Từ câu chuyện làng

Cũng như nhiều dịp lễ, tết khác, dịp nghỉ lễ 2- 9 vừa qua làng tôi lại có một người đàn ông là người con của làng, người mà dân làng vẫn thường cho rằng: ông được học cao, hiểu rộng, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều… về thăm quê. Giống như mọi khi, ông lại đi nhà nọ nhà kia nói chuyện đạo đức. Trước kia mỗi lần ông về quê là người làng đều mong ông ghé thăm, mong được gặp ông để “giải quyết khâu oai” nhưng giờ đây, mọi việc dường như đã có nhiều thay đổi. Người dân làng tôi đã nhìn nhận sự việc thực chất hơn. Ông bảo là viết được bao nhiêu bài báo nhưng thực tế chẳng mấy ai biết ông đã viết bài báo nào; ông nói ông có bằng nọ bằng kia nhưng thực tế chẳng thấy ông làm được gì.

Ở đây hoàn toàn không phải chuyện cứ mang tiền về công đức mới là đóng góp cho quê hương, cho đời; chưa hẳn là cứ bằng nọ, bằng kia mới là đóng góp cho quê hương mà là chuyện trung thực, hình thức màu mè.

Quê tôi có một ông giáo già đúng chất thầy đồ ngày xưa: tốt bụng, liêm khiết, công minh, chính trực… Dù ông không giàu có, không công đức cho làng tiền triệu, tiền tỉ nhưng cách sống của ông đã mang lại giá trị rất nhiều. Ở làng có công to việc lớn từ tập thể hoặc cá nhân thường xin ý kiến ông. Đám cưới, đám hiếu ông thường được mọi người gửi gắm phát biểu…

Từ chuyện của người được gọi là thành đạt của quê tôi ở trên, tôi chợt liên tưởng đến chuyện ồn ào về những luận án hay danh xưng Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS) vẫn thường xuyên xuất hiện trên báo chí hay mạng xã hội. Chẳng hạn như thời điểm này thì dư luận dậy sóng với những đề tài TS: Hành vi Nịnh trong Tiếng Việt; hay "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" mà nhiều người vẫn gọi ngắn gọn là TS Nịnh, TS Cầu lông…

Để có được “học hàm, học vị thật” thì phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Học vị là văn bằng xác nhận đã hoàn thành chương trình học do một cơ sở giáo dục hợp pháp trong nước cấp. Trong học vị có các chức dannh được phân loại từ thấp đến cao như sau: Cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, TS.

Học hàm dùng để chỉ các danh hiệu trong hệ thống giáo dục và đào tạo được một tổ chức có quyền hạn nào đó phong cho một người làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu.

Các danh hiệu này xác định trình độ chuyên môn cao của những nhà giáo và nhà khoa học. Có hai danh hiệu chính là GS và Phó giáo sư (PGS). Hiện nay ở Việt Nam, GS là tên gọi một chức danh khoa học dành cho các cán bộ giảng dạy cao cấp ở các bộ môn thuộc trường đại học hoặc viện nghiên cứu, được Nhà nước phong tặng vì đáp ứng đủ các tiêu chí do luật định trong các hoạt động thuộc lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. PGS là một chức danh khoa học giành cho người người nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học, sau đại học nhưng thấp hơn GS.

Tôi có người bạn được học bổng làm nghiên cứu sinh TS ở bên Pháp. Có một dạo chúng tôi không làm sao mà liên lạc được với bạn, tôi rất lo lắng, không hiểu nguyên nhân vì sao? Sau mấy tháng mất liên lạc, cuối cùng chúng tôi đã kết nối lại được với bạn. Hỏi nguyên nhân vì sao mà vừa rồi không thấy xuất hiện trên mạng xã hội, gọi điện nhắn tin, email không trả lời.., bạn cho biết đang giai đoạn gấp rút để hoàn thành luận án. Nếu không tập trung để hoàn thành thì nếu có người khác họ hoàn thành luận án trước mình thì coi như công việc của mình đổ bể, sẽ buộc phải làm lại từ đầu. Nếu làm tiếp thì phải bỏ kinh phí ra, nhà nước không hỗ trợ nữa. Thậm chỉ là trục xuất về nước mà không bảo vệ được luận án,

Suốt ngày phải ở trên phòng thí nghiệm, nghiên cứu học hành, giai đoạn này phải gọi là kinh khủng đối với các nghiên cứu sinh. Người bạn này chia sẻ: ở Pháp thì khi học phổ thông học sinh thường phải học rất nhẹ nhàng, nhưng khi học chuyên nghiệp như học đại học hoặc sau đại học thì phải học vô cùng nghiêm túc, “học chết thôi” luôn. Nghiên cứu sinh là vậy, vị GS hướng dẫn thì cường độ làm việc còn kinh khủng hơn nhiều. Buổi sáng khi nghiên cứu sinh chưa đến thì GS hướng dẫn đã có mặt ở phòng thí nghiệm, buổi chiều khi nghiên cứu sinh đã về thì GS hướng dẫn vẫn còn làm việc.

Để đề tài thành công thì các nghiên cứu sinh ở Pháp phải vất vả như thế, hoàn toàn không có chuyện vừa làm TS lại vừa đi làm kiểu như học tại chức ở Việt Nam hay cứ đóng tiền rồi thỉnh thoảng gặp thầy là có được bằng TS. Hoặc làm gì có chuyện giống như những trường hợp có người Việt Nam ghi danh ở một trường đại học nào đó ở nước ngoài mà tra cứu cũng không thấy trường đó ở đâu, rồi mấy tháng sau nghiễm nhiên có bằng TS nước ngoài, rất oách. Bởi vậy bằng TS của họ vô cùng giá trị, có những luận án có giá trị khoa học và thực tiễn rất lớn là hiển nhiên. Người bạn tôi sau khi bảo vệ thành công luận án TS ở một trường đại học danh giá của nước Pháp đã chọn về nước cống hiến. Với giá trị bằng cấp thực của mình thì hiện bạn là Trường một khoa quan trọng của một trường đại học, tương lai vô cùng xán lạn.

Làm cách nào để giảm bớt những TS Cầu lông, TS Nịnh…

Ở Việt Nam chúng ta thì khi giới thiệu ai đó có học hàm, học vị chúng ta thường giới thiệu chung chung kiểu: TS Nguyễn Văn A; GS Nguyễn Văn B… Song với kiểu giới thiệu này thì vô tình đã ngầm định rằng đã là GS, TS thì sẽ là những ngời “biết tuốt” – “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý“ nhưng thực tế đâu phải thế. GS, TS đúng là người “có thể” có trình độ thật nhưng chỉ ở lĩnh vực chuyên môn hẹp, không thể cái gì cũng biết được. Ngoài ra với kiểu giới thiệu này thì GS của Harvard cũng giống như GS của một trường bất kỳ.

Ngược lại thì khi đọc báo chí nước ngoài tôi nhận thấy là họ đã gắn học hàm, học vị (nếu có) với cá nhân khi được giới thiệu. Chẳng hạn: ngài A, TS của trường đại học B, Chuyên ngành C, Luận án TS được bảo vệ thành công vào năm.. Khi gắn học hàm, học vị cụ thể (nếu có) đối với mỗi chủ nhân thì nhìn vào đó chúng ta có thể biết họ là ai, trình độ thế nào… Về phía chủ thể thì khi nhìn vào bản giới thiệu này tự chủ nhân của học hàm, học vị này sẽ cố gắng phấn đấu để xứng đáng với bằng cấp của mình được cấp, xứng đáng với danh tiếng của nơi cấp bằng cho mình.

Để giảm bớt những những lùm xùm không đáng có về những danh xưng liên quan đến học hàm, học vị thì có thể chỉ nên cấp học vị TS, học hàm GS cho những người đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Một biện pháp đơn giản hơn là: gắn học hàm, học vị (nếu có) với mỗi cá nhân.

Cần phải sớm đặt học hàm, học vị về đúng vị trí bằng cách gắn học hàm, học vị một cách cụ thể (nếu có) với cá nhân. "TS Nịnh” ư? Không sao, hãy gắn tên của vị chủ nhân bằng TS này với chủ nhân của nó.

Việc này đơn giản nhưng lại có rất nhiều tác dụng. Chẳng hạn lúc đó khi thấy tên Nguyễn Văn A, TS Cầu lông hay TS Nịnh; tác dụng của đề tài TS này… trong danh sách ứng cử vào Hội đồng nhân dân hay Quốc hội thì chắc sẽ khó có người nào bầu cho những người này. Đây mới chỉ là một ví dụ về tác dụng nho nhỏ của viêc gắn học hàm, học vị (nếu có) với cá nhân.

Độc giả Anh Phạm

Mời bạn đọc phản ánh những sự việc bất cập, những vấn đề hằng ngày trong cuộc sống có tính thời sự, được nhiều người quan tâm đến email [email protected]. Trân trọng cảm ơn!