“Tôi nhớ có lần xuống bản, người dân quý mến cán bộ thông tin cơ sở đã mang cho cả thịt gác bếp, hay có lần một bà cụ mang cả túi khế cho tôi. Đó là sự động viên rất lớn,” chị Ma Lệ Thủy chia sẻ.
Lời tòa soạn: Thông tin cơ sở là lực lượng truyền thông đặc biệt. Đây là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. VietNamNet xin gửi tới độc giả tuyến bài viết về công việc của những người làm công tác thông tin cơ sở.
Sau 3 năm làm trong lĩnh vực thông tin cơ sở, chị Ma Lệ Thủy, công chức văn hóa xã hội của thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, đã đúc rút rằng, công việc này tuy vất vả, nhưng nếu mỗi cán bộ thông tin cơ sở nhiệt tình, hết lòng với bà con, thì luôn nhận được sự yêu mến và sẽ đạt được hiệu quả công việc.
Mỗi tháng, chị Thủy dành 5-7 ngày xuống thôn bản để thu thập tin tức, gặp gỡ và tuyên truyền cho bà con về xóa đói giảm nghèo, chính sách cải cách hành chính, quản lý đất đai… Có những thôn bản chỉ có thể đi bằng xe máy đến nhà văn hóa thôn, sau đó đi bộ xuống từng hộ gia đình trong thôn để tuyên truyền trực tiếp. Sau mỗi chuyến đi đó, các hoạt động ở thôn bản cũng được phản ánh trên hệ thống loa truyền thanh và cổng thông tin điện tử của thị trấn. Đây là kênh thông tin hai chiều giữa chính quyền và người dân.
Hàng tháng, các ngành của Ủy ban thị trấn gửi thông tin, sau đó nội dung này được biên tập và thẩm định lại rồi phát cho bà con ở các thôn bản. Đài thị trấn hàng ngày vẫn tiếp sóng của đài huyện, còn những nội dung cấp bách như phòng chống lụt bão, thiên tai thì đài thị trấn sẽ chủ động làm chương trình phát cho các thôn bản. Các chương trình cũng được đọc bằng nhiều thứ tiếng để tiếp cận đến nhiều bà con dân tộc khác nhau được tốt hơn.
Chị Ma Lệ Thuỷ đang tiến hành một chương trình phát thanh. Video: TK
Trong năm 2024, đài thị trấn đã thực hiện đăng tải 80 tin, bài lên trang thông tin điện tử của thị trấn với các nội dung: nhiệm vụ an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, sức khỏe, cải cách hành chính, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao trên địa bàn. Bên cạnh đó, chị Thủy còn tham gia tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô, xe máy có gắn loa cho các công việc, vụ việc đột xuất như phòng chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn...
Đài thị trấn cũng đã tổ chức, tham gia hưởng ứng các hoạt động tuyên truyền pháp luật, quảng bá hình ảnh địa phương như: tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các chợ phiên, hội thi tìm hiểu kiến thức bảo vệ và chăm sóc trẻ em, quảng bá sản phẩm phát triển du lịch địa phương, tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Đài thị trấn Vinh Quang đã tạo được niềm tin cho bà con người đồng bào dân tộc vùng cao. Video: TK
Chị Thủy cho biết, đài thị trấn cũng đã tham gia tuyên truyền cải cách hành chính, hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNEID, đăng ký và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên các cổng dịch vụ công Quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an và cổng dịch vụ công thành phố; “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn từng người dân về thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán, tiếp thị trên sàn thương mại điện tử, sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản, và sử dụng nền tảng số Việt Nam do địa phương lựa chọn để phổ cập kỹ năng số cộng đồng.
“Thị trấn còn nhiều hộ gia đình nghèo không có smartphone và tivi, thậm chí có những thôn như Pố Lũng, Quang Tiến, tỷ lệ hộ nghèo khá cao tới 65% vì vậy kênh thông tin cơ sở là kênh tiếp cận trực tiếp đúng đối tượng. Kênh thông tin cơ sở qua hệ thống loa truyền thanh hàng ngày đưa thông tin chỉ đạo của chính quyền đến với người dân, phổ biến chính sách, đồng thời cũng phản ánh những hoạt động của bà con ở các thôn bản… Qua hệ thống loa này, chúng tôi đã đem đến cho bà con người đồng bào dân tộc những thông tin hữu ích như kỹ thuật chăm sóc cây, con giống phát triển nông nghiệp, phòng chống bệnh tật, phòng chống thiên tai… bằng nhiều thứ tiếng. Chúng tôi cũng đã phản ánh kịp thời những cách làm hay, các mô hình chăn nuôi trồng trọt ở các thôn bản để bà con cùng học tập, từ đó xóa đói giảm nghèo. Những chương trình của đài thị trấn đã tạo được niềm tin cho bà con dân tộc vùng cao và gắn kết tâm tình giữa bà con và những người làm công tác thông tin cơ sở như chúng tôi,” chị Thủy nói.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Thủy kể rằng: “Tôi nhớ có lần một bác người đồng bào dân tộc mang đến tận nơi cho chúng tôi túi khế, hay mỗi lần xuống bản, bà con lại mang thịt gác bếp đến tặng. Món quà mộc mạc của bà con như vậy là nguồn động viên cho những người làm thông tin cơ sở như chúng tôi. Tôi rất vui khi nhiệm vụ của mình được người dân tin tưởng và quý mến, đó là một sự động viên mà không phải ai cũng có được.”
Hiện đài thị trấn Vinh Quang có 17 điểm tiếp sóng FM nhưng chưa được đầu tư hệ thống loa thông minh. Hàng ngày, chị Thủy vẫn đọc các bản tin và ghi âm bằng điện thoại, sau đó phát lại qua hệ thống truyền thanh FM. Hệ thống FM này cũng đã được đầu tư lâu và bị ảnh hưởng bởi mưa bão nên chất lượng không đảm bảo. Thậm chí, hiện vẫn còn 2 thôn mà hệ thống loa thông tin bị hỏng và chưa được đầu tư sửa chữa.
Chị Thủy chia sẻ rằng, thị trấn mong muốn được đầu tư hệ thống loa thông minh để có thể truyền thông hiệu quả hơn những chỉ đạo của chính quyền và chủ trương chính sách đến với người dân với chất lượng tốt hơn.