Thông tin từ Sở Khoa học Công nghệ Sơn La, vì động đất xảy ra rất bất ngờ, người dân nên tìm hiểu để sẵn sàng ứng phó trước khi có động đất, giúp giảm thiểu thiệt hại và thương tích có thể xảy ra trong nhà và xung quanh nhà.
Cần chuẩn bị mọi kế hoạch khẩn cấp như: Lập một phương án ứng phó với thảm họa ở nhà và nơi làm việc; Xác định những vị trí tốt nhất để ẩn nấp trong nhà; Những vật dụng trong nhà như ti vi, gương, máy tính, kệ sách, tủ... nên được cố định và đặt xa giường ngủ để hạn chế nguy cơ đổ, dù đổ cũng hạn chế gây thương tích cho người. Dự phòng đèn pin, pin, rađiô, băng, thuốc... tại những vị trí thuận tiện, dễ lấy.
Định hình các vị trí trong nhà và lối thoát hiểm khi ở chung cư, nhà cao tầng; theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng, chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ. Lưu số điện thoại khẩn của cấp cứu, phòng cháy chữa cháy và các cơ quan chức năng khác để gọi yêu cầu giúp đỡ khi cần, như 114 - cứu hỏa, 115 - cấp cứu...
- Khi động đất xảy ra:
Để tránh bị thương, thậm chí mất mạng do động đất, nguyên tắc cơ bản nhất là tìm chỗ trú an toàn để tránh các vật cứng rơi vào đầu/người khi có rung lắc. Đối với những người đang ở trong nhà, có thể chui xuống gầm bàn/gầm giường, tránh xa các cửa kính, tránh di chuyển khi vẫn đang có chấn động.
Chú ý bảo vệ vùng đầu bằng những vật dụng sẵn có như chăn, gối hay lấy tay che đầu… Nếu đang nấu ăn cần khóa ngay van bình gas. Dùng đèn pin soi thay vì diêm, bật lửa, nến... vì dễ gây hỏa hoạn.
Định vị trí những người thân trong nhà để có thể cứu hộ nhanh chóng.
Trong trường hợp đang ở ngoài đường cần dừng xe ở lề đường, lánh nạn ở những bãi đất trống, tránh khu vực đông đúc; tránh xa các tòa nhà cao tầng, tường cao, gầm cầu, đường dây điện, cột điện... Nếu đang ở trong sân vận động hay rạp hát cần ngồi yên cho đến khi hết chấn động mới di chuyển ra ngoài theo trật tự. Khi ở gần bờ biển cần phải di chuyển xa bờ biển bởi động đất có thể gây ra sóng thần.
Bình tĩnh, không hốt hoảng, không chen lấn lên nhau, hoặc do tường đổ, đồ đạc đè khi di chuyển.
Động đất thường kèm theo dư chấn. Những dư chấn thường không lớn nhưng cũng có thể gây tác hại. Cần chủ động biết để không hoảng sợ.
- Sau khi động đất xảy ra: Nếu nhà bị hư hỏng hay vị trí hiện tại có thể gây nguy hiểm, cần di chuyển đến khu lánh nạn. Trong khi di chuyển cần tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Tuyệt đối không được dùng thang máy vì có thể bị kẹt do mất điện.