UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP về việc đưa dự án tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương.
Dự án này được phê duyệt từ năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2015 với tổng vốn đầu tư đề xuất ban đầu là 19.555 tỉ đồng. Tuy nhiên gần đây, UBND TP báo cáo Thủ tướng xin phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 35.678 tỉ đồng, tăng 16.123 tỉ đồng (82%) so với ban đầu, đồng thời kéo dài thời hạn hoàn thành đến năm 2027.
Theo tờ trình, dự án được thực hiện chủ yếu từ năm 2021-2025; trong đó, vốn ODA tương đương 30.572 tỉ đồng (chiếm 85,6%), vốn đối ứng ngân sách TP là 5.107 tỉ đồng. Giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội tiếp tục giải ngân các dự án đang triển khai có phần vốn ODA với tổng giá trị dự kiến là 38.077 tỉ đồng. Nếu tính phần vốn ODA tăng thêm của dự án này là 14.087 tỉ đồng, mức vay nợ của TP Hà Nội vào năm 2021 dự kiến là 66.207 tỉ đồng, vẫn nhỏ hơn hạn mức TP có thể huy động tối đa.
Khu vực TP Hà Nội dự kiến đặt ga ngầm C9 nằm ở vị trí đắc địa, rất gần hồ Gươm. |
TP Hà Nội cũng cho rằng việc sử dụng ODA và vay ưu đãi để đầu tư là phù hợp do nguồn vốn này có thời gian ân hạn 10 năm, thời gian hoàn trả 30 năm, lãi suất vốn vay thấp hơn (0,1-0,2% mỗi năm) so với huy động từ trái phiếu (khoảng 7%-10%).
Còn theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), kế hoạch trước đây dự án sẽ hoàn thành vào năm 2015. Tổng mức đầu tư được UBND TP Hà Nội phê duyệt lần đầu là 19.555 tỉ đồng. Đây là cơ sở để Chính phủ và Nhật Bản ký hiệp định vay vốn cho dự án này. So với ban đầu, tổng chi phí đầu tư điều chỉnh tương đương 143 triệu USD/km. So sánh mức chi phí này với một số dự án tàu điện ngầm khác ở châu Á, Bộ KH-ĐT cho biết dự án MRT Jakarta giai đoạn 1 của Indonesia (năm 2014) có chi phí trung bình là 165,6 triệu USD/km; dự án của Malaysia (năm 2011) chi phí đầu tư trung bình là 125 triệu USD/km; dự án Hangzhou 1 của Trung Quốc (năm 2007) trung bình là 73 triệu USD/km. Nguyên nhân do thay đổi quy mô đầu tư (tăng 1.801 tỉ đồng); tỉ giá tăng quy đổi (2.235 tỉ đồng); giá nguyên liệu, vật tư, nhân công, thiết bị, trượt giá (tăng 6.762 tỉ đồng); thay đổi chế độ chính sách - chi phí quản lý (tăng 5.323 tỉ đồng).
Dự án này thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học với việc ga ngầm C9 được đề xuất xây dựng ven hồ Hoàn Kiếm (đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần diện tích vườn hoa cây xanh Bờ Hồ). Mới đây nhất, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có văn bản tiếp tục khẳng định trong 10 năm, từ năm 2008-2018, bộ đã nhiều lần có văn bản góp ý. Tất cả văn bản thể hiện quan điểm xuyên suốt và không thay đổi, đó là không đồng tình việc vị trí đặt nhà ga C9 ở khu vực hồ Gươm vì xâm phạm khu vực bảo vệ lõi và các yếu tố cấu thành lịch sử, danh lam thắng cảnh quanh hồ này.
(Theo Người lao động)