Với sự quan tâm, ưu tiên của Đảng và Nhà nước trong triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư; sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, nhiều huyện dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng từng bước vượt qua khó khăn, tập trung phát triển kinh tế và ổn định chính trị.
Xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng có phần lớn dân cư là người dân tộc thiểu số. Nhờ chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, đưa các loại giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao vào canh tác, đồng thời áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất, doanh thu trên cùng đơn vị diện tích canh tác của Gung Ré đã đạt bình quân gần 150 triệu đồng/ha/năm.
Chính quyền địa phương đã nhanh chóng bắt nhịp và vận động bà con tham gia tích cực vào các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã Gung Ré đã giảm xuống còn 5%.
Ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng nông thôn mới cũng đạt kết quả đáng kể nhờ sự đồng lòng, đồng tâm của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Phần lớn người dân ở xã là dân tộc thiểu số, để người dân tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường thì công tác vận động rất quan trọng, các già làng, người có uy tín, hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải tạo được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Hiện nay đối với đường bê tông hóa thì gần như đã hoàn thành, khang trang.
Việc thay đổi nhận thức trong định hướng canh tác, chú trọng đến yếu tố thị trường và quy luật cung - cầu, nông sản làm ra đều bán với giá tốt giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên thấy rõ. Kinh tế phát triển, tình làng nghĩa xóm được phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc càng thêm bền chặt. Phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng được bà con nhiệt tình hưởng ứng.
Đến hết năm 2023, tỉnh Lâm Đồng có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 41 xã nông thôn mới nâng cao và 16 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, cộng với sự đoàn kết nhất trí và tham gia hưởng ứng tích cực từ phía người dân, tin chắc rằng tỉnh Lâm Đồng sẽ về đích nông thôn mới trước năm 2025 như mục tiêu đã đặt ra.