Một ngày sau cuộc gặp Thủ tướng với DN, các ngân hàng (NH) đồng loạt giảm lãi suất cho vay với mức 0,5 - 1%.
Kết luận tại cuộc Hội nghị Thủ tướng với DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Trước mắt, ổn định, không tăng phí, lệ phí, không tăng thuế, không tăng lãi vay ngân hàng và nghiên cứu giảm lãi suất vay. Chính phủ thống nhất giảm 1% trong trung và dài hạn ở lĩnh vực ưu tiên. Phải làm việc này để hỗ trợ DN". Động thái trên của các NH là hỗ trợ trực tiếp sớm nhất đến với DN sau cam kết của Thủ tướng.
Đồng loạt giảm lãi suất
Cho đến sáng ngày 30/4, ngoài 4 NH nhà nước lớn thì đã có thêm hàng loạt NHCP nhỏ công bố giảm lãi suất. Lộ trình giảm lãi suất của NH có tín hiệu từ trước đó đã trở nên mạnh mẽ hơn sau những cam kết của Thủ tướng về hỗ trợ DN.
Hướng nguồn vốn vào sản xuất - xuất khẩu. |
Kể từ đầu tháng 4/2016, Agribank có chương trình cho vay ưu đãi lãi suất bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng xuất khẩu. Sau 20 ngày triển khai, Agribank đã cho vay gần 100 khách hàng, dư nợ gần 1.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay bình quân 4,7%/năm.
Từ sáng 29/4, BIDV đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 0,5%/năm, đồng thời, cam kết duy trì lãi suất không quá 10% trong dung và dài hạn. Lãi suất ưu đãi này dành cho khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Vietcombank công bố hạ lãi suất vay trung và dài hạn VND còn tối đa 10% trong một năm. VietinBank cũng đưa ra chính sách tương tự cho lãi suất trung dài hạn, nhưng lãnh đạo Ngân hàng này cho hay,với nhóm khách hàng tốt thì lãi suất cho vay còn có thể được xem xét giảm tiếp thêm 1%/năm so với mặt bằng hiện hành.
Về phía NH cổ phần, động thái sớm nhất là từ SHB, từ 29/4 với mức giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn và mức 10%/năm lãi suấ cho vay trung dài hạn. Chính sách này được áp dụng cho các DN nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, DN ứng dụng công nghệ cao. Còn TP Bank dành 5.000 tỷ cho vay các với mức lãi DN suất ưu đãi từ 6.9%/năm hướng tới các DN xuất khẩu và sản xuất công nghiệp phụ trợ.
Để có dư địa giảm lãi suất khi đầu vào đang có sức ép tăng lên, các NH đã tiết giảm chi phí. Lãnh đạo Agribank cho biết, sẽ tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông" cũng như chú trọng cho vay ưu đãi lãi suất nhằm đẩy mạnh dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt thúc đẩy tín dụng vào quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững.
Trong khi đó, BIDV cho biết, trong năm nay sẽ tiết giảm khoảng 500-600 tỷ đồng chi phí hoạt động để có dư địa hỗ trợ DN. Vietcombank cam kết tiết giảm khoảng 300 tỷ đồng chi phí để giảm lãi suất.
Lãnh đạo SHB cho biết thêm, ngoài hỗ trợ lãi suất, NH sẽ có thêm nhiều hỗ trợ DN về hạn mức cho vay cũng như những hỗ trợ tư vấn tài chính, quản lý dòng tiền … sẽ giúp cho các doanh nghiệp mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh.
Trước đó, trả lời các ý kiến của DN về lãi suất vay vốn, Thống đốc NHNN, ông Lê Minh Hưng cho biết, ngày 27/4, NHNN đã làm việc với nhóm NH có tỉ trọng huy động và cho vay lớn. NHNN đã yêu cầu các ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có thể giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với DN.
Thế khó của lãi suất
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm mạnh so với 5 năm trước. Tính toán cho thấy, lãi suất hiện chỉ bằng 40% mặt bằng lãi suất cho vay của năm 2011, thấp hơn giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn tăng trưởng kinh tế rất ổn định.
Tuy nhiên, việc tiếp tục giảm lãi suất là một việc không hề dễ. "Điều hành lãi suất phải xem xét đến các yếu tố vĩ mô, đặc biệt lạm phát. Xu hướng lạm phát đang tăng, kỳ vọng lạm phát 5%c ho nên điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt lãi suất phải hết sức thận trọng", ông Hưng chia sẻ.
Thống đốc Hưng cho biết: "Tín dụng tăng từ đầu năm khá nhanh, đến nay tín dụng trung và dài hạn tăng trên 5% so với cuối năm. Một số lĩnh vực có tốc độ tín dụng tăng cao, quy mô lớn. Lãi suất huy động tăng nhẹ và có thể chịu sức ép tăng thời gian tới do nhập siêu có thể quay trở lại, khi cầu trong nước tăng lên, nhu cầu tín dụng tăng cao".
Ông Hưng khẳng định: "NHNN điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, hỗ trợ tăng trưởng nhưng kiểm soát chặt chẽ để không tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất".
Trước đó, báo cáo tới Thủ tướng, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, hiện nay, các DN Việt Nam đang phải vay NH với lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Như vậy, lãi suất thực mà DN phải chịu đựng là 7 – 8%/năm.
Ông Lộc cho rằng, Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất.
Nếu lãi suất hợp lý, cũng sẽ thúc đẩy chuyển hướng nguồn vốn cho vay của các ngân hàng vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực sản xuất chứ không tập trung quá nhiều vào các DN lớn và khu vực kinh doanh bất động sản như hiện nay. Đồng thời, NHNN cần triển khai gói hỗ trợ từ tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường 2-3% cho DN khởi nghiệp và DN nhỏ theo định hướng trọng tâm của Chính phủ.
Phạm Huyền- Hà Duy