Chiều 23/12, xe container hơn 20 tấn mít Thái cùng tấm biển màu đỏ "Giải cứu mít Thái Tiền Giang 10.000 đồng/kg" của anh Sơn thu hút rất nhiều người mua ở Hà Nội. Xe hàng của anh là một trong hơn 4.400 xe mắc kẹt ở cửa khẩu Lạng Sơn nhiều ngày qua vì Trung Quốc tạm dừng thông quan.
Chưa biết bao giờ nước bạn mở cửa trở lại, 20 tấn mít bắt đầu có dấu hiệu đen vỏ, hư hỏng, người đàn ông này quyết định bỏ thêm 10 triệu đồng tiền dầu quay xe về Hà Nội cùng với hy vọng gỡ được đồng nào hay đồng đó.
"Quay đầu bán bù lỗ thôi chứ nằm 6 ngày ở Lạng Sơn rồi, giá bán 10.000 đồng/kg thì lời lãi gì", anh than.
Tại đây, mít Thái được niêm yết 10.000 đồng/kg, trung bình một quả dao động 8-12 kg. Người mua ít thì một quả khoảng 7-8 kg, nhiều là 2-3 quả khoảng 20 kg. "Mít Thái loại một, không phải hàng xấu hoặc hàng loại hai, mọi người yên tâm", anh Sơn trấn an mọi người.
Mít Thái xuất khẩu bắt đầu đổ về các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang để chờ giải cứu. Ảnh: Thanh Thương. |
"Giải cứu" từ vỉa hè đến chợ mạng
Thực tế, những ngày gần đây, trên một số tuyến đường ở Hà Nội như Hồ Tùng Mậu, Kim Ngưu, Tôn Thất Thuyết, Phạm Ngọc Thạch, Quán Thánh… nhiều xe tải lớn chở mít Thái quay đầu từ Lạng Sơn về bán dọc vỉa hè. Theo khảo sát của Zing, mức giá bán của mít Thái "giải cứu" khá rẻ, trung bình khoảng 6.000-10.000 đồng/kg.
Bình thường mua mít ở chợ 30.000-35.000 đồng/kg, nay thấy biển giải cứu mít Thái 10.000 đồng/kg, chị Lê Thị Nhàn (quận Cầu Giấy) liền ghé vào mua ủng hộ. "Cũng ngại tập trung đông người nên tôi cố gắng mua nhanh, nhân tiện mua luôn cho đồng nghiệp cùng cơ quan. Giải cứu mà, mua ủng hộ bà con", chị nói.
Không chỉ ở các vỉa hè, trên các trang mạng xã hội, một số cá nhân bắt đầu kêu gọi hoặc đứng ra nhận bán mít Thái online giúp người quen, họ hàng với mức giá dao động từ 6.000-12.000 đồng/kg.
Chị Ngọc Huyền (quận Đống Đa) cho biết nhà có người thân chở hàng lên cửa khẩu nhưng không xuất được nên chị rao bán mít trên trang cá nhân. "Trên các cửa khẩu quốc tế hiện nay đang tắc nghẽn các xe chở mít, để lâu thì hỏng nên một số chủ hàng đã quay đầu về và bán ở các tỉnh dọc quốc lộ 1A. Rất nhiều người hào hứng đặt mua vì giá rất rẻ", chị nói.
Nhiều cá nhân, các nhóm bạn trẻ cũng chung tay vào "giải cứu" mít Thái. |
Một cửa hàng bán hoa quả lớn tại Hà Nội cũng tham gia hỗ trợ tiêu thụ 2 container mít Thái giúp người dân tương đương khoảng 50 tấn hàng. Hiện, số đơn đặt hàng đã lên tới hơn 3.000 đơn và ngày càng tăng lên.
Vì việc vận chuyển hàng khó khăn, đại diện cửa hàng này cho biết hàng về quá muộn so với dự tính và số lượng lớn, kích thước quả khác nhau nên chị bán giá 10.000 đồng/kg.
"Để chở được container hàng ra khỏi mấy nghìn xe đang mắc kẹt tại bãi là cả một vấn đề. Rồi khi không xuất hàng, toàn bộ thủ tục nộp hải quan sẽ phải làm lại", đại diện cửa hàng này nói thêm.
Trong khi đó, ở các chợ truyền thống, sạp hoa quả, giá mít Thái chỉ giảm nhẹ so với ngày thường. Tại chợ Cống Vị (quận Ba Đình) giá bán 20.000-25.000 đồng/kg đối với loại nguyên xơ, 40.000 đồng/kg đối với loại bóc sẵn. Tại siêu thị Vinmart Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), mít Thái bóc sẵn giá 67.800 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mít "giải cứu".
Một người bán trái cây tại chợ cho biết giá các loại trái cây phải qua nhiều khâu trung gian từ nhà vườn đến chợ đầu mối rồi tới chợ lẻ mới đến các điểm bán nhỏ hơn. Do đó, giá cũng vì thế mà tăng lên qua mỗi khâu.
"Hơn nữa, mít Thái của chị bán là mít nóng không phải mít đông lạnh như hàng giải cứu", tiểu thương này cho biết.
Cứu đến bao giờ?
Thực tế, các cuộc giải cứu nông sản năm nào cũng tái diễn như giải cứu vải thiều, dưa hấu, hành tím, thanh long, củ cải và lúc này là mít Thái...
Khi nước bạn đột ngột siết chặt quy định nhập khẩu, người nông dân, doanh nghiệp Việt liền rơi vào thế bị động, loay hoay không biết làm sao. Và không còn cách nào hay hơn thì kêu gọi cầu cứu từ phía cộng đồng.
Theo các chuyên gia, sâu xa hơn là hệ quả tất yếu của việc sản xuất, tiêu thụ bị động, thiếu kế hoạch, định hướng. Do đó, một trong những giải pháp căn cơ nhất để không còn điệp khúc "giải cứu" chính là người nông sân phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất.
Đồng thời, họ cần có chuỗi cung ứng các mô hình sản xuất nông nghiệp trong nước để hướng tới các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Một số địa phương trong đó có Bình Thuận đã có khuyến cáo đến doanh nghiệp, người dân cần chủ động trong tìm kiếm thị trường, kế hoạch sản xuất hợp lý tránh rủi ro. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trao đổi với Zing, ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng cần kết hợp giữa sản xuất và tiêu thụ, chế biến rõ ràng ngay từ đầu.
"Người nông dân vẫn sản xuất theo thói quen, tập tục mà chưa có sự đánh giá, xem xét nhu cầu của thị trường. Đa số trồng trọt xong mới tìm nơi tiêu thụ, giá đắt thì dễ bán, còn giá thấp thì dội hàng, kêu gọi giải cứu", ông đánh giá.
Theo ông Hồ, các hợp tác xã, tổ chức, hiệp hội cũng cần phát huy vai trò trong việc định hướng sản xuất và phân phối cho người dân. "Việt Nam vẫn nhập khẩu nông sản từ các nước và người tiêu dùng vẫn rất ưa chuộng dù có giá đắt. Điều đó đặt ra bài toán nâng cao chất lượng cho nông sản Việt Nam hiện nay", ông nói.
Đặc biệt, nông sản Việt khi xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chủ yếu qua đường tiểu ngạch, song ẩn chứa nhiều rủi ro. Do đó, cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức do người dân, doanh nghiệp chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.
Để nông sản Việt đáp ứng thị trường "khó tính" như Trung Quốc thời gian tới, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho rằng doanh nghiệp phải tăng cường mô hình này và chú trọng an toàn thực phẩm, nguồn gốc, bao bì nhãn mác...
"Trước đây, ở Việt Nam việc tổ chức sản xuất áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap còn hạn chế khoảng 20-30% diện tích. Việc Trung Quốc ban hành 2 lệnh mới này sẽ đưa sản xuất Việt Nam vào khuôn khổ", ông nói.
Ngoài ra, ông cho rằng nông sản Việt phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Đức... Như vậy, cùng với công nghệ chế biến, hệ thống kho lạnh thì không lo cảnh được mùa rớt giá, hay bị lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào.
(Theo Zing)
Ùn ứ hàng xuất nhập khẩu qua biên giới: Bán đổ, bán tháo
Mỗi ngày có hàng chục xe ô tô chở mít, thanh long, sầu riêng buộc phải rời khu trung chuyển, bãi kiểm hóa đi ngược trở lại quốc lộ 1A, đến địa điểm nào rộng, có đông người thì đỗ lại, dỡ hàng xuống bán.