Tăng tốc ứng dụng nông nghiệp thông minh, xây dựng NTM

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng, chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lâm Đồng trong hành trình về đích NTM. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển thêm một bước mới, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, đưa công cuộc xây dựng NTM tiến lên một “nấc thang mới”.

Đến nay, có 107/111 xã (96,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, với 33 xã đạt NTM nâng cao và 9 xã NTM kiểu mẫu. Hiện, có 5 huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM: Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên và Lâm Hà; 2 TP là Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Các huyện còn lại đang tiếp tục rà soát hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí huyện NTM, lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện NTM.

W-Lamdong.png

Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% các huyện có các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (chuyển đổi số, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa...) trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh phấn đấu trong khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.

Chú trọng thúc đẩy mô hình “thôn thông minh”

Trong hành trình xây dựng nông thôn mới có chiều sâu, Lâm Đồng xác định việc xây dựng mô hình “thôn thông minh” nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã “thông minh hơn”, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ số để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng internet đến cơ sở, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, là tiền đề để hướng tới mô hình “xã nông thôn mới thông minh”, góp phần xây dựng địa phương ngày càng văn minh, hiện đại.

Mô hình thôn, xã thông minh được xây dựng trên “hạt nhân” là chính quyền điện tử với sự phân tích và trích xuất các giá trị bản địa, đặc sắc của xã hội nông thôn: chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số; tạo lập xã hội nông thôn số, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững theo hướng hàm lượng công nghệ số. Khi công nghệ số lên ngôi, nông thôn - thành thị thu hẹp khoảng cách khi tất cả đều được số hóa.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Lâm Đồng không ngừng tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; phát triển xã hội số trong xây dựng NTM.