Một tuần thất vọng: Cổ phiếu Vingroup, HPG, ngân hàng suy giảm
Thị trường chứng khoán kết thúc tuần khá thất vọng với điểm số giảm và thanh khoản tiếp tục ở mức thấp cho dù giới đầu tư đón nhận nhiều thông tin tích cực. Trong tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp. Các cơ quan chức năng tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ nền kinh tế.
Trong lần giảm thứ 3 này, NHNN hạ lãi suất tái cấp vốn từ 5,5% xuống 5%/năm. Lãi suất qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm. Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5% xuống 5%/năm...
Bất chấp thông tin NHNN giảm lãi suất, chỉ số VN-Index giảm nhẹ trong tuần 22-26/5.
Chiều 24/5, NHNN cũng đã công bố thông tin yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện ngay quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Theo thông tư 02, các TCTD đánh giá các các khoản vay đối với tổ chức/cá nhân không có khả năng trả nợ gốc/lãi đến hạn do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với phương án vay và gia hạn thêm 12 tháng kể từ ngày đến hạn cũ. TCTD không phải điều chỉnh phân loại vào nhóm nợ rủi ro cao hơn. Thông tư có hiệu lực đến ngày 30/6/2024.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ...
Chốt tuần, chỉ số VN-Index giảm 0,3% về mức 1.063,8 điểm. Chỉ số Upcom-Index giảm 0,6% trong tuần qua về mức 80,6 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 1,8% lên mức 217,4 điểm.
Thanh khoản giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm 2,3% so với tuần trước, về mức 14.552 tỷ đồng/phiên.
Nhóm cổ phiếu blue-chips tác động tiêu cực tới thị trường. Nhiều mã giảm mạnh như: Vingroup VIC (giảm 1%), Hòa Phát (giảm 3,2%), Vinamilk (giảm 2,2%), PV GAS giảm 1,3%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng góp phần kéo thị trường chung đi xuống. Cổ phiếu Vietcombank (VCB) trong tuần giảm 2,3%; BIDV (BID) giảm 2,2%; VPBank (VPB) giảm 0,8%; Vietinbank (CTG) giảm 0,7%...
Một diễn biến cũng đáng chú ý là quyết định bán mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong tuần, khối ngoại bán ròng 2.371 tỷ đồng trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), trái ngược với mức mua ròng 785 tỷ đồng trong tuần trước. Trên sàn Hà Nội, khối ngoại mua ròng 36 tỷ đồng và bán ròng 31 tỷ đồng trên sàn UPCOM.
Nhóm cổ phiếu ngành điện bứt phá sau khi thông tin Quy hoạch điện VIII chính thức được ban hành. Trong tuần, cổ phiếu PGV tăng 9,6%; Cơ điện lạnh REE tăng 4,8%; Nhơn Trạch 2 (NT2) tăng 3,6%; và Bamboo Capital (BCG) tăng 7%.
Nhóm cổ phiếu đầu tư công cũng diễn biến tích cực như: CII (+15,0%), HHV (+8,7%) và VCG (+6,4%) nhờ những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về giải ngân đầu tư công.
Trong khi khối ngoại và tổ chức bán ra, các nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh mua vào trong tháng 5 thiếu vắng thông tin về doanh nghiệp nhưng có nhiều thông tin liên quan tới các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế.
Kỳ vọng tích cực về dài hạn
Đánh giá về động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập CTCP FIDT cho rằng, quyết định của NHNN, ngược với diễn biến trên thị trường tài chính thế giới, sẽ tích cực về dài hạn.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng kỳ vọng chính sách sẽ được đồng bộ với việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và mở các điều kiện tín dụng và kết hợp với việc NHNN tiếp tục mua USD, tăng cung VND ra thị trường 1.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán VNDirect tin tưởng, dòng tiền thông minh sẽ tìm đến thị trường chứng khoán trong tương lai không xa.
Theo ông Hinh, các nhà đầu tư không nên thất vọng vì diễn biến tiêu cực trong tuần 22-26/5. Theo đó, tác động của chính sách tiền tệ thường có độ trễ.
Về trung và dài hạn, việc lãi suất hạ nhiệt sẽ có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán. Lãi suất giảm giúp giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán, đồng thời làm giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp, từ đó cải thiện lợi nhuận (earnings) của thị trường.
Theo đó, xu hướng lãi suất và thu nhập thị trường vận động tích cực hơn sẽ tạo sức bật cho thị trường chứng khoán. Do vậy, mặc dù việc giảm lãi suất chưa tác động tích cực ngay lên diễn biến thị trường, nhà đầu tư cần nhìn nhận đây lại là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với mức giá hấp dẫn nhằm “đón đầu” giai đoạn phục hồi của thị trường trong thời gian tới.
Một số ngành có thể có sức mạnh trội hơn so với mặt bằng chung như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng) và năng lượng (điện, dầu khí).
Hiện, giới đầu tư cũng quan tâm tới những bất ổn trên thị trường thế giới và sự suy thoái ở một số khu vực.
Nền kinh tế lớn số 1 châu Âu - nước Đức trong tuần qua đã chính thức rơi vào suy thoái với 2 quý tăng trưởng âm liên tục. Kinh tế Đức bị ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc năng lượng (sau xung đột Nga-Ukraine) và cơn bão tài chính cũng như những thay đổi trong ngành công nghiệp ô tô.
Nước Mỹ cũng liên tục bị cảnh báo có thể rơi vào suy thoái khi mà sức cầu tiêu dùng giảm, lãi suất ở mức cao và hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng. Chính phủ Mỹ hiện đối mặt với khả năng hết tiền nếu không được duyệt nâng trần nợ công.
Sự suy giảm tiêu thụ tại nhiều nền kinh tế lớn được đánh giá có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam và sự suy giảm gần đây của đồng VND có thể khiến khiến dòng tiền ngoại thận trọng khi đổ vào thị trường chứng khoán.