Dù đạt được nhiều thành công, nhưng ngành nông lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng nói chung và cây ăn trái nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, vùng nguyên liệu chưa tập trung, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trong khi công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao.

Ngoài những thách thức nêu trên, thì vùng này còn phải đối mặt với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, chưa có nhiều doanh nghiệp thực sự tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chưa bắt kịp tín hiệu thị trường.... 

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại có thể coi như một chiếc “cầu vượt” giúp ngành nông nghiệp, giúp người nông dân có thể vượt qua con đường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

W-caycaphe.png
Cây cà phê trên đất Lâm Đồng

Theo giới chuyên gia, đi cùng với tốc độ phát triển của thị trường, làn sóng công nghệ đang thay đổi mạnh mẽ từng ngày. Cuộc đua về các giải pháp như AI, Big Data đã cho thấy tính ưu việt trong việc thu thập, phân tích thông tin và gợi mở giải pháp cho người nông dân ngay từ khi bắt đầu mùa vụ cho tới khi thu hoạch và chuẩn bị cho những vụ kế tiếp. 

Hay như, với độ phủ sóng rộng khắp và nhanh nhạy trong thông tin, báo chí đã chuyển tải những thông tin mới nhất về diễn biến thị trường, số liệu xuất nhập khẩu nông sản, giúp nông dân nắm bắt để sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, nếu không tận dụng tốt các lợi thế và tiềm năng sẵn có từ thị trường, người nông dân sẽ khó thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn “trồng- chặt”, bởi “được mùa rớt giá”.

Mặc dù, thời gian qua ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có một số cơ quan làm nhiệm vụ thống kê phân tích số liệu, dự báo diễn biến thị trường nông sản; tuy vậy, vẫn chỉ là số liệu “câm”, chưa dự báo chính xác được diễn biến thị trường từng loại nông sản, dữ liệu về thời vụ, thị trường, những quy định về xuất nhập khẩu đang phân tán ở nhiều nơi,.... khiến người nông dân vẫn lúng túng trong quyết định canh tác.

Được biết, tỉnh Lâm Đồng đang từng bước tập trung về một vài đầu mối để sử dụng chung trong tương lai. Qua đó, tận dụng thông tin và dữ liệu của toàn ngành một hiệu quả.

Cụ thể, 4 cơ sở dữ liệu đầu tiên gồm: Quy hoạch, quản lý, khai thác các loại rừng; cập nhật danh mục công trình thủy lợi; diện tích, thổ nhưỡng, lợi thế cây trồng, sản lượng từng vùng trồng trọt, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo sử dụng; lợi thế, sản lượng từng vùng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Và 4 cơ sở dữ liệu còn lại là: Thông tin chi tiết từng sản phẩm OCOP; số liệu mưa, mực nước thường xuyên ngập lụt tại các khu vực; sản phẩm, năng lực sản xuất nông, lâm, thủy sản; diện tích, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi theo vụ, theo năm.