Hiện đại hóa bộ máy hành chính công
Nhiều ứng dụng CNTT-TT quan trọng có vai trò làm nền tảng xây dựng, triển khai mô hình cơ quan điện tử, chính quyền điện tử đã và đang từng bước hiện diện tại Lâm Đồng.
Điển hình như hệ thống thư điện tử (email) công vụ tại địa chỉ http://mail.lamdong.gov.vn đã được UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai đồng bộ trong việc gửi - nhận văn bản hành chính cho các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh, kể cả các cơ quan thuộc khối Đảng và Đoàn thể. Theo thống kê của Sở TT&TT Lâm Đồng, tính tới đầu tháng 2/2012, đã có hơn 3.500 hộp thư điện tử được cấp cho các đơn vị và cán bộ, công chức làm việc tại địa phương. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng email đạt hơn 90%, dù còn "thua chị kém em" so với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bắc Kạn (đều đạt 100%), An Giang (96,1%), Hải Dương (92,3%), Hưng Yên (91,7%),..., song lại vượt trội rất nhiều địa phương khác, thậm chí cả với chính Thủ đô Hà Nội (tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng email của Hà Nội chỉ đạt 24,7% - số liệu công bố chính thức trong Báo cáo Vietnam ICT Index năm 2011 vừa được Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Hội Tin học VN công bố cuối năm 2011).
Khi trình độ tin học căn bản của cán bộ, công chức dần được chuẩn hóa và nâng cao, Lâm Đồng đang có thêm điều kiện thuận lợi để triển khai dự án Văn phòng điện tử. Trao đổi với phóng viên BĐVN, ông Nguyễn Viết Vân, GĐ Sở TT&TT Lâm Đồng cho biết Phần mềm quản lý hồ sơ công việc (eOffice) - một ứng dụng "đinh" của Văn phòng điện tử - đã được triển khai tại Sở TT&TT, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Sở Tư pháp, Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở GD&ĐT, Sở TN&MT, UBND các huyện, TP như Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đà Lạt… và đến nay 100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh đã được cài đặt và đưa vào ứng dụng. Kết quả bước đầu cho thấy eOffice là công cụ hữu hiệu giúp cho việc trao đổi, gửi và nhận văn bản dưới dạng điện tử được nhanh chóng và tiết kiệm, nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết công việc của các cơ quan Nhà nước.
Một ứng dụng "ghi điểm cộng" khác nữa hệ là thống Hội nghị truyền hình trực tuyến sử dụng đường truyền cáp quang. Mạnh dạn đầu tư 3 tỷ đồng tạo dựng một hệ thống 15 điểm cầu hiện đại, Lâm Đồng đã có thể tổ chức nhiều hội nghị thông suốt bằng phương thức trực tuyến, đỡ tốn chi phí khi tổ chức hội họp tập trung cho các cơ quan, đơn vị nằm rải trên tổng diện tích hơn 9.700km2 với địa hình phức tạp.
Phục vụ người dân, doanh nghiệp bằng CNTT-TT
Đưa CNTT-TT vào hệ thống cơ quan Nhà nước đã khó, đưa ứng dụng CNTT phục vụ đời sống của người dân và DN tại Lâm Đồng lại càng khó hơn.
Dân số toàn tỉnh ước đạt hơn 1,3 triệu người, trong đó dân nông thôn chiếm 61,47%. Đặc biệt, Lâm Đồng là miền đất hội tụ trên 43 dân tộc khác nhau cư trú và sinh sống, trong đó đông nhất người Kinh chiếm khoảng 77%, người K’Ho - 12%, Mạ - 2,5%, Nùng - gần 2%, Tày - 2%, Hoa - 1,5%, Chu-ru - 1,5% ..., và nhiều dân tộc khác có tỷ lệ dưới 1% sống thưa thớt ở các vùng xa, vùng sâu trong tỉnh. Quần thể dân cư chưa ổn định và liên tục biến động do hiện tượng di dân tự do từ các tỉnh khác nhau về Lâm Đồng.
Để người dân kịp thời nắm bắt, sử dụng ứng dụng CNTT-TT, trở thành công dân điện tử của một chính quyền điện tử Lâm Đồng, không ít người cho rằng đây là nhiệm vụ bất khả thi trong 5 - 10 năm nữa.
Tuy nhiên, không vì thấy khó mà nản, Lâm Đồng vẫn tiến dần từng bước chậm mà chắc. Điểm sáng đáng chú ý nhất trong hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ người dân, DN tại vùng đất cao nguyên chính là Cổng thông tin điện tử www.lamdong.gov.vn. "Chỉ cần click chuột vào địa chỉ này, người dân và DN có thể tiếp cận đa dạng thông tin về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, các dịch vụ công trực tuyến, thông tin về đặc sản du lịch Lâm Đồng, hoạt động thương mại điện tử cho DN... Chuyên trang tiếng Anh trên Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng còn tăng cường quảng bá hình ảnh Lâm Đồng - đặc biệt là về tiềm năng, thế mạnh kinh tế, du lịch của địa phương - ra cộng đồng thế giới", ông Vân minh chứng.
Trước mắt còn rất nhiều khó khăn như sự quan tâm, quyết tâm triển khai ứng dụng CNTT của một số lãnh đạo chưa cao; thiếu kinh phí triển khai các hoạt động CNTT-TT; thiếu cán bộ chuyên môn; hạ tầng CNTT-TT chưa đồng bộ; hiệu quả khai thác, sử dụng các trang thiết bị và ứng dụng CNTT còn hạn chế... nhưng các cấp chính quyền ở Lâm Đồng vẫn quyết tâm nỗ lực vượt qua.
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 18 ra ngày 10/2/2012.