Lãi suất ngân hàng hiện đang tăng cao, gửi tiết kiệm trở thành một trong những kênh đầu tư hiệu quả, vậy người dân nên gửi ngân hàng nào để được hưởng lãi suất cao nhất hiện nay?
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước quyết liệt chỉ đạo chỉ đạo giảm lãi suất cho vay và ổn định lãi suất huy động nhưng kể từ đầu năm 2017 tới nay, lãi suất tiết kiệm VNĐ liên tục tăng.
Trong 2 tháng liền, ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) đứng đầu danh sách ngân hàng huy động tiền gửi VNĐ với lãi suất cao nhất, với mức cao nhất 8,4%/năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức lãi suất tiết kiệm kỷ lục trong những tháng đầu năm 2017.
Từ đầu tháng 6, một chi nhánh CB trên phố Đường Thành (Hoàn Kiếm - Hà Nội) trưng biển lãi suất lên tới 8,5%/năm. Đây là mức lãi suất cao kỷ lục trong năm 2017 (tính tới thời điểm này) và cũng là mức lãi cao nhất trong hệ thống ngân hàng.
Lãi suất tăng cao, gửi ngân hàng nào lời nhất? |
Dù vậy, không phải cả hệ thống CB đều áp dụng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỷ lục này một cách liên tục. Tại một số phòng giao dịch khác của CB như Bà Triệu, hồi đầu tháng 6, mức lãi cao nhất đã giảm từ 8.4%/năm xuống 8,2%/năm. Tuy nhiên, tới cuối tháng 6, chi nhánh này lại nâng lãi huy động lên 8,5%/năm.
Tuy nhiên, trên website của ngân hàng này, biểu lãi suất áp dụng từ 5/4 cao nhất là 8,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Nhưng để nhận được mức ưu đãi này, khách hàng phải đảm bảo được số tiền gửi mà CB quy định. Trên website, CB không công bố rõ thông tin này.
Tương tự, ngân hàng thương mại cổ phần Bảo Việt công bố mức lãi suất cao nhất trên website của ngân hàng ở mức 7,6%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng và 36 tháng. Tuy nhiên, tại nhiều phòng giao dịch, mức "trần" lãi suất tiền gửi mà khách hàng nhận được lên tới 8,2%/năm. Sau thời gian dài áp dụng chính sách lãi suất thấp, Bảo Việt đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất Việt Nam.
Cùng đứng ở vị trí thứ 2 với ngân hàng Bảo Việt là ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank). Kể từ ngày 17/5, Viet Capital Bank niêm yết biểu lãi suất mới, mức cao nhất tại ngân hàng này là 8,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng.
Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng "đồng hạng" với Bảo Việt và Viet Capital Bank. Tuy nhiên, cách tính lãi tại Eximbank lại khác hơn. Trong biểu niêm yết, lãi cao nhất tại ngân hàng này chỉ là 8%/năm ở 2 kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Nhưng nếu gửi theo hình thức online, khách hàng sẽ được nhận thêm 0,2% lãi suất. Như vậy, mức "trần" lãi suất tiền gửi VNĐ tại Eximbank cũng là 8,2%/năm.
Trong khi đó, ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) kiên trì với chính sách lãi suất cao. Từ đầu năm nay, ngân hàng này thường xuyên nằm trong Top 3 các ngân hàng có lãi suất cao nhất Việt Nam. Hiện tại, VPBank vẫn duy trì trong Top 3 với mức lãi suất cao nhất là 8,1%/năm.
Đứng ngay sau VPBank là ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank). Kể từ ngày 25/5, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Ngoài ra, nhiều kỳ hạn khác của ngân hàng này cũng có lãi suất rất cao như 7,8%/năm (15 tháng, 18 tháng và 36 tháng), 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 7,6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Hơn một năm trước đây, ngân hàng Quốc Dân (NCB) thường xuyên nằm trong danh sách các ngân hàng có lãi suất cao nhất. Còn hiện tại, NCB đang rơi xuống Top 4 khi mức cao nhất tại NCB áp dụng là 8%/năm với kỳ hạn 24 tháng.
PVcom Bank cũng áp dụng chính sách lãi suất cao. Tại nhiều phòng giao dịch, PVcom Bank treo biển lãi suất cao nhất 8%/năm. Trên website của mình, Pvcombank vẫn niêm yết mức lãi suất cao nhất chỉ là 7,7%/năm áp dụng cho 4 kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng.
Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng tham gia "cuộc đua lãi suất" khi mức cao nhất tại VietBank là 7,9%/năm áp dụng cho 2 kỳ hạn 13 tháng và 36 tháng. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể được hưởng mức "trần" nếu gửi tiết kiệm 13 tháng. VietBank quy định, số tiền khách gửi vào phải từ 500 tỷ đồng trở lên.
Nhiều ngân hàng cổ phần cũng áp dụng chính sách lãi suất cao như SCB 7,75%), NamABank (7,6%/năm), OceanBank (7,5%/năm), MBB (7,5%), HDB (7,5%),
Thời gian vừa qua, các ngân hàng nhỏ ồ ạt vào "cuộc đua" lãi suất, những ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV vẫn đứng ngoài "cuộc đua". Thế nhưng, mới đây, lãi suất tại BIDV nhúc nhích nhẹ, tăng từ 6,9%/năm lên 7%/năm.
Có thể thấy, lãi suất ngân hàng đang nóng lên. Thế nhưng, trong báo cáo "Một số thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 5 tháng đầu năm 2017" công bố hồi đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước khẳng định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD diễn biến ổn định. Cầu vốn tín dụng và phát hành TPCP tiếp tục ở mức cao, tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn thấp tạo áp lực đến cầu vốn tín dụng, mặt bằng lãi suất của các TCTD có sức ép tăng.
NHNN đã tập trung điều hành các giải pháp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các TCTD ổn định lãi suất, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để giữ ổn định lãi suất huy động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Kết quả, mặt bằng lãi suất thị trường đạt được mục tiêu giữ ổn định, một số ngân hàng áp dụng chương trình cho vay đối với một số đối tượng khách hàng với lãi suất ưu đãi . Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
(Theo VTC News)