XEM CLIP:
Sạt lở nhiều điểm trên đèo Bảo Lộc hôm 30/7
Sạt lở uy hiếp nhà cửa, người dân phải sơ tán
Những ngày qua, cuộc sống của gia đình ông Đoàn Đình Quân (ở xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc) bị đảo lộn khi phải sơ tán khỏi nhà do sạt lở.
Ông Quân kể, sáng 30/7, khi vợ chồng ông cùng hai con ở nhà thì trời mưa tầm tã, gió rít mạnh. Lúc này, ông nhìn ra ngoài, phát hiện từng khoảnh đất bên hông nhà sụt xuống.
Diện tích sạt lở mỗi lúc lớn hơn, tiến sâu vào tường nhà. Lo sợ, vợ chồng ông Quân dọn dẹp, gói vội đồ đạc rồi đưa 2 con đến nơi khác ở tạm ít hôm để đảm bảo an toàn. Tới nay gia đình ông Quân vẫn chưa dám về nhà.
Bảy hộ dân khác tại xã Đam B’ri và phường 2 ở TP Bảo Lộc cũng rơi vào hoàn cảnh như gia đình ông Quân. Họ phải sơ tán cả gia đình đến nơi khác tránh trú để phòng sạt lở, sụt lún đất do mưa kéo dài.
Trong khi đó, một số tuyến đường ở TP Bảo Lộc rạn nứt, sụt lún. Tại đường Phạm Hồng Thái (xã Đại Lào), một đoạn đường bị hư hỏng, sụt lún. Trên mặt đường lộ rõ vết nứt toác, khoét hàm ếch, hư hỏng, khiến người đi đường bất an khi qua khu vực này.
“Vết nứt xuất hiện mấy hôm trước, sau trận mưa kéo dài khiến ai cũng lo lắng”, một người dân xã Đại Lào cho biết.
Mưa lớn kéo dài làm một số nơi ở TP Bảo Lộc bị ngập nước, sụt lún và sạt lở đất; 130 hộ dân tại xã Đại Lào phải sơ tán tài sản, vật dụng tới nơi cao ráo khi nước tràn vào nhà, gây ngập. Trên 115ha cây trồng các loại hư hại vì nước ngập.
Tương tự, cuộc sống của 60 hộ dân ở xã Lộc Châu cũng bị đảo lộn vì nước suối dâng cao, ngập và sạt lở nhiều điểm.
Những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng xảy ra sạt lở với tần suất dày. Gần nhất là vụ sạt lở nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc vào chiều 30/7. Đất đá trên đỉnh đồi sạt lở xuống khiến 3 chiến sĩ thuộc Trạm CSGT Madagui hy sinh, một người dân tử vong. Giao thông qua đèo Bảo Lộc bị ách tắc gần 2 ngày.
Trước đó, rạng sáng 29/6, sau cơn mưa kéo dài gần 3 giờ, một đoạn bờ taluy của công trình trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10 (TP Đà Lạt) đổ sập. Hàng nghìn khối đất đá đổ tràn xuống phía dưới gây hư hỏng, vùi lấp ba căn nhà 3-4 tầng, lán trại, làm 2 người tử vong, 5 người bị thương.
Tỉnh Lâm Đồng xác định, bờ tường taluy nơi xảy ra sạt lở xây cao 4,7m, vượt quy định của địa phương. Chủ đầu tư cho đổ một lượng đất đá gia tải quá lớn (khoảng 6.000m3) nên tường chắn không thể chịu nổi và thi công chưa đúng với giấy phép được cấp...
Sau khi làm việc với đoàn chuyên gia Nhật Bản, tỉnh Lâm Đồng sẽ thiết lập bản đồ cảnh báo những khu vực nguy cơ sạt lở cao trong toàn tỉnh, thực hiện trước ở TP Đà Lạt.
Cảnh báo 163 điểm sạt lở ở Lâm Đồng
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp khi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, hôm 31/7, hơn nửa năm qua, tình hình mưa bão trên địa bàn phức tạp, khó lường. Ảnh hưởng thời tiết xấu, mưa liên tục và kéo dài làm nền đất yếu gây ra các vụ sạt lở, nhất là ở Đà Lạt và Bảo Lộc.
Từ đầu năm tới nay, địa phương ghi nhận có 9 người tử vong, hư hại 224 căn nhà, 176ha cây trồng, 210m đường giao thông… do thiên tai, ước tính thiệt hại hơn 18 tỷ đồng.
Đánh giá mức độ nguy hiểm, phức tạp của thời tiết, đặc biệt toàn tỉnh ghi nhận 163 điểm sạt lở đất và có nguy cơ cao, Lâm Đồng lên kịch bản trong từng tình huống ứng phó để giảm thiểu thiệt hại. Tỉnh chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát những khu vực xung yếu, ven sông, suối, sườn đồi… cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập lụt.
Ngoài ra, tỉnh yêu cầu phải tổ chức lực lượng xử lý ngay, phát huy có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” khi có sự cố xảy ra.
Các địa phương chủ động kiên quyết di dời, sơ tán các hộ dân, người làm việc ở những khu vực chân núi, điểm có độ dốc lớn nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản.
Đồng thời, chủ động thực hiện phương án bố trí, hỗ trợ, ổn định nơi tránh trú và đời sống cho các hộ dân phải di dời.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đang đánh giá lại và đánh dấu trên bản đồ. Sau khi khảo sát xong các điểm sạt lở, tỉnh sẽ khuyến cáo cụ thể. Ngoài ra, các công trình nhà tạm dọc tuyến đèo Bảo Lộc cũng bị tháo dỡ.