao phí nguyên nhiên liệu và sản phẩm lỗi trên một đơn vị thành phẩm...). Nếu thấy những vấn đề về kỹ thuật không thể khắc phục được, hoặc quá tốn kém so với vốn đầu tư ban đầu thì cũng phải tính đến phương án thanh lý nhà máy.

Nếu thấy các tồn tại về kỹ thuật có thể khắc phục được thì cần chuyển sự chú ý sang những tồn tại về mặt kinh tế. Việc thua lỗ ở những dự án kiểu này còn bởi suất đầu tư quá cao do bị đội vốn (một cách gian dối bởi những người trong cuộc). Đây là một nguyên nhân không thể sửa chữa, khắc phục được nữa. Vậy, muốn cố gắng duy trì hoạt động của dự án mà không gây thêm thua lỗ quá lớn nữa thì một trong những giải pháp khắc phục là phải tập trung vào kiểm soát, cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng quản trị của dự án.

Những tồn tại mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra như lực lượng cán bộ công nhân quá dư thừa so với yêu cầu của dự án cho thấy việc cắt giảm chi phí đã không được coi trọng đúng mực bởi những người quản lý ở cấp cao nhất dự án mà động cơ năng lực điều hành của họ là một dấu hỏi lớn.

Nếu tất cả các biện pháp cắt giảm chi phí có thể thực hiện được vẫn sẽ không giúp cắt giảm được thua lỗ và thời gian hoàn vốn vẫn kéo dài hàng chục năm thì điều này có nghĩa là dự án đã lâm vào bế tắc và giải pháp duy nhất chỉ là cho phá sản, thanh lý dự án. Lúc đó, tất cả những lý do đưa ra để biện minh cho việc duy trì dự án như giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm đời sống cho cán bộ công nhân viên, hay to tát hơn, là gây mất vốn nhà nước, vốn xã hội, là đảm bảo an ninh nguyên liệu, giảm phụ thuộc nhập khẩu, giảm nhập siêu, hay phát triển chuỗi sản xuất... đều không thuyết phục.

Chí ít thì việc không phải bù lỗ vài ngàn tỉ đồng/năm cho mỗi một dự án “xác sống” loại này để chúng tiếp tục tồn tại sẽ là đủ hay thừa để bù đắp những “hậu quả” khi các dự án này được đem đi chôn!

Phan Minh Ngọc/TBKTSG