Bị khách mắng là ‘chuyện cơm bữa’
Năm 2019, khi mới bước chân vào công việc bán đất mộ, chị Hồ Thị Tuyết Nhung (SN 1976, Hà Nội) rất khó khăn trong việc tìm khách hàng. Ở công ty của chị, ngoài việc đăng tải thông tin lên mạng xã hội, trang web của công ty, các bạn trẻ làm công tác hỗ trợ kinh doanh cũng phải gọi điện chào mời, tư vấn khách.
Chuyện bị khách mắng là điều xảy ra “như cơm bữa”. Nhưng tính chất công việc là vậy nên ai cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận những “trận cuồng phong”.
Là một nhân viên kinh doanh, chị hiểu công việc của mình. Việc mời chào mua đất mộ trực tiếp thực sự rất “tế nhị”. Vì vậy, những chuyến đi tham quan công viên nghĩa trang được tổ chức cho những người lớn tuổi ra đời từ đó.
Mục đích của những chuyến đi là giới thiệu về khung cảnh của công viên nghĩa trang. Những vị khách chỉ đến thắp hương như đi lễ chùa, không hề thấy sự chào mời mua bán. Bởi theo chị Nhung, sự cảm nhận là quan trọng nhất. Khách sẽ tự tìm đến khi thực sự có nhu cầu.
May mắn, nhiều cụ già rất hào hứng với những chuyến đi như vậy, bởi họ cho rằng đó là một trải nghiệm với nơi linh thiêng. Có cụ đã ngoài 80 tuổi, thậm chí 90 tuổi vẫn xin được đi cùng đoàn.
“Nhiều người trẻ nghe đến chuyện đi tham quan nghĩa trang thì ‘ối dồi ôi’ lắm nhưng thực sự các cụ già mới có tâm lý muốn đến những nơi đó. Một là các cụ được đi vãn cảnh như cảnh chùa, hai là các cụ cũng đã có tính toán về việc mua đất hoặc tìm ‘chỗ’ cho mình. Vậy nên chuyến đi hoàn toàn là tự nguyện”, chị Nhung chia sẻ.
Cách làm đó đã phát huy được hiệu quả. Từ trong đoàn, nhiều người quý tính cách của chị Nhung nên chủ động xin số điện thoại. Sau này khi thực sự có nhu cầu, họ chủ động gọi cho chị để mua đất hoặc giới thiệu khách.
Chị nhớ, 3 năm về trước, trong một lần dẫn đoàn lên khu công viên nghĩa trang ở Thái Nguyên, có một cụ ngoài 80 tuổi từng bị tai biến. Ban đầu mọi người khá lo ngại về sức khỏe của cụ, nhưng gia đình và cụ vẫn muốn được đi. Trên xe, cụ không tự chủ được việc đi vệ sinh nên xảy ra sự cố. Mọi người trong đoàn cùng nhau hỗ trợ, giúp cụ mượn đồ, thay quần áo rồi mới tiếp tục được hành trình.
“Cũng chính trong chuyến đi đó, mình tìm được những vị khách hàng, những người quý mến mình thực sự. Có lẽ ở đời cho đi là nhận lại nên mình luôn nghĩ, làm công việc gì cũng phải hết sức, hết tâm”, chị nói.
“Trong đoàn đi tham quan năm đó có một vị khách ở Long Biên (Hà Nội) rất quý mình. Sau này, cô thường xuyên gọi điện hỏi han mình. Ai có nhu cầu, cô đều giới thiệu đến mình. Mình và cô thường tâm sự chuyện gia đình, công việc. Càng ngày cô cháu càng thân và quý nhau, coi nhau như người nhà. Cô thường xuyên gọi mình đến nhà ăn cơm”, chị kể.
Cũng nhờ người này, người kia kết nối, chị Nhung dần có nhiều khách hàng hơn. Người ta gọi chị với cái tên thân thương “Nhung đất mộ”.
Theo chị, những năm trở lại đây, vì tình hình kinh tế khó khăn nên lượng khách mua đất mộ ít hơn nhiều so với trước. Họ không đầu tư tiền để giữ đất như trước đây, mà chỉ những ai thực sự cần ngay mới liên hệ.
Khách lên thăm đất như thăm nhà
“Bà T. ở Thái Bình nhiều lần liên hệ với mình muốn lên mua mảnh đất ở trên này phòng khi về già. Thế nhưng con cái kiên quyết không cho vì gia đình bà khá giàu, ở quê rất nhiều đất. Con bà cũng muốn sau này bố mẹ già yếu, mất đi thì đưa về quê hương cho gần tổ tiên. Thế nhưng, bà T. nhất nhất không nghe. Bố mẹ và các con xảy ra mâu thuẫn. Thấy vậy, mình động viên bà cứ thư thư về nhà tính toán, việc gì cũng phải có sự đồng thuận của gia đình”, chị Nhung kể.
Dù làm nghề, mong muốn được kí những bản hợp đồng lớn nhưng chị Nhung không vì thế mà vượt qua nguyên tắc của bản thân, cố mời chào khách. Chị luôn mong muốn người mua phải thực sự thoải mái trước khi đặt cọc tiền.
Công viên nghĩa trang nơi chị Nhung làm việc không khí khá tấp nập, thợ xây, những người trông coi có mặt cả ngày. Khách đến đây sẽ không có cảm giác u ám. Vậy nên, một vị khách ở Thái Nguyên từng mua đất của chị Nhung mỗi tháng lại đi xe máy lên “thăm đất” và thắp hương cho nghĩa trang một lần.
Có cụ bà 90 tuổi sống cách nghĩa trang 6km, cứ vài ngày lại bắt con chở lên để xem tiến độ xây dựng khu khuôn viên mộ của cả dòng họ và của mình. Đó là những chuyện không hiếm xảy ra ở khu nghĩa trang vốn được cho là đẹp nhất nhì ở Thái Nguyên.
“Con cái lên thăm đất rồi mua trước cho bố mẹ là chuyện thường tình ở đây. Nhiều người kiêng kị nhưng có người lại quan niệm, chuẩn bị sẵn sẽ được mảnh đất tốt, hướng đẹp nên không ngại xuống tiền”, chị Nhung cho biết.
Lại có trường hợp cả nhà đồng thuận mua xong xuôi, nhưng vài tháng sau bố mẹ lên thăm thì biết con đã bán đất. Hỏi ra mới biết, con vì thiếu tiền nên vội bán. Cũng có người vì đã mua được mảnh ở nơi khác hoặc thay đổi ý định nên muốn sang tên.
Như bao công việc khác, nghề “cò” đất mộ cũng có sự cạnh tranh. Nhưng theo chị Nhung, đó là sự “cạnh tranh lành mạnh”. “Người nào làm được nghề này phải có duyên, có niềm yêu thích, nếu không cũng chỉ vài ngày là chán. Mình theo nghề được nhiều năm bởi mình có niềm tin rằng bản thân đang mang lại điều gì đó rất ý nghĩa cho khách hàng. Tìm cho tổ tiên, ông bà của khách được những ‘ngôi nhà’ tốt thì khách vui mà mình cũng cảm thấy an yên”, chị Nhung chia sẻ.
Chính vì vậy, trải qua thời gian làm nghề, chị Nhung đặt ra phương châm công việc: "Mình không tìm khách mà để khách tìm mình. Việc tư vấn, gọi điện chào mời mua đất mộ là việc rất khó, gây phản cảm. Khi mình chia sẻ những hình ảnh, câu chuyện về công viên nơi mình làm việc, khách thực sự có nhu cầu sẽ tự tìm đến”.