Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

Đầu tháng 12, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng mạnh dành cho khách hàng cá nhân để hút tiền gửi, đồng thời áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, tặng quà. Mức tăng lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng từ 0,1 đến gần 1 điểm %/năm.

Theo biểu lãi suất áp dụng từ 1/12 của GPBank, lãi suất tiết kiệm của nhà băng này sẽ tăng 0,5 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại GPBank là 6,5%/năm, cho kỳ hạn 13 tháng.

Từ tháng 12, Eximbank cũng tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1-0,3 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Theo đó, lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 5 tháng tăng lên 3,8%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,6%/năm; kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,7%/năm,...

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn từ tháng 12. Với kỳ hạn từ 3-5 tháng, lãi suất huy động tăng 0,1 điểm %, lên mức 3,5%/năm. Kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng tăng đồng thời 0,1 điểm % và cùng niêm yết với mức 5,4%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi đã tăng 0,2 điểm %, lên mức 6%/năm.

{keywords}
Một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

Không chỉ tăng lãi suất huy động tại quầy, để khuyến khích người dân gửi tiết kiệm trực tuyến (online) trong mùa dịch, nhiều nhà băng tung chương trình ưu đãi nhận quà và cộng thêm lãi suất khi gửi tiết kiệm online.

Kienlongbank vừa tăng lãi suất huy động từ 0,16-0,26 điểm % với một số kỳ hạn với khách gửi tiết kiệm online, như gửi kỳ hạn 9 tháng được hưởng lãi suất 5,96%/năm, tăng thêm 0,26 điểm %/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,16 điểm %/năm, lên 6,76%/năm so với trước đó.

Tương tự, VPBank cũng tăng lãi suất gửi tiết kiệm online ở một số kỳ hạn tới 0,4-0,8 điểm%/năm. Khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng theo phương thức online, số tiền gửi từ 50 triệu trở lên, khách hàng được hưởng lãi suất tới kịch quy định cho phép là 4%/năm, cao hơn so với mức 3,2%/năm trước đó.

Trước đó, vào đầu tháng 11, một số ngân hàng cũng tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi là hoàn toàn hợp lý, bởi lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp nhất nhiều năm qua khiến nhiều người dân rút tiền ra khỏi ngân hàng đổ vào bất động sản, chứng khoán.

Dịp cuối năm, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tăng lên. Vì thế, lãi suất tiền gửi cũng tăng để thu hút người dân gửi tiền. Nếu ngân hàng có lượng tiền gửi thấp sẽ không đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác của ngân hàng.

Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lãi suất tiết kiệm vừa qua giảm mạnh khiến tốc độ tăng trưởng huy động thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng cho vay, vì thế các ngân hàng không thể giảm thêm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng nào có lãi suất cao nhất?

Theo biểu lãi suất tại hơn 30 ngân hàng vào ngày 6/12, mức lãi suất cao nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay là 7,1%/năm, thuộc về ngân hàng Techcombank. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần có 999 tỷ đồng trở lên và gửi 12 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ.

{keywords}
Gửi tiền vào ngân hàng nào nhận lãi suất cao nhất hiện nay?

Đứng ở vị trí thứ hai là ACB và Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB) với cùng mức lãi suất 7%/năm. Trong đó, ACB chỉ dành mức lãi suất này cho khách hàng gửi số tiền từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn là 12 tháng và 13 tháng. Còn VRB áp dụng mức lãi suất này cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, không đưa ra điều kiện về số lượng tiền gửi.

Xếp ở vị trí thứ ba là ngân hàng MSB với lãi suất là 6,99%/năm,  áp dụng cho những khách hàng sở hữu khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng.

Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất hấp dẫn, như: LienVietPostBank (6,9%/năm), MBBank (6,9%/năm), SCB (6,8%/năm), BacABank (6,7%/năm)...

Ở từng kỳ hạn, lãi suất huy động giữa các ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn.

Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại quầy dao động từ 2,5-4%, GPBank là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất tại kỳ hạn này. Ở kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 3,2-4%, cao nhất tại kỳ hạn này vẫn là GPBank. Với kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy dao động từ 4-6,25%. CBBank là ngân hàng có mức lãi suất huy động tại quầy cao nhất ở hai kỳ hạn này.

Với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy là 4,85-6,8%, đứng đầu là ngân hàng SCB.

Tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động tại quầy quanh mức 5,1-6,6%. Bắc Á Bank, CBBank và Kiên Long Bank là 3 ngân hàng cùng giữ mức lãi suất cao nhất tại kỳ hạn này. Đối với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 5,5-6,8%, SCB là ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở kỳ hạn này.

Với các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5,1-7%. VRB ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở các kỳ hạn này.

Lãi suất gửi tiết kiệm online đang cao hơn khá nhiều mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy. Mức lãi suất mà các ngân hàng cộng thêm cho hình thức gửi online phổ biến là 0,1-0,3 điểm %/năm nhưng cũng có nhà băng cộng thêm tới 0,5-0,6 điểm %/năm.

Anh Tuấn

Người dân gửi gần 5,3 triệu tỷ đồng tiết kiệm

Người dân gửi gần 5,3 triệu tỷ đồng tiết kiệm

Tính đến cuối tháng 9, số tiền dân cư gửi vào các tổ chức tín dụng là gần 5,3 triệu tỷ đồng.