Lại nhớ đến chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời. Khi nói chuyện với đông đảo cán bộ TP Đà Nẵng, ông có kể câu chuyện khi ông ra nước ngoài công tác...
Vụ đội chống thất thu thuế của một phường ở Hà Tĩnh “dàn hàng ngang” trước quán bún bò từ 6 giờ 30 phút sáng cho đến tận 10 giờ, cốt là để ốp thuế được coi là việc hy hữu. Khi sự việc vỡ lở, đội trưởng bị phê bình, và lý do giải thích cho hành động đó là do anh em “thiếu tế nhị” khi hành xử. Câu hỏi đặt ra là: Chỉ thiếu tế nhị thôi sao? Hay còn có động cơ gì khác.
5 cán bộ đội thuế phường Bắc Hà (Hà Tĩnh) ngăn khách hàng vào quán bò né. |
Vụ cán bộ thuế phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) kể trên hy hữu là bởi “dàn hàng ngang” trước cửa quán vào giờ cao điểm và “mời” khách sang nơi khác ăn; nhưng thực ra còn rất nhiều vụ việc tương tự, nhưng người ta không nói ra, hoặc không có chứng cứ để nói.
Vài tháng trước, dư luận đã đặc biệt quan tâm đến việc ông Nguyễn Văn Tấn- chủ quán cà phê “Xin Chào” bị truy tố vì tội “kinh doanh trái phép”. Ngày 8/8/2015, ông Tấn mở quán cà phê Xin Chào tại đường dẫn lên cao tốc Trung Lương, đối diện trụ sở Công an huyện Bình Chánh (TP HCM). Sau khi kiểm tra, phát hiện một số lỗi, Công an huyện này đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Tấn 17 triệu đồng.
Chủ quán đã đóng phạt và xin UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nhưng vẫn không xong, đến độ bị khởi tố vì tội kinh doanh trái phép. Lúc đó, sự việc mới vỡ lở.
Sau này, những người liên quan hành xử sai đã phải chịu những mức kỷ luật khác nhau: Đại tá Nguyễn Văn Quý- Trưởng Công an huyện bị cách chức. 2 phó đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an huyện Bình Chánh là Thiếu tá Nguyễn Hoàng Tuân bị kỷ luật mức cách chức và Đại úy Lê Cảnh Tuân bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Ông Lê Thành Tòng-Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh-người ký quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và truy tố ông Nguyễn Văn Tấn cũng dính án kỷ luật.
Hai vụ việc vừa nêu tất nhiên là khác xa nhau về mức độ, nhưng người ta nhận thấy có gì đó na ná. Đó chính là chuyện đối xử với dân, với người sản xuất, kinh doanh. Chính phủ đã xác định là Chính phủ phục vụ, Chính phủ kiến tạo và hành động; tinh thần đó đã được cả 63/63 tỉnh thành hưởng ứng; đều đã ký cam kết phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp hết mình.
Có nghĩa là không có việc dựng lên rào cản mà phải tháo dỡ rào cản; vì sự sản xuất của dân và của doanh nghiệp cũng chính là vì mình. Nhưng trong hai trường hợp kể trên thì những cán bộ công quyền được giao nhiệm vụ trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc cho dân lại hành dân, làm khó làm dễ người kinh doanh nhỏ. Chính điều đó làm dư luận bức xúc.
Với trường hợp ở Hà Tĩnh, người ta nghi ngờ khi được nghe giải thích đó là hành vi ứng xử thiếu tế nhị. Vì rằng, thật khó khi đứng trước cửa quán của người ta tới 4 giờ mà không... nản.
Trong công việc được giao, cán bộ tận tình “đeo bám” như vậy cho đến khi xong thì tốt quá. Nhưng, thường thì người ta lại thấy khi được giao việc cứ đủng đà đủng đỉnh, “câu giờ” để đợi người ta “xin”, hoặc cho cái gì đó- lúc đó mới chịu động tay động chân.
Lại nhớ đến chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời. Khi nói chuyện với đông đảo cán bộ TP Đà Nẵng, ông có kể câu chuyện khi ông ra nước ngoài công tác, có vào chỗ cá voi biểu diễn. Con cá voi nhảy lên khỏi mặt nước, uốn mình rất đẹp. Nhưng nó chỉ nhảy vài ba lần rồi cứ lững thững bơi. Lúc bấy giờ người nuôi phải lấy mồi ra, cho vào miệng nó, nó mới lại chịu nhảy tiếp.
Dẫn ra câu chuyện cá heo, ông Thanh muốn nói công chức, viên chức ăn lương nhà nước thì không được như thế. Không đợi người khác cho gì mới làm, mà phải xắn tay áo vào việc, chủ động lo cho dân.
Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh có cơ hội tiến lên, hội nhập. Nhưng trong khi đó, chính những người trực tiếp làm việc với dân lại dùng những “sợi dây quyền hạn” để “trói” người sản xuất, kinh doanh. Nếu thế, không biết đến bao giờ môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh mới thênh thênh được.
Có người nói, chẳng qua mấy anh cán bộ đốc thuế kia dại, người ta không nộp thì cũng chết gì mình đâu. Không nộp lúc này thì nộp lúc khác, lo gì. Lại có người nói, anh đội trưởng bị kiểm điểm nghiêm khắc có khi là oan, vì anh ta chỉ quá mẫn cán trong thực thi công việc chỉ có “ăn bổng ăn lộc” gì đâu.
Nhưng, thực ra thì không phải thế. Một hành động cho là “thiếu tế nhị” nhưng lại gây bức xúc xã hội thì không thể nói là lỗi nhỏ. Hành động ấy làm xấu đi hình ảnh cán bộ thuế.
Với riêng người đội trưởng, không hiểu vì lý do gì đã lệnh cho cấp dưới “dàn hàng ngang” trước quán. Không thể nói anh này thiếu hiểu biết, non kém nghiệp vụ, mà có lẽ phải nhìn nhận ở nguyên nhân nào đó ẩn khuất.
Ông Trần Nghị-Chi cục trưởng Chi cục thuế TP Hà Tĩnh cho rằng, đây là dịp để cơ quan chấn chỉnh lại hoạt động của cán bộ ở cơ sở. Nhưng, những việc làm này ít nhiều đã ảnh hưởng hình ảnh ngành thuế, của cơ quan thuế và làm “mất điểm” trước dân. Thôi, cứ tin lời ông vậy và mong đơn vị này có sự chấn chỉnh kịp thời, chứ không chỉ là “kiểm điểm nghiêm túc” mà không có hình thức, mức độ gì cụ thể.
Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường minh bạch, cán bộ liêm chính, thân thiện chính là “đòn bẩy” để thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển, xã hội công bằng, văn minh. Nhưng, khi những “đòn bẩy” ấy sử dụng những biện pháp không thuyết phục, không hợp tình hợp lý sẽ trở thành công cụ ép dân.
Điều đó phải hết sức tránh.
Theo Hạnh Nguyên/ Đại đoàn kết
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt