Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề tại Việt Nam đã ở mức báo động đỏ khi không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn gây hại tới sức khỏe người dân. Vậy cần làm gì để giảm ô nhiễm từ các làng nghề?

Báo động đỏ

Ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra trên diện rộng và có chiều hướng tăng theo quy mô sản xuất. Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề có nguồn gốc chủ yếu từ đốt nhiên liệu và sử dụng các nguyên vật liệu, hóa chất trong dây chuyền sản xuất; ô nhiễm nước diễn ra đặc biệt nghiêm trọng do khối lượng nước thải của các làng nghề là rất lớn, hầu hết lại chưa qua xử lý mà được xả thẳng ra hệ thống sông ngòi, kênh rạch. Ngoài ra, chất thải rắn ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom và xử lý triệt để gây tác động xấu tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.

{keywords}
Chất thải từ các làng nghề xả thẳng ra môi trường

Theo Bộ Công thương, kết quả quan trắc chất lượng nước thải tại các làng nghề cho thấy, 100% làng nghề được quan trắc đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép.

Ô nhiễm môi trường làng nghề là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh cho người dân đang lao động và sinh sống tại chính làng nghề. Tỷ lệ người mắc bệnh tại các làng nghề đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, tập trung vào một số bệnh, như: các bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, bệnh phụ khoa và các bệnh về mắt…

Đặc biệt, tỉ lệ người mắc bệnh ung thư tương đối cao ở một số làng nghề. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn từ 5 đến 10 năm so với làng không làm nghề.

Ô nhiễm môi trường làng nghề còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của chính làng nghề đó, gây ra những tổn thất kinh tế không nhỏ và dẫn đến những xung đột môi trường trong cộng đồng.

Phát triển các làng nghề bền vững, bảo vệ môi trường

Trước thực trạng này, thời gian qua, nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước đã ban hành đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề như: Nghị quyết 41/NQ-TƯ năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 định hướng đến năm 2020; Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 và các văn bản, như: Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7-7-2006 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Thông tư số 113/TT-BTC ngày 28-12-2006 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn…

Một số địa phương có làng nghề cũng đã chú ý đến việc ban hành các văn bản liên quan nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ở địa phương mình. Một số làng nghề đã từng bước ứng dụng các công nghệ mới trong xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường làng nghề của nhà nước đã bắt đầu được chú ý và đã huy động được sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương và của chính người dân, người sản xuất.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra môi trường làng nghề cũng được tăng cường nhằm ngăn giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường, phát triển nguồn lực bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM đã triển khai thực hiện các dự án đầu tư xử lý nước thải đồng bộ; kiện toàn bộ máy cán bộ quản lý môi trường tại các cấp..

Trong giai đoạn tiếp theo, các làng nghề cần được phát triển theo định hướng bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn.

Vân Anh