- Tại Phần II của bàn tròn trực tuyến "Làm gì khi môi trường giáo dục bị khủng hoảng?", tâm sự của nhà văn Hoàng Anh Tú "nhồi nhét và chạy đua thành tích đã khiến con cái trở thành nạn nhân của chính phụ huynh chúng ta" càng trở nên đúng sau vụ học sinh tự tử vừa qua. Mời bạn đọc xem thêm bản text của chương trình.

 

Bốn khách mời tham gia chương trình gồm:

-TS Tâm lý học TRẦN THÀNH NAM - Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội.

- PGS.TS CHU CẨM THƠ - Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo.

- Dịch giả NGUYỄN QUỐC VƯƠNG, Nghiên cứu sinh Giáo dục tại Trường Đại học Kanazawa, Nhật Bản, nổi tiếng với cuốn sách "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản".

- Nhà văn HOÀNG ANH TÚ, là anh "Chánh văn" quen thuộc với thế hệ 8x, 7x đọc báo Hoa Học Trò.

XEM TALKSHOW BẢN EMAGAZINE-VIDEO TẠI ĐÂY:

Phần II

 

Nhồi nhét khiến con cái trở thành nạn nhân của chính chúng ta

Nhồi nhét khiến con cái trở thành nạn nhân của chính chúng ta

Đổ tội cho ngành sư phạm là một sự thất bại! Nhồi nhét và chạy đua thành tích đã khiến con cái trở thành nạn nhân của chính phụ huynh chúng ta. 

Phần I:

Giáo dục "ăn miếng trả miếng": Sau phẫn nộ là hoang mang

Giáo dục "ăn miếng trả miếng": Sau phẫn nộ là hoang mang

Sau phẫn nộ là hoang mang! Người thầy đã nhầm lẫn quyền lực. Bạo lực còn leo thang... Thông điệp từ chính những nhà giáo, nhà văn.

 

BẢN TEXT PHẦN II CỦA TALKSHOW:

NẾU CHÚNG TÔI ĐƯỢC TUYỂN GIÁO VIÊN

TỪ NGOẠI HÌNH ĐẾN NÓI NĂNG THÌ

THẬT TUYỆT VỜI!

Nhà báo Phạm Huyền: Với nỗi lo như vậy, rất nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân đầu tiên không phải đến từ các học sinh hay phụ huynh mà đến từ thầy cô. Và người ta nói rằng đấy là lỗi của ngành sư phạm. Những thầy cô có những hành vi ứng xử không chuẩn mực như vậy là lỗi của ngành sư phạm. Vâng thưa PGS.TS Chu Cẩm Thơ, chị nghĩ như thế nào về những suy nghĩ  này?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Tôi nghĩ đổ tội là một thất bại. Bởi vì nếu người ta nhận tội như vậy thì có giải quyết được việc gì hay không.

Cách làm của tôi là tôi thường nghĩ chúng ta sẽ làm gì để điều đó không xảy ra nữa, còn đổ tội thì rất dễ. Ví dụ, chúng ta nhìn thấy lỗi thì thấy rõ ràng rồi bởi vì tất cả giáo viên khi đứng trên bục giảng, nếu họ nhận ra rằng những thứ mình thiếu, mà vẫn cứ liều mạng để đứng trên bục giảng thì hậu quả sẽ thuộc về ai. Chỉ cần bình tĩnh suy xét thì hậu quả đầu tiên là tổn thương thuộc về giáo viên chứ không phải chỉ là học trò.

Tôi có nhiều năm làm việc ở trường Đại học Sư phạm và cá nhân tôi bây giờ vẫn tự mình set- up chương trình để đào tạo cho giáo viên. Tôi thấy rằng các giáo viên vào nghề, nhất là các giáo viên thì thường rất liều.

Bây giờ chúng ta cứ chờ mong trường sư phạm thay đổi thì cũng rất khó, vì trường Sư phạm có rất nhiều ràng buộc. Họ là trường được Nhà nước lo hoàn toàn ngân sách, đồng nghĩa với việc họ không có khả năng tự chủ trong quá trình tuyển sinh, họ cũng thiếu thốn rất nhiều cơ sở vật chất.

{keywords}
PTS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD&ĐT (ảnh: VietNamNet)

Tôi đi từ trường Sư phạm ra và đó là trường tuyệt vời nhất ở Việt Nam, nhưng chỉ cần so sánh nó với những trường đại học ở Việt Nam thôi thì sẽ thấy rằng, cứ vào một trường đại học Sư phạm như thế nào thì sẽ nhìn ra bức tranh của giáo dục như thế, thiếu sự đầu tư của Nhà nước, thiếu sự đầu tư của xã hội. Vì thế, chắc chắn họ cũng ở thế yếu và lúc đấy họ đổ lỗi cho ai thì ta không bàn chuyện lỗi được.

Nhưng chắc chắn những điều này sau đây vẫn còn thì sẽ dẫn đến chất lượng của giáo viên không tốt.

Thứ nhất là khâu tuyển đầu vào, chúng tôi lúc nào cũng đặt với nhau là nếu chúng tôi được sơ tuyển giáo viên từ thái độ, từ nhận thức của họ với nghề, từ ngoại hình dáng, từ cách nói năng của họ thì thật tuyệt vời, hơn là bài thi viết. Nhưng rất nhiều năm, đấy chỉ là mơ ước thôi, không tuyển dụng được.

Thứ hai là làm sao để các thầy cô giáo trong trường sư phạm đều là những người tự tin khi đứng trên bục giảng của mình. Điều đó cũng khó lắm vì rất ít bạn có ham muốn trở thành nhà giáo mà phần nhiều các bạn chọn nghề giáo vì coi  đấy là một giải pháp an toàn cho mình và cho tương lai của gia đình mình. Ngày xưa tôi nghĩ  điều đó là an toàn, nhưng bây giờ tôi nghĩ điều đó không phải là an toàn nhất.

Tiếp theo là quá trình các bạn ấy được bồi đắp trong quá trình làm nghề. Trường sư phạm cùng với ngành đã có rất nhiều biện pháp. Tuy nhiên, nó chưa đủ được vì điều kiện kinh tế của Việt Nam mình, điều kiện để các bạn ấy làm nghề rất thiếu thốn.

Thứ hai là điều kiện để hỗ trợ các bạn ấy trong nghề, như anh Nam nói là đôi khi so sánh với những ngành khác thì sư phạm không phải ngành có ưu thế đâu.

Cho nên dần dần bạn Vương nói về truyền thống Nho giáo thì người thầy được nhận về mình những quyền uy, quyền lực là có. Nhưng đôi khi không hiểu hết được nội hàm của quyền uy, quyền lực mà tự gắn cho mình được nhận những cái vu vơ, đấy là một sự tổn thương.

Nhiều thầy cô giãi bày rằng bây giờ tôi đâu có quyền gì ở trên nhà trường. Các vị cứ nói “tôn sư trọng đạo”, nghề giáo là nghề cao quý, nhưng tôi đâu cảm nhận được sự cao quý đấy trong quá trình làm nghề đâu, những thứ như thế thì biết đổ lỗi cho ai. Cho nên, không nên đổ lỗi.

CHƯA DẠY ĐỦ 10.000 GIỜ THÌ ĐỪNG TỰ NHẬN MÌNH LÀ THẦY 

Nhưng việc thế này thì có lỗi thật. Đó là rất nhiều năm gần đây chúng ta dễ dãi trong việc tuyển dung giáo viên và không có cơ chế để sa thải những giáo viên không đạt chất lượng. Tôi lấy ví dụ như cô giáo ở Hải Phòng chẳng hạn, sinh năm 1993, cô ấy học văn bằng hai và chỉ cần học thêm một thời gian ngắn thôi thì cô ấy có thể được trở thành một giáo viên. Điều đấy là không thể!

Trong truyền thống gia đình tôi, mẹ tôi nói rằng khi nào con chưa đủ ngần ấy giờ thì con đừng bao giờ nhận mình là thầy và công thức của gia đình tôi thì hơn 10.000 giờ rất nhiều, rèn từ trong nhà để ra ngoài mình có thể trở thành một thầy cô giáo. Bốn năm sư phạm, bao nhiêu năm tập sự và bao nhiêu giờ mình thực giảng, những giáo viên như thế thì chắc chắn xác suất mắc sai lầm ở trên bục giảng rất lớn.

Rồi rất nhiều giáo viên, chẳng hạn như cô giáo 4 tháng không nói thì lỗi đó có phải do trường sư phạm không? Không ai đào tạo các cô không nói trên bục giảng cả, người ta chỉ đem hết những điều gì tốt đẹp nhất để giảng cho các cô thôi. Nhưng có điều là trong quá trình thực thi, chúng ta có cả một hệ thống  cần phải làm đúng thì quên mất, có thể do bệnh tâm lý, có thể do cô stress, có thể cô ngại ngùng, nhưng đã để quá lâu và ảnh hưởng đến học sinh của mình.

Rồi chúng ta sẽ đổ lỗi cho ai nếu chúng ta thấy rằng những cư xử với đồng nghiệp trong trường học là chúng ta cũng không còn mối quan tâm lẫn nhau nữa, chúng ta không còn những thể chế như bạn Vương nói là những thiết chế càng ngày càng trong suốt đi, chỉ những người bên ngoài bình thấy mà bên trong lại không nhìn ra.

 Đấy là những điều đang là vấn đề chung của xã hội và cũng là vấn đề của nhà trường. Nó dẫn đến việc các thầy cô sau khi đào tạo xong và tiếp tục được bồi dưỡng trở lại thì khó để chúng ta có thể làm tốt được việc đó.

Nếu vậy thì chắc chắn ở đâu đó hôm nay chúng ta soi lăng kính đó chúng ta phát hiện ra, ngày mai chúng ta soi nữa, soi nữa và ngày càng phát hiện nhiều ra.

Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên người ta vẫn nói rằng, dường như trong ngành sư phạm dạy các sinh viên sau này trở thành các thầy cô giáo tương lai phần về ứng xử, về đạo đức là chưa được chú trọng, có phải như vậy không?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Khi chúng tôi nghiên cứu chương trình của trường sư phạm, chúng tôi thấy thiếu thì không thiếu. Hôm trước bạn tôi đang công tác tại Úc có hỏi rằng chị ơi ở Việt Nam mình có ngành đó không và có môn học đó không? Tôi trả lời rằng ở Việt Nam tên môn học thì không có, nhưng trong cấu phần của các phần hiện tại thì nó có, nó nằm trong tâm lý học, giáo dục học, ở trong thực hành sư phạm. Nhưng cách chúng ta thực hành những môn dạy đó mới là vấn đề.

Nghề giáo là một nghề, có nghĩa là phải rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp nhiều hơn so với quá trình chỉ là nhận thức hàn lâm. Nhưng trường sư phạm, tôi không nói tất cả, nhưng phần đông vẫn đang duy trì môn giáo dục truyền thụ kiến thức hơn môn thực hành nghề.

Thứ hai là trong quá trình thực hành nghề thì chúng ta đang hình thức hóa nó. Ví dụ sinh viên sư phạm hiện nay đang có khoảng 10 tín chỉ cho quá trình thực hành nghề. Nhưng điều kiện thực hành của các bạn ấy ở trong môi trường đi thực hành rồi, về thì phát hiện ra rằng nó không phải là thật.

Ví dụ thực hành giáo dục chẳng hạn, trong công thức là các bạn ấy phải gặp bao nhiêu phụ huynh, các bạn phải xử lý bao nhiêu tình huống. Nhưng xuống đến trường thì các nhà trường lại không tạo điều kiện cho các bạn ấy. Điều đó thì cũng khó lắm.

Bản thân tôi 16 năm trước đây cũng là một sinh viên thực tập sư phạm thôi, mình muốn đến nhà phụ huynh thì cũng không được đến đâu, bởi vì bây giờ không như ngày xưa nữa.

Thời đấy là 15 – 16 năm trước, không có chuyện được như thời của mẹ tôi là con cứ đi thực tập đi thì con sẽ được gặp các phụ huynh, họ sẽ nói cho con nghe, con hiểu để con tiếp tục giáo dục con họ, không có đâu. Bây giờ cơ chế đấy, quan hệ đấy rất khó. Đấy là cái khó thật sự của sinh viên sư phạm.

Sau đó, xuống đến trường họ sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật dạy học vi mô để họ được làm thế nào chẳng hạn, thì sự cố gắng từ trường sư phạm thôi là không đủ.

{keywords}
Nhà báo Phạm Huyền, nhà văn Hoàng Anh Tú, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, TS Trần Thành Nam tại chương trình bàn tròn về môi trường giáo dục

Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với ngành là phải thay đổi công thức đào tạo giáo viên, thay vì song song thì phải chuyển sang nối tiếp. Tức là ở các nước thì họ sẽ phải làm việc là anh tốt nghiệp một nghề cơ bản ra, sau đó, anh học sư phạm và quá trình đó chỉ hoàn toàn thực hành về kỹ năng nghề nghiệp thôi, ở tại trung tâm đào tạo và các trường học thôi.

Giống như các bác sỹ của chúng ta là phải xuống các bệnh viện để thực hành từ lúc đó, thì kỹ năng mới bồi đắp được. Nhưng điều đó vẫn còn chậm quá.

Sắp tới, chúng ta sẽ đón nhận sự đổi mới đó, đổi mới các trường sư phạm. Nhưng có lẽ nó sẽ ở tương lai, còn bây giờ nó vẫn còn nhiều vấn đề lắm.

CHƯƠNG TRÌNH CỦA SƯ PHẠM KHÔNG CÓ MÔN ĐẠO ĐỨC NGHỀ

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, rõ ràng thầy cô giáo cũng là con người, mà con người thì không ai có thể nói rằng tôi hoàn hảo được. Nhưng vấn đề là khiếm khuyết ở các hành vi ứng xử ở các thầy cô giáo ở mức nào thì có thể chấp nhận được?

Thưa TS Trần Thành Nam, đành rằng là ngành sư phạm cũng có những hạn chế, những tồn tại, những sự thiếu đầu tư như vậy, nhưng những sự việc chúng ta nhìn thấy nếu chỉ đơn thuần là văn hóa ứng xử giữa con người với con người thôi, giữa người lớn với trẻ con thôi thì cũng không thể nào chấp nhận được: như bắt trẻ con uống nước bẩn hay bắt trẻ con quỳ gối.

Nếu nói theo pháp luật thì đấy là vi phạm tội làm nhục người khác rồi. Vậy TS nghĩ tại sao những người đứng trên bục giảng lại có những hành vi ứng xử rất tiêu cực như vậy mà đáng lẽ không được phép xảy ra trong môi trường nhà trường?

TS Trần Thành Nam: Vâng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” nên tôi cũng xin được phép chia sẻ lại ý kiến của PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

Trong chương trình đào tạo sư phạm, thứ nhất là đầu vào của chúng ta không còn cao như ngày xưa nữa rồi. Trong chương trình đấy, không có môn đạo đức nghề, thứ hai là môn kỹ năng quản lý lớp học các bạn ấy cũng không được dạy. Trong 34 tín chỉ đào tạo nghiệp vụ sư phạm cũng không có môn đấy. Nếu có đi chăng nữa thì giống như chị Thơ nói là đào tạo không thực sự có đầu có cuối, cứ viết ra như vậy thôi.

Phải đào tạo làm sao giống với ngành y, có nghĩa là họ phải gặp con bệnh hẳn hoi, rồi thể hiện thành tích của mình qua việc có làm thành công hay không và nếu chúng ta có cấu phần nào đấy liên quan đến đào tạo về phẩm chất, đạo đức,… thì cũng phải thừa nhận là chúng ta nói cho sang thôi. Chúng ta thường coi nó như một cái gì đó cao cấp và mọi người không áp dụng vào thực tế.

{keywords}
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục, DDHQGHN (ảnh: Lê Thanh Hùng)

Giáo viên ngành giáo dục công dân trường Đại học Sư phạm có tuyển được đầu vào nhiều đâu, vị trí môn giáo dục công dân ở trong chương trình học của các em cũng không được coi trọng. Thậm chí giáo viên nào không dạy được các môn chuyên môn như văn, toán,… thì điều sang dạy môn giáo dục công dân. Đấy là thực trạng về mặt đào tạo.

Cho nên, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trong chương trình đào tạo sư phạm, chúng ta cần phải làm một cách thực chất hơn.

Tôi cũng đồng ý là phải đào tạo nối tiếp, ít nhất bạn phải sâu về mặt khoa học, trở thành chuyên gia về một lĩnh vực nào đấy, sau đó thì đào tạo lĩnh vực sư phạm. Đồng thời, cần có những chứng chỉ hành nghề, có những cuộc thi để kiểm định về mặt hành vi đạo đức. Đấy là “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, nhưng cũng không thể trách riêng cô giáo được.

 Rõ ràng vấn đề bạo lực đang ngày càng tăng ở trên tất cả các phương diện. Truyền thông bây giờ phim ảnh có quá nhiều bạo lực và cha mẹ không đủ để kiểm soát việc con tiếp cận với bạo lực.

Bản thân vị thế, uy tín của người giáo viên cũng bị phụ huynh làm cho mai một vì nhiều lúc cách ứng xử của phụ huynh với giáo viên cũng không tôn trọng. Cách nói với giáo viên, dùng từ này, từ khác, con cái nghe được thì nó cũng cảm thấy giảm giá trị của giáo viên đi.

Đấy là chưa kể, vẫn có một chút văn hóa phong bì ở đây, mà các vị cũng không có sự khéo léo gì cả. Tôi không cần biết đó là sự kính trọng hay như thế nào, nhưng con cái sẽ nhìn thấy và nó nhìn thầy cô như thế nào. Và khi nó biết được chuyện đấy rồi thì đến lớp nó như một ông vua con. Tức là nó nghĩ rằng thầy cô cũng có thể thay đổi việc này, thay đổi việc kia nếu bố mẹ mình có vị thế, có sự che chắn.

Chính vì vậy áp lực của giáo viên ở trên lớp cũng rất nhiều, từ cả phía học trò nữa, bắt đầu ứng xử trong lớp có nhiều hành vi không thể giống như trước đây được. Rồi ví dụ như chương trình một mình họ cũng rất nặng rồi, còn chưa kể rất nhiều thứ phải đáp ứng nhu cầu của nhà trường nữa, cho nên họ cũng rơi vào trạng thái quá căng thẳng.

Chúng ta không có một hệ thống nào ở trong trường học, đến thời điểm hiện tại mới có Thông tư 31 về hướng dẫn tư vấn học đường. Nhưng đến hiện tại cũng chưa hình thành.

{keywords}
PGS.TS Chu Cẩm Thơ và TS Trần Thành Nam (ảnh: Lê Thanh Hùng)

Giáo viên căng thẳng quá cũng không thể nào biết chia sẻ với ai, học sinh căng thẳng quá cũng không biết chia sẻ với ai và tất cả con người đang căng thẳng giống như một bình gas nén đến độ rồi, chỉ cần có một kích thích nào đó vượt ngưỡng thôi là có thể tạo thành một phản ứng dây chuyền.

Phản ứng quá khích của con, của học trò có thể dẫn đến phản ứng quá khích trở lại của giáo viên, rồi dẫn đến phản ứng của phụ huynh. Nó tạo nên một vòng tròn và tạo cho công chúng một cảm giác rất bất an.

Rồi chúng ta cũng phải nhìn thấy rằng đây cũng không phải chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục nói chung. Vì giáo dục diễn ra môi trường học đường, nó liên quan đến trẻ em nên nó hay bị quy tội.

Nhưng có những việc rõ ràng phải có những cơ quan của bên chăm sóc trẻ em nhảy vào  cuộc, rồi vụ án mang tính chất sử dụng vũ khí hành hung thầy giáo thì cũng phải có trách nhiệm của bên an ninh và của địa phương. Rồi có những vụ việc khác như làm nhục giáo viên thì cơ quan bên phụ nữ cũng cần chính sách một sự chung tay, tham gia.

Cho nên, chúng ta đừng đổ tội cho ai cả, đây là vấn đề xã hội và vấn đề này cần được chia trách nhiệm cho tất cả các đơn vị, còn giáo viên chỉ là 1 thôi.

Chúng tôi với tư cách là giáo viên thì chúng tôi “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, chúng tôi cũng nhìn ra những điểm yếu của ngành giáo dục và của người giáo viên để chúng tôi có sự tiến bộ hơn.

Đồng thời, chúng tôi cũng thừa nhận rằng ở trong ngành giáo cũng có hiện tượng con sâu là rầu nồi canh giống như cô Thơ nói. Có những người chưa đủ năng lực hoặc phẩm chất. Mình ở vị trí giáo viên đó cũng là giáo viên quan hệ thôi thì những sự việc đấy lại bị truyền thông tập trung vào giống như cái camera lại room góc đấy làm cho nó to lên và làm cho mọi người cảm thấy rất bất an đối với nghề giáo.

Tôi nghĩ rằng, ở một khía cạnh rộng thì hiện tượng đấy không phải là cá biệt, tuy nhiên cũng không phải là quá phổ biến. Ít nhất chúng ta cũng vẫn kiểm soát được môi trường giáo dục, ví dụ chưa để xảy ra những vụ thảm sát ở trường học giống như ở Mỹ hay các nước khác đâu. Cho nên, mặc dù chúng ta nhìn nhận đây là vấn đề, nhưng cũng cần nhìn nhận một cách khách quan và phải nhìn thấy trách nhiệm của nhiều bên để xử lý vụ việc này.

CHƯA THẤY CƠ QUAN BẢO VỆ TRẺ EM VÀO CUỘC

Nhà báo Phạm Huyền: Tiến sĩ liệt kê trách nhiệm liên đới của rất nhiều cơ quan ban ngành, còn tôi thì tôi thấy trong vấn đề này trách nhiệm tiếp theo thuộc về phụ huynh.

Thưa nhà văn Hoàng Anh Tú, tại sao bây giờ, thời đại này chúng ta lại có những cảnh “ăn miếng trả miếng” như vậy? Phụ huynh có thể ngang nhiên xông vào lớp để tát cô giáo, rồi chuyện bắt cô giáo phải quỳ gối tới 40 phút.  Cách hành xử như vậy phải chăng bắt đầu từ những suy thoái mang tính gốc rễ trong nền tảng văn hóa hiện nay?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi hoàn toàn đồng ý với những chia sẻ của mọi người. Thực sự trong cuộc trò chuyện hôm nay tôi cũng được mở mang nhiều. Đứng từ khía cạnh phụ huynh, tôi thấy rõ ràng thầy cô cũng đang gặp nhiều sức ép, tôi nhìn thấy có rất nhiều vấn đề đang xảy ra.

{keywords}
Nhà văn Hoàng Anh Tú (ảnh: Lê Thanh Hùng)

Thậm chí, như chia sẻ của anh Vương về cái quyền uy của nghề thì chúng ta thấy rằng không chỉ có giáo dục, không chỉ có ông thầy mà nhà báo của chúng ta cũng có quyền uy của ngành như thế, công an cũng có quyền uy của ngành như thế. Tức là cả xã hội chúng ta ai cũng đang sống ảo.

Quay trở lại với các phụ huynh, tôi cảm nhận được rằng ngày càng nhiều phụ huynh sống ảo, tức là “mày thích thì tao cho mày lên Facebook”. Kể cả trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng chẳng hạn, ăn một bữa mà thấy không ngon thì cũng có thể dọa đưa người ta lên Facebook. Tức là chúng ta cảm giác như trong xã hội ai cũng phải gồng lên để thể hiện quyền lực của mình hoặc nó là sự giải phóng.

Chúng ta lại nhìn thấy câu chuyện về giải phóng giới, hay giải phóng cái này, cái kia,… chúng ta thấy mọi người đang lầm tưởng và các phụ huynh cũng thế. Hoặc như anh Nam chia sẻ, rất nhiều hội như Hội Phụ nữ hay bên an ninh, cũng không ai tham gia những chuyện này.

Đặc biệt là vụ uống nước giẻ lau bảng vừa rồi. Lẽ ra bên cơ quan bảo vệ trẻ em phải vào cuộc và phải làm gay gắt trong chuyện này và đưa cô giáo ra khỏi vị trí giáo viên để giải quyết vụ này. Nhưng chúng ta hoàn toàn chưa nhìn thấy cái gì.

Hay trường hợp của em Song Toàn phải chuyển trường chẳng hạn, rõ ràng chúng ta cũng không nhìn thấy cơ quan bảo vệ trẻ em đâu. Bảo vệ trẻ em là trẻ em bị hiếp dâm, thì bắt đầu mới lao vào.

Tôi nghĩ rằng, thực sự chúng ta đang có rất nhiều vấn đề và bản thân phụ huynh như tôi nói là đơn độc. Chính sự đơn độc đó đưa người ta đến sự cùng quẫn và người ta muốn tự giải quyết vấn đề, nhất là khi người ta đang có một cái ảo tưởng, đặc biệt là Facebook chẳng hạn. Người ta thể hiện mọi thứ lên Facebook.

Nhưng vụ phụ huynh đánh giáo viên, thực ra nó chỉ là hiện tượng cá biệt, còn những cái thường xuyên chúng ta đọc được là những chia sẻ của các phụ huynh chửi bới thầy cô, chửi bới giáo dục, chửi bới tất cả mọi thứ đang diễn ra của giáo dục và dẫn đến một cái gọi là mất lòng tin vào giáo dục.

Chẳng hạn tôi chia sẻ lên Facebook cá nhân của tôi về câu chuyện và sự phẫn nộ của tôi về mẹ con người giáo viên ở Hải Phòng là giật lại kết quả, rồi không thèm xin lỗi, rồi thế này thế kia và đứa trẻ trở thành nạn nhân và bị các bạn chê trách, lên án. Sau đó, tôi nhận được hàng trăm, hàng ngàn lượt chia sẻ của các phụ huynh, cũng đều thế hiện sự phẫn nộ của họ mà quên mất rằng thực ra nó chỉ là một “con sâu là rầu nồi canh”.

Thực sự tôi vẫn đang chờ đợi, tôi vẫn hy vọng các phụ huynh có thể ứng trước niềm tin cho thầy cô. Ví dụ các phụ huynh có thể tin trưởng thầy cô hơn, thì tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ có giải pháp, còn hơn như bây giờ không ai còn tin ai.

CHẠY ĐUA THÀNH TÍCH, CON CÁI THÀNH

NẠN NHÂN

Nhà báo Phạm Huyền: Rất  đáng tiếc, rất đáng buồn khi chúng ta sống trong mội môi trường, một xã hội thu nhỏ là dưới mái trường lại tiếu niềm tin như vậy.

Thưa nhà văn Hoàng Anh Tú, tại sao trong thời điểm này thì những giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội lại bị đảo lộn như vậy? Ông nghĩ như thế nào khi trước khi chúng ta là phụ huynh, trước khi chúng ta là thầy cô giáo thì chúng ta là con người, phải sống và làm việc theo pháp luật. Vậy tinh thần thượng tôn pháp luật theo ông cần phải chú trọng, chú tâm như thế nào ngay từ khi chúng ta học làm người trong nhà trường?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi thấy rõ ràng tinh thần thượng tôn pháp luật của chúng ta rất kém.

Như chia sẻ của anh Nam, một người vượt đèn đỏ không bị xử lý thì đương nhiên những người khác cũng tự vượt đèn đỏ. Ngay cả sáng nay khi tôi đi đến đây thì có một anh đi xe máy dừng trước và một bà đứng đằng sau bấm còi liên tục. Khi hỏi rằng đang đèn đỏ, làm sao đi qua được thì bà kia trả lời luôn là nhưng cô thích vượt đèn đỏ .Ví dụ như vậy tức là họ thể hiện quyền lực của họ và họ không để tâm đến xung quanh.

Tôi nghĩ giáo dục thực sự là một yếu tố chúng ta đang rất thiếu. Chúng ta đang giáo dục lũ trẻ điều gì trừ một số cái nổi bật chúng ta có thể thấy, như luyện kỹ năng.

Phần đông học sinh bây giờ chỉ được học kiến thức và thước đo của thầy cô không phải đạo đức mà là bao nhiêu học sinh tốt nghiệp. Tôi nói đơn cử như trường của con tôi luôn luôn bị các phụ huynh khác chửi bới trong các cuộc trò chuyện, ví dụ như đó là trường vớ vẩn, trường tồi, toàn thu tiền, ăn tiền,… chẳng có một giá trị gì cả, học hành thì dốt, cho nên, tỷ lệ tốt nghiệp là quá kém. Hầu hết phụ huynh đều cho rằng học trường đấy là rất dốt.

Tôi thừa nhận, có thể khi so sánh mặt bằng thì con tôi không thể bằng một đứa trẻ cũng học trường công. Nó có rất nhiều kiến thức hơn.

Nhưng cái làm tôi yên tâm là con tôi được chơi, được học kỹ năng. Chủ nhiệm của con tôi là giáo viên giáo dục công dân. Nhưng tôi tin chắc rất nhiều cha mẹ sẽ cảm thấy bức xúc vì việc đó và nghĩ giáo viên phải dạy toán cơ, phải dạy văn cơ.

Tôi nghĩ phần đông chúng ta vẫn chỉ nghĩ về việc nhồi nhét cho con và chạy theo thành tích của con. Trên con đường chúng ta chạy theo thành tích như thế thì tôi nghĩ chúng ta phải vượt qua một số trở ngại, chẳng hạn như gian lận, chẳng hạn như ý thức pháp luật hay những cái phong bì, phong bao.

Tôi nghĩ rằng, dường như khi nhìn lại thì có thể thấy con cái chúng ta đang là một nạn nhân từ chính các phụ huynh nhiều hơn là các giáo viên.

Nhà báo Phạm Huyền: Tôi nghĩ rằng nếu tinh thần thượng tôn pháp luật được rèn giũa mạnh mẽ hơn trong môi trường giáo dục thì trong xã hội chúng ta sẽ không còn cảnh phụ huynh xông vào tát cô giáo và học sinh thì đâm thủng bụng thầy giáo. Bởi vì nếu làm những hành vi đấy thì chúng ta có thể bị đi tù ngay lập tức.

Tôi được biết rằng ở Nhật, người ta rất tôn trọng những thang chuẩn về đạo đức mà xã hội đã đề ra và người Nhật cũng rất nổi tiếng về sự chuẩn mực trong hành vi ứng xử.

Vậy đã sống, làm việc và nghiên cứu gần 10 năm về giáo dục Nhật Bản, dịch giả Nguyễn Quốc Vương có suy nghĩ như thế nào và chúng ta có thể học được gì trong câu chuyện này ở nền giáo dục của nước Nhật?

CHÚNG TA HƠI ẢO TƯỞNG VỀ DẠY ĐẠO ĐỨC

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Tôi có khoảng hơn 8 năm sống và học ở Nhật. Trong quá trình học thì tôi cũng  xuống trường phổ thông vì thầy tôi yêu cầu phải xuống đó quan sát và chơi với học sinh ở dưới đó.

Ngoài ra, trong giao lưu học thuật và đời sống thì tôi cũng tiếp xúc với rất nhiều người, trong đó có những giáo viên Nhật, thì tôi thấy chúng ta hơi ảo tưởng một chút về cái gọi là đạo đức.

Thực ra tôi nghĩ hơi khác với thầy cô, không phải nhà trưởng bỏ quên không giáo dục cho học sinh mà tôi nghĩ rằng dạy đạo đức nhiều quá. Chúng ta quá quan tâm đến việc học đạo đức mà chúng ta không quan tâm đến môi trường nào để đạo đức có thể sống được. Đạo đức không phải chân không lơ lửng, nó phải có một môi trường xã hội, phải có một thiết chế để những giá trị tốt được tôn vinh, bảo vệ còn nhưng giá trị xấu bị trừng phạt và loại bỏ.

{keywords}
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương, NCS giáo dục Đại học Kanazawa, Nhật Bản (ảnh: Lê Thanh Hùng)

Nếu chúng ta chỉ dạy những giá trị giống như chúng ta đang giáo huấn, có nghĩa là con yêu thương bố mẹ đi, kính trọng thầy cô giáo đi, nhưng tất cả những cái học sinh chứng kiến hàng ngày và tất cả những gì các em cảm nhận được không phải như thế thì sẽ dẫn tới sự nổi loạn.

Không phải ngẫu nhiên mà những đứa trẻ Việt Nam hiện nay, như anh Tú là nhà văn, anh quan sát độ tuổi teen có sự phản kháng rất mạnh. Gần đây tôi cũng nói vui trong bài viết của mình là bạo lực giống như một quả bóng, anh bóp chỗ này nó sẽ lồi sang chỗ khác.

Cô giáo tại sao lại có những hành vi vượt chuẩn mực với học sinh là bởi vì cô giáo cũng là nạn nhân của rất nhiều áp lực.

Tôi lấy ví dụ như chúng ta cải cách giáo dục đến lần thứ 4, nhưng chúng ta chưa hề có cải cách về hành chính giáo dục. Hệ thống giáo dục là từ trên xuống, nó là một hình tháp, tất cả sức nặng từ bên trên sẽ đè dần xuống. Bộ xuống Sở, xuống phòng, xuống ban, sau đó sẽ chuyển hóa đến giáo viên và từ giáo viên sẽ chuyển hóa sang học sinh. Phụ huynh cũng như vậy vì phụ huynh cũng là sản phẩm lỗi của giáo dục.

Do vậy giáo dục của chúng ta cần cải cách. Nếu chúng ta chỉ nhìn ở các sự vụ đơn thuần thì chúng ta sẽ không giải quyết được kể cả học người Nhật. Bởi đạo đức không phải là một thứ lơ lửng.

Thực ra giáo dục đạo đức ở Nhật là một lĩnh vực gây tranh cãi rất lớn, cho nên, người ta rất thận trọng trong việc giáo dục đạo đức. Người ta thiên về giáo dục hiểu biết và giá trị quy tắc ứng xử hơn là đạo đức. Vì đạo đức dường như mang xu hướng là sự áp đặt của người trên xuống người dưới, một giá trị nếu anh áp đặt cho người A, nhưng môi trường của người A không phù hợp, không được tôn vinh thì giá trị này sẽ trở thành phản cảm.

Chẳng hạn luận văn Thạc sỹ tôi làm về môn nghiên cứu xã hội, môn đấy dạy cho học sinh biết cách ứng xử với gia đình, với trường học, với cộng đồng, thì những giá trị chuẩn mực ở đấy người ta rất tránh những giá trị mang tính chất giáo huấn từ trên xuống và thiên về giáo dục như thế nào để anh ta cảm nhận mình là thành viên của cộng đồng đấy và có những ứng xử cho phù hợp.

Đó là lý do tại sao ở Nhật cũng xảy ra những vụ giáo viên bạo hành học sinh nhưng không bạo lực trực tiếp như chúng ta như bắt uống nước giẻ lau, hay đấm đá, hay phụ huynh cũng quấy rối giáo viên.

 Họ quấy rối ở mức độ khác, tức là quấy rối bằng tin nhắn hay bằng điện thoại để phàn nàn. Những vụ bạo lực trực tiếp như ở chúng ta thì nó trải qua trong những năm 80, 90. Khi nghiên cứu thì  thấy tại sao ở nước Nhật những năm 80, 90 cũng như vậy thì tôi thấy có mấy yếu tố như sau.

Thứ nhất là hành chính giáo dục như tôi vừa nói là quan liêu tập quyền từ trên xuống. Thứ hai là chủ nghĩa thành tích và thi cử. Tất cả những áp lực đấy dồn cả lên phụ huynh và giáo viên. Thứ ba là sự thay đổi của mô hình xã hội từ truyền thống sang hiện đại.

Ở Việt Nam hiện nay gia đình truyền thống đang bị phá vỡ. Trước kia đứa trẻ được sống trong gia đình nhiều thế hệ và xã hội địa phương tức là làng xã sẽ giúp cả gia đình giáo dục đứa trẻ đó. Cho nên, trong quá trình ứng xử với những người ở làng xã hay ứng xử với những người trong gia đình nhiều thế hệ, hành xử trong gia đình nhiều anh chị em, nhiều độ tuổi khác nhau sinh sống thì trẻ sẽ học những kỹ năng xã hội để sống.

Tuy nhiên xã hội hiện nay thì gia đình tôi, gia đình thầy Nam, gia đình cô Thơ, thậm chí cả anh Tú cũng chuyển sang gia đình hạt nhân chỉ có bố mẹ và con cái. Xã hội địa phương dường như bị phá vỡ hoàn toàn, bị đô thị hóa. Như vậy, tất cả những chức năng đó được chuyển cho các cơ quan chuyên biệt ví dụ như trường học.

Nhưng trong khi đó trường chúng ta lại chưa cải cách để thực sự đáp ứng được yêu cầu đó, cho nên nó tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Trong vòng luẩn quẩn đó lúc trước chúng ta đã nói là lỗi thuộc về ai. Tôi cho rằng lỗi thuộc về tất cả chúng ta. Bởi trong môi trường như vậy, tất cả chúng ta đều có nguy cơ tiềm ẩn trở thành nạn nhân hoặc thành thủ phạm.

Ngày hôm nay anh là người thầy tốt, nhưng rất có thể ngày mai anh là một người thầy bạo hành học sinh, hoăc con mình có thể trở thành nạn nhân của bạo hành.

Cho nên tôi cũng là một phụ huynh và con tôi cũng đang đi học, tôi cảm thấy vừa thông cảm cho các thầy cô giáo nhưng cũng vừa lo lắng bất an về các thầy cô.

Ngược lại, tôi cũng cảm thấy rất cay đắng vì bản thân tôi ở một mức độ nào đó tôi có thể nhìn ra vấn đề. Trước đây có nhiều người hỏi tôi rằng trong môi trường như vậy khi chưa thay đổi được nó ngay thì anh làm như thế nào. Tôi trả lời rằng, ở Việt Nam chúng ta chỉ nhấn mạnh tác động của môi trường đến cá nhân và mình phải thay đổi để thích nghi với môi trường.

Tôi đi học ở nước ngoài, ai cũng bảo tôi phải thay đổi đi để thích nghi với môi trường. Nhưng tôi lại tư duy ngược lại rằng nếu chỉ tư duy như vậy thì con người là một cá nhân không có bản ngã. Con người có thể thay đổi môi trường hay nói cách khác là có thể bảo vệ mình được trước tác động xấu của môi trường thì nó phụ thuộc vào bản lĩnh, bản ngã.

Cho nên ở Nhật chẳng hạn, tại sao có những người thầy có thể làm được như vậy, là vì bản ngã của người giáo viên ấy rất tốt. Có nghĩa là nếu cấp trên chỉ sai thì anh ta cũng không làm. Bởi tôi biết là có nhiều giáo viên biết sai nhưng vẫn làm, vì họ không đủ sức mạnh để chống lại cái mệnh lệnh hành chính từ trên xuống như vậy.

Để giải quyết được vấn đề này, tôi nghĩ rằng nếu chỉ nhấn mạnh về đạo đức hay trừng phạt thuần túy thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Đuổi cô A này ở Hải Phòng thì sẽ có cô B ở Hà Tĩnh.

Rồi tôi nói ở đây các anh chị có thể kiểm chứng là từ đây báo chí sẽ còn có rất nhiều vụ việc như vậy nếu cải cách hành chính giáo dục không được giải quyết, môi trường làm việc của giáo viên không được giải quyết.

 Ví dụ như cải cách giáo dục có một nguyên tắc là phải dân chủ hóa đời sống trường học và dân chủ hóa hệ thống giáo dục. Nhưng chúng ta chưa làm được điều này, bởi vì muốn dân chủ hóa thì phải tự trị trường học, người giáo viên phải có được quyền trong nội dung và phương pháp giáo dục. Nhưng ở đây người giáo viên bị can thiệp từ trên xuống.

Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng khi người giáo viên bị đặt trong vòng như vậy thì họ phải hy sinh cái tôi của bản thân để chạy theo vòng quay. Trong vòng quay đấy chỉ cần sơ xẩy một chút thì họ có thể trở thành nạn nhân.

Để chống lại bạo lực thì có rất nhiều biện pháp kỹ thuật, ví dụ như anh Nam nói, mỗi trường có một chuyên gia tâm lý, đào tạo rất cơ bản.

Thứ hai là sinh viên cần được học hai môn mà khi học Thạc sỹ tôi cũng được học là lịch sử trường học trên thế giới và tâm lý học lâm sàng trường học. Không học gì cao siêu cả mà học chính những hiện tượng chúng ta đang bàn ở đây và các trường hợp cụ thể phải xử lý như thế nào. Những người dạy là người đã kinh qua, họ là các chuyên gia tư vấn học đường không phải những người dạy lý thuyết thuần túy.

Mặc dù tôi học Thạc sỹ thì tôi chỉ học ít thôi, bởi tôi không phải giáo viên dạy trực tiếp, sinh viên Nhật sẽ được học điều đó, nhưng nó giúp ích cho tôi rất nhiều.

Cho nên, nếu học bài học từ người Nhật thì tôi nghĩ nên học từ hệ thống, từ môi trường xã hội và xây dựng những giá trị thay vì những biện pháp kỹ thuật thuần túy. Đó là lý do vì sao khi tôi học ở Nhật về thì có nhiều người hỏi tôi rằng người Nhật có những biện pháp hay phương pháp dạy học tốt nào thì thầy bày cho chúng em.

Tôi cũng nói rằng tôi không muốn trả lời những điều đó vì đầu tiên phải hiểu biết về những giá trị, những hệ thống về phương pháp luận. Sau khi anh có tất cả những điều đấy rồi thì phương pháp sẽ do tự anh khai sáng ra, bởi vì cái đó mang dấu ấn cá nhân của anh.

Tôi nghĩ về cơ bản giáo viên hay phụ huynh đều là người tốt, nhưng làm thế nào để cái tốt được nhân lên, cái xấu bị ức chế, bị tiêu diệt. Tôi nghĩ đấy là trách nhiệm của tất cả. Ai càng có địa vị cao thì trách nhiệm càng lớn, không ai vô can cả. Bởi vì đơn giản, có những người dân im lặng trước điều đó là anh đã có can dự vào việc tạo môi trường như vậy.

Nhiều người hay nói vui là không nên phát ngôn nhiều hay tuổi trẻ thì không nên viết và nói động chạm vào những vấn đề gai góc, nhưng tôi lại nghĩ ngược lại. Bởi chính vì chúng ta né tránh như vậy thì gia tốc của vấn đề đấy càng lớn và tôi cảm giác rằng càng ngày hòn đá càng nặng và nó sắp rơi vào đầu chúng ta, bất cứ ai. Cho nên chúng ta không phải đổ lỗi cho ai cả mà phải tự vấn chính mình.

Bản thân tôi cũng chưa đánh hay chửi học sinh nào cả, tôi cũng đi dạy học vài năm cũng chưa có vấn đề gì phụ huynh phàn nàn với tôi. Tôi nghĩ rằng trong đó cũng có trách nhiệm của tôi vì tôi là một người thầy, tôi là người nghiên cứu giáo dục, nếu tôi không cố gắng thì kết quả đó con tôi có thể phải gánh chịu. Vì xã hội là một chỉnh thế phức tạp, nó tương tác lẫn nhau, không thể cho rằng tôi chỉ lo cho gia đình tôi thì có nghĩa ngoài kia hoàn hảo.

Bởi vì bản thân chúng ta vừa có thể trở thành thủ phạm, vừa có thể trở thành nạn nhân. Giống như anh Tú nói, người này có thể không dừng đèn đỏ nhưng biết đâu một lúc nào đấy mình cũng vội, mình cũng làm như vậy hoặc mình làm ngơ trước trường hợp đó.

Ví dụ tôi rất tán thành việc ở Nhật uống rượu lái xe đương nhiên là phạt hình sự không phải chỉ phạt tiền, nhưng người ngồi cùng trên xe nếu biết uống rượu không ngăn cản mà là người thành niên đều bị phạt theo và người bán rượu đều bị phạt theo, như vậy là đấy là liên đới trách nhiệm.

Giống như việc sử dụng đồ ăn cắp chẳng hạn, anh có thể không ăn cắp chiếc xe đạp nhưng anh nhặt chiếc xe đạp này ngoài đường và anh đi thì anh cũng bị tội, bởi vì anh đã sử dụng tài sản không có nguồn gốc. Như vậy, chúng ta cũng thấy rằng trách nhiệm phải là của tất cả mọi người...

XEM LẠI BẢN TEXT PHẦN I TALKSHOW TẠI ĐÂY: 

Làm gì khi môi trường giáo dục bị khủng hoảng? (phần I)

Làm gì khi môi trường giáo dục bị khủng hoảng? (phần I)

Sau phẫn nộ là hoang mang! Người thầy đã nhầm lẫn quyền lực. Bạo lực còn leo thang...  Mời bạn đọc xem thêm bản text phần I chương trình bàn tròn trực tuyến về môi trường giáo dục. 

 

Ngay khi chương trình bàn tròn trực tuyến này ghi hình, cũng là lúc các các kênh truyền thông lại dậy sóng phẫn nộ vì hành vi cô giáo mầm non chửi học sinh là "thú hay người" và vô cùng đau xót trước vụ việc nam học sinh trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, Tp HCM tự tử vì áp lực học hành. 

Lời tự bạch của nhà văn Hoàng Anh Tú về vai trò của các bậc làm cha làm mẹ, hay lời cảnh báo mang màu sắc "tiên tri" của dịch giả Nguyễn Quốc Vương về một "hòn đá ngày càng nặng" và "tự vấn chính mình" liệu có đủ giải quyết được cơn khủng hoảng trong môi trường giáo dục hiện nay?

Nhà báo Phạm Huyền đã đặt câu hỏi: "Chúng ta cần một bác sĩ tâm lý trong nhà trường?"

Mời bạn đọc đón xem Phần III và là phần cuối của bàn tròn trực tuyến đăng ngày mai 14/4/2018.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Ảnh: Lê Thanh Hùng

Video: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Đức Yên, Huy Phúc

Email: [email protected]

Hiệu trưởng Trường Nguyễn Khuyến: "Học sinh tự tử đạt 8,9 điểm"

Hiệu trưởng Trường Nguyễn Khuyến: "Học sinh tự tử đạt 8,9 điểm"

Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM lên tiếng việc học sinh nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập.

Áp lực học hành, nam sinh nhảy lầu tự tử để lại thư tuyệt mệnh

Áp lực học hành, nam sinh nhảy lầu tự tử để lại thư tuyệt mệnh

Theo cơ quan chức năng, trước khi tự tử, nam sinh có để lại bức thử tuyệt mệnh với nội dung áp lực về học tập từ gia đình.

Nam sinh Sài Gòn nhảy lầu tự tử do thi điểm thấp

Nam sinh Sài Gòn nhảy lầu tự tử do thi điểm thấp

Do điểm thi không tốt, một nam sinh viên của trường cao đẳng ở TP.HCM định nhảy lầu tự tử nhưng may mắn được ngăn chặn kịp thời.