Một trong những thảo luận gây chú ý nhất tại Hội nghị phát triển trò chơi trực tuyến tại Việt Nam (OGDC) 2014 do VNG tổ chức vừa diễn ra sáng 19/7, đó là làm thế nào để xây dựng được một Studio Game. Và tất cả những người làm game đều nhìn nhận rằng, đây không phải là một vấn đề đơn giản và làm game thực sự vô cùng khó khăn.
Khó khăn nhất vẫn là xây dựng đội ngũ
Theo ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG, khó khăn lớn nhất để triển khai một Studio game và tiến hành làm game đó chính là xây dựng đội ngũ nhân sự. Bởi để làm một sản phẩm game không thể thực hiện từ một cá nhân (Trường hợp của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird được xem là đặc biệt), mà cần một nhóm tập trung với nhau để thực hiện dự án. Tuy nhiên, để phát triển và duy trì đội ngũ cũng không phải là điều đơn giản mà cần phải có một quá trình lâu dài, từ việc duy trì nhiệt huyết, các bước triển khai sản phẩm…
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Khánh Trung, Giám đốc Game Studio North của VNG, cũng cho biết, VNG đã có 7 năm sản xuất game, Studio North từ 15 người đến nay đã 70 người và để xây dựng được một đội ngũ như ngày nay đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất ở giai đoạn đầu triển khai là Việt Nam không có một ngành đào tạo nào về lĩnh vực này, đồng thời cũng không kiếm được người lo về khâu thiết kế game.
Sau đó, để khắc phục tình trạng này, VNG đã phải mở ra cơ hội cho các sinh viên năm cuối ngành CNTT và sinh viên mĩ thuật, tiến hành thực tập tại công ty và tiến hành đào tạo thêm kiến thức, để phát triển nguồn nhân lực cho chính mình. Theo ông Trung, dể duy trì đội ngũ cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn, trong đó có các vấn đề như: giải quyết mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tìm cách cân bằng nó.
Giữ nhiệt huyết và biết điều tiết nguồn nhân lực, đặc biệt đối với những người giỏi phải làm tâm lí để họ không tự mãn và đưa những người khác cùng đi lên… Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành ZoyGame, cũng có ý kiến tương tự và theo ông việc kiếm được những người làm thiết kế game ở Việt Nam hiện nay là vô cùng khó và xây dựng được một đội ngũ, cũng như duy trì nó là một bài toán không hề đơn giản.
Cơ hội vẫn mở ra cho mọi người
Mặc dù làm game không đơn giản và gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, theo những người đang hoạt động trong ngành đều cho rằng, cơ hội vẫn mở ra cho tất cả mọi người, đặc biệt là ở lĩnh vực phát triển game mobile.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành ZoyGame, làm game mobile hiện nay có rất nhiều cơ hội, đặc biệt là ở các Studio nhỏ. Game làm ra không gặp nhiều rào cản trong khâu phát hành, khi các game làm ra rất dễn dàng đưa lên kho ứng dụng lớn như Google hay Apple Store.
Game làm ra hoàn toàn có cơ hội để thành công nếu như sản phẩm tốt và được người chơi chấp nhận. Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG cũng chia sẻ, cơ hội làm game di động tại Việt Nam vẫn đang rất nhiều. Với các Studio chưa mạnh về nguồn lực theo ông nên làm những game đơn giản, không phức tạp hay mơ mộng làm các game “bom tấn”…
Tuy nhiên, game đơn giản, nhưng để thành công không phải là một điều dễ dàng, vì thế cần làm những game vui vẻ, quyến rũ và thu hút được người chơi. Bên cạnh đó, một lợi thế là game mobile hiện nay rất dễ Viral và ở đây không chỉ là truyền thông hay mạng xã hội, mà phải làm sao để viral đó trở nên tự nhiên, để một người đang thấy người khác chơi game cũng sẽ tham gia chơi…
Và theo ông Minh, để làm game phải có đam mê, phải luôn học hỏi, mở rộng các mối quan hệ, chấp nhận sự thay đổi nhanh chóng và liên tục, chấp nhận các quan điểm mới…Nhìn chung, để làm thành công, đặc biệt trong xây dựng một Studio, đó là xây dựng được đội ngũ, xác định được thời gian tương đối để hoàn thành sản phẩm và đảm bảo được khâu phát hành. Game làm ra được nhiều khách hàng sử dụng là một điều sung sướng đối với những người làm ra nó.
Theo Gamek