Đầu tháng 10/2023, Công an huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) phát hiện, bắt quả tang đối tượng Đinh Quốc Phi (SN.1991, trú tại thôn 5, xã Đạ P’loa, huyện Đạ Huoai) có hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép 1 cá thể Tê tê còn sống, trọng lượng 5,3kg. Theo quy định của Chính phủ, Tê tê là loài động vật rừng thuộc nhóm IB đang bị đe doạ tuyệt chủng, cần được bảo vệ, nghiêm cấm khai thác, nuôi nhốt, sử dụng, mua bán, tiêu thụ dưới mọi hình thức.

Trường hợp khác vào tháng 2/2023, Công an huyện Đam Rông đã bắt trường hợp Đặng Thị Việt Hoài (SN 1980, trú tại xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông) về hành vi mua bán trữ lượng lớn động vật hoang dã bao gồm cả thịt động vật hoang dã cấp đông trong tủ lạnh.  Hoài khai nhận mua lại động vật hoang dã của người đi săn về bán lại và nuôi thêm động vật hoang dã sinh sản nhưng không đăng ký tại cơ quan chức năng. Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an huyện Đam Rông thu giữ 70 cá thể động vật hoang dã gồm 26 cá thể chồn hương, ba cá thể rắn, 37 cá thể dúi, 6kg thịt sóc, 15kg heo rừng, 4kg gà rừng và ba cá thể chồn đã chết được cấp trong tủ đông của gia đình. 

cham soc dv .jpg
Chăm sóc Tê tê được người dân bàn giao trước khi thả về rừng. 

Không chỉ mua bán ngoài thực tế, tại Lâm Đồng nhiều đối tượng còn mua bán cả động vật hoang dã quý hiếm trên mạng. Trước đó, một tài khoản Hân Nguyễn (Lâm Đồng) đăng tải thông tin công khai kèm theo hình ảnh cá thể chồn mốc rao bán trên Facebook. Con chồn này được gia đình Hân săn bẫy được khi đi rẫy. Khi đăng tải, nhiều người đã hỏi mua. Cầy vòi mốc là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB được ưu tiên bảo vệ.

Vào tháng 4/2023, Toà án nhân dân thành phố Đà Lạt đã xét xử đối tượng Huỳnh Thị Thanh Hằng (SN 1994, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ) 15 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép 20 móng gấu chó. Hằng thường xuyên đăng tải trên trang cá nhân của mình rao bán các sản phẩm từ hoang dã nguy cấp, quý, hiếm như vòng ngà voi, nhẫn ngà voi, móng gấu.

Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 44 vụ vi phạm liên quan đến việc mua bán động vật hoang dã, tang vật là 418 cá thể động vật, tổng trọng lượng 618 kg. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 39 vụ và chuyển xử lý hình sự 5 vụ. Ngoài ra, nhiều cá thể động vật bị cơ quan công an thu giữ đã được bàn giao lại cho các Trung tâm Cứu trợ động vật nhằm tái thả động vật về môi trường tự nhiên.

Tháng 8/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2030 tầm nhìn lên đến năm 2050. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đưa ra mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong chấp hành các quy định của pháp luật liên quan tới tội phạm đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động vật, thực vật, nguồn gen… trên địa bàn tỉnh. 

Trong thời gian từ nay tới năm 2030, tỉnh Lâm Đồng đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng chống tội phạm đa dạng sinh học, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về đa dạng sinh học góp phần bảo vệ an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển bền vững. Lâm Đồng sẽ đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ thông tin xử lý các vụ việc liên quan tới tội phạm đa dạng sinh học.

Công an tỉnh Lâm Đồng được giao kế hoạch mở các đợt đấu tranh trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới đa dạng sinh học, phối hợp với các huyện, thành phố, góp ý, đề xuất hoàn thiện quy định liên quan tới phòng chống tội phạm đa dạng sinh học.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV