Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín. Chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đây là hướng đi mới trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững được các cấp, ngành chuyên môn và người dân áp dụng, góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Và tỉnh Lâm Đồng là một điển hình trong việc thu gom, xử lý, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đối với cây rau: phụ, phế phẩm thu được khoảng 894 ngàn tấn/năm, trong đó khoảng 7% lượng phụ phẩm từ cây cà rốt được tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phần lớn phụ phẩm bỏ lại trên vườn trồng không xử lý, được nông dân cày vùi trong đất trồng vụ tới. Đối với cây lúa, phụ phẩm nông nghiệp khoảng 215 ngàn tấn/năm (gồm rơm rạ, trấu, cám...) hầu hết rơm rạ được đóng ép thành cuộn làm thức ăn chăn nuôi và một phần làm nguyên liệu giá thể sản xuất trồng nấm, phủ gốc kết hợp làm phân bón cho cây trồng, phủ mặt luống để giữ ẩm cho đất sản xuất rau. Phụ phẩm thu được từ thân, lá cây khoảng 281 ngàn tấn được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Đậu các loại phụ phẩm thu được 8,12 ngàn tấn chưa được xử lý chủ yếu nông dân cày vùi ngay trên vườn trồng.
Trong thời gian qua, nhằm giảm chi phí đầu vào, hạn chế sử dụng vật tư nông nghiệp và tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, sạch, bên cạnh đó sẽ tăng lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, một số doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT), người dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số mô hình theo hướng tuần hoàn, như sau: Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã triển khai mô hình thu gom, xử lý phế phụ phẩm từ trồng hoa, rau của Trang trại tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương với quy mô trên 200 ha nhà kính. HTX phụ nữ trùn quế Đơn Dương được thành lập năm 2019, có quy mô 1.000m2, sử dụng phân bò, các phế phẩm nông nghiệp (rau, củ quả, thân cành) làm thức ăn cho trùn, công suất phân trùn quế đạt 140 tấn/năm cung cấp phân bón trung bình 14 ha cây trồng.
Đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết: Đến năm 2030 toàn tỉnh có khoảng 1,7 triệu tấn phụ phẩm từ hoạt động trồng trọt, cụ thể: Phụ phẩm trên cây rau: 956,6 ngàn tấn, khoảng 30% được xử lý thành phân hữu cơ vi sinh; cây lương thực: 540.614 tấn, trong đó phụ phẩm rơm rạ, trấu từ lúa và 215.638 tấn; cây ngô 324.976 tấn. Tất cả lượng phụ phẩm này được xử lý làm phân bón hữu cơ và làm thức ăn chăn nuôi.
Tỉnh cũng tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ để tái chế, xử lý các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ để phục vụ sản xuất. Cùng với đó phát triển kinh tế tuần hoàn đảm bảo tính đồng bộ gắn kết giữa các trang trại, các doanh nghiệp, góp phần ổn định bền vững trong chuỗi sản xuất và môi trường hướng tới nền kinh tế xanh để cải thiện năng suất lao động, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại.