Xe số tự động với ưu thế về cách vận hành đơn giản ngày càng được ưa chuộng, nhưng việc lược bỏ nhiều thao tác điều khiển cũng dễ dẫn tới những sai lầm gây nguy hiểm.
Nhờ kết hợp các bộ phận như côn, ga và số lại với nhau, người lái xe số tự động chỉ cần chú trọng đến chân ga và chân phanh, không phải vất vả sang số hay lo xe chết máy giữa chừng, nhờ đó cảm thấy thoải mái hơn dù phải di chuyển trong điều kiện giao thông đông đúc. Tuy nhiên, lợi thế này đôi khi lại khiến người sử dụng tỏ ra chủ quan, phụ thuộc vào công nghệ dẫn đến một số sai sót gây nguy hiểm cho người lẫn xe.
Thói quen dùng cả hai chân
Chắc hẳn ai đã từng tìm hiểu luật giao thông đường bộ đều biết đến câu hỏi “Khi điều khiển xe số tự động, người lái xe sử dụng chân như thế nào cho đúng?”, và đáp án chính là “Không sử dụng chân trái, chân phải điều khiển cả bàn đạp phanh và bàn đạp ga”. Nhưng trong thời gian gần đây, không ít vụ “xe điên” gây tai nạn hàng loạt do đạp nhầm chân ga lại xuất phát từ nguyên nhân dùng 2 chân để điều khiển xe, một chân ga một chân phanh. Trên thực tế, nhiều tài xế còn cho rằng phương pháp này thuận tiện hơn bởi không cần để chân nào thừa thải.
Lái xe số tự động, chân phải sẽ thực hiện cả hai thao tác đạp phanh lẫn ga |
Thế nhưng, đây là một thói quen sai lầm cần phải loại bỏ ngay nếu không sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Ở xe số tự động, chân ga và phanh được bố trí thẳng với hướng chân phải đưa ra, vừa đúng tư thế ngồi chắc chắn nhất. Việc người lái cố đưa chân trái sang bàn đạp phanh khiến phía chân này luôn trong vị trí tréo ngoe, làm tư thế ngồi không thoải mái, trong trường hợp cần phanh gấp thì lực đạp sẽ không đủ. Còn chân phải chỉ ở vị trí chân ga trong thời gian dài, một khi gặp tình huống bất ngờ phải phanh thì chân ga không nhả kịp, làm tác dụng phanh giảm đi rất nhiều, và xe vẫn lao tới dù người lái có đạp phanh đi chăng nữa, đó là lý do khiến chiếc xe bị mất kiểm soát.
Để chân chờ ở bàn đạp ga
Do tích hợp các thao tác vào cùng một chân, nên đa phần những sai lầm khi sử dụng xe số tự động đều thuộc về hành vi sử dụng chân, mà ở đây là trường hợp không thực hiện đúng nguyên tắc “không ga thì phanh”, lười hoặc quên chuyển sang chân phanh mà vẫn chờ để trên bàn đạp ga. Đúng ra nếu không đạp ga, người lái phải chuyển ngay mũi chân sang phía bàn đạp phanh. Nếu cứ để chờ ở chân ga, khi gặp tình huống nguy hiểm, theo phản xạ tài xế sẽ đạp chân ngay, nhưng xe không dừng lại mà còn bất ngờ lao về phía trước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ “xe điên” hiện nay.
Tuân thủ nguyên tắc “không ga thì phanh”, chuyển sang chân phanh ngay khi hết đạp ga |
Không sử dụng chế độ số thể thao
Dù xe số tự động, nhưng vẫn có chế độ số thể thao, số tay hay số bán tự động, thường được ký hiệu “+,-” hoặc “M1, M2, L1, L2”… ngay trên cần số. Ở một số dòng xe còn tiện ích hơn khi tích hợp lẫy chuyển số bằng tay trên vô lăng. Khi cần số ở chế độ này, xe không tự lên số theo tốc độ mà người lái sẽ tự chuyển số theo mục đích. Một khi nắm vững tính năng của từng chế độ, người lái có thể tự cài đặt số hợp lý cho từng đoạn đường, nhờ đó không chỉ giảm thiểu hao mòn mà còn ngăn ngừa nguy cơ tai nạn.
Số D+ và D- hỗ trợ xe di chuyển lên, xuống dốc an toàn |
Cụ thể, ứng dụng chế độ số thể thao có ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn khi đi đường dốc hay đổ đèo. Khi leo dốc, xe có thể tự sang số để đảm bảo đủ sức kéo và tốc độ. Nhưng khi xuống dốc, xe lao nhanh theo quán tính, hộp số sẽ lên số cao kéo theo không còn khả năng hãm theo kiểu phanh động cơ. Trong trường hợp này, tài xế cần phải chủ động về số tay 1, 2… sao cho thích hợp với độ nghiêng và chiều dài con dốc để đảm bảo tốc độ an toàn. Nếu không sử dụng số tay, tài xế buộc phải đạp phanh để hãm tốc, nhưng phương án này không cho hiệu quả tối ưu, ngược lại để phanh làm việc trong tình trạng khắc nghiệt liên tục dễ làm cháy phanh, hoặc mất tác dụng hệ thống thủy lực.
Nhiều tài xế có thói quen về số N khi đổ dốc |
Bên cạnh đó, nhiều tài xế còn có thói quen về số N khi xe đổ dốc để xe chạy theo quán tính nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm, bởi xe số tự động hiện nay đều có khả năng tự ngắt cung cấp nhiên liệu cho động cơ khi xe xuống dốc, nếu về số N sẽ vô tình khởi động hệ thống trở lại, đôi khi còn tốn kém hơn. Chưa kể, để xe trôi dốc theo quán tính vô cùng nguy hiểm, người lái phải đạp phanh thường xuyên gây nóng phanh hoặc nhanh hỏng hóc, đồng thời khó phản ứng kịp khi gặp chướng ngại vật bất ngờ.