Ngày 30/7, Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” năm 2023 được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Cảng cá Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận.

Trong chuỗi các hoạt động lần này, Lữ đoàn 955 đã khám, cấp thuốc miễn phí cho 100 bà con ngư dân; tặng 20 suất quà cho các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn và con ngư dân vượt khó, học giỏi; trao tặng 150 chiếc áo phao, 50 chiếc phao tròn, 300 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Ngoài ra, cấp phát 100 bộ tài liệu về nội dung “Một số điều cần biết dành cho ngư dân” để ngư dân địa phương cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động trên biển đúng quy định pháp luật gắn với bảo vệ môi trường, cùng thông tin về vị trí các âu tàu của Hải quân đang phục vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; các tần số thông tin liên lạc để sẵn sàng kết nối, giúp đỡ ngư dân khi hoạt động trên biển.

Trước đó, ngày 28/7, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định tổ chức chuỗi các hoạt động trong Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” tại cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.

Dịp này, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 100 người; tặng bà con ngư dân 200 lá cờ Tổ quốc, áo phao; 10 suất quà cho các gia đình ngư dân khó khăn; tặng 20 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh là con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; 

Phát 300 tờ rơi tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam 2012, Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Uỷ ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đây là 2 trong số rất nhiều Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” được tổ chức từ năm 2019 đến nay. 

Có thể nói Chương trình là một chuỗi hoạt động rất ý nghĩa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo; hỗ trợ và giúp đỡ bà con ngư dân khai thác hải sản an toàn, đúng pháp luật; tạo tình cảm gắn bó sâu sắc giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân với bà con ngư dân; động viên và phát huy tốt vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế.

bien dao b8a.jpg
Ngư dân cần sự hỗ trợ về nhiều mặt để có thể yên tâm ra khơi.

Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim 

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị mà trực tiếp là Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, từ năm 2019, Quân chủng Hải quân đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai Chương trình  “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. 

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo các đơn vị trong Quân chủng phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo, Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, cơ quan quân sự các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, các chủ tàu cá và ngư dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo và chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong đánh bắt thủy, hải sản.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân phối hợp với các đơn vị, ban, ngành, địa phương tổ chức tốt các hoạt động dân vận, kết nghĩa, thông tin biển, đảo, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh...

Quân chủng Hải quân duy trì nghiêm các lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng chiến đấu trên các vùng biển trọng điểm; phát huy tốt vai trò các tàu làm nhiệm vụ trên biển, các trạm ra đa, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển để hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản. 

Theo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, giai đoạn 2019 - 2022, trong 3 năm, Quân chủng đã điều động 365 lượt tàu, 16 lượt máy bay, 50 lượt xe ô tô cùng hơn 12.500 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân; cứu nạn được 340 lượt tàu và 1.244 lượt người bị nạn trên biển.

Các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển; các âu tàu, làng chài ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo, nhà giàn đã hỗ trợ ngư dân 25.240m3 nước ngọt, 272 tấn lương thực, thực phẩm với tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng; cung cấp các dịch vụ thu mua hải sản, bán nhiên liệu bằng với giá ở đất liền; hướng dẫn, sắp xếp cho các tàu cá vào bổ sung lượng dự trữ nhiên liệu, lương thực thực phẩm, tránh trú bão, khắc phục sự cố tàu thuyền, khám chữa bệnh…

Các cơ quan, đơn vị Hải quân phối hợp với các địa phương tổ chức tư vấn, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 11.000 lượt ngư dân với tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng; tổ chức 11 khu cách ly, điều trị được 1.583 lượt bệnh nhân là ngư dân, trao tặng 1.700 tủ thuốc chữa bệnh và nhiều dụng cụ y tế khác, với tổng giá trị hơn 3,7 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch Covid-19; 

Thực hiện tốt công tác dân vận, công tác chính sách, thăm, tặng quà gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng 48 nhà tình nghĩa, trao tặng hơn 29.000 lá cờ Tổ quốc, 13.900 phao cứu sinh, 500 chiếc đèn đi biển cho ngư dân với tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng.

Với phương châm “Lo cho dân như người thân của mình”, “Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”, cán bộ, chiến sĩ Hải quân  sẵn sàng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trên khắp các vùng biển cả nước để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân; kết hợp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trực chốt, tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ chủ quyền gắn với bảo vệ các hoạt động hợp pháp, tài sản, tính mạng của ngư dân.                  

Văn Lợi và nhóm PV, BTV