Lai Châu là tỉnh vùng cao nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc với 20 dân tộc sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Toàn tỉnh có 07 huyện và 01 thành phố với 106 xã, phường, thị trấn (54 xã đặc biệt khó khăn, 21 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn).

Những năm qua, tỉnh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, vận dụng đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Không ngừng đổi thay diện mạo nông thôn miền núi 

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thường là vùng khó khăn. Địa bàn các dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống thường là những vùng nghèo nhất. Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh Lai Châu luôn dành những ưu tiên đặc biệt cho các vùng này. Nhiều chính sách, chương trình mục tiêu cũng được triển khai nhằm giúp bà con từng bước thoát nghèo, bảo đảm sinh kế.

{keywords}
Cán bộ xã Dào San (Phong Thổ) thực hiện công tác dân vận. 

Báo cáo tổng kết của tỉnh cho hay, sau 5 năm triển khai Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/11/201, tỉnh Lai Châu đã đạt được một số kết quả tích cực.

Đồng bào các dân tộc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Nhờ đó, tình hình kinh tế - văn hoá - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi tương đối ổn định.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trong tỉnh được duy trì hoạt động thường xuyên. Đồng bào các dân tộc tích cực hưởng ứng các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, các lễ hội văn hoá truyền thống...

Việc triển khai các chính sách dân tộc có sự vào cuộc mạnh mẽ, có trách nhiệm của hệ thống chính trị trong tỉnh. Nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc cơ bản ổn định. Chính sách đến được với người dân và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.

Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đồng thuận và tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình; động viên nhau tích cực thi đua lao động sản xuất, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, có chất lượng cao, như chè, quế, mắc-ca..., với nhiều mô hình sản xuất có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã.

Mạng lưới y tế được củng cố và hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.

Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai tích cực. Công tác khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn được các cơ sở y tế duy trì thường xuyên. Hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ trong việc chi trả các dịch vụ y tế. Đến nay, tỷ lệ xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế là 75%, tăng 34,3% so với năm 2014.

Tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tỉnh triển khai chế độ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo điều trị nội trú được hưởng các chế độ như tiền ăn ở khi điều trị, chi phí đi lại. 

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thẻ BHYT trong những năm qua luôn đạt tỷ lệ cao, năm 2016 có 93,6% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT; ước năm 2021 là 97%. Ðồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào được KCB ở tất cả cơ sở y tế trên địa bàn và được Quỹ BHYT chi trả.

Ông Trần Hữu Chí - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn; phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát lập phương án, xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai, thực hiện các chương trình chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đảm bảo đúng tiến độ, thời gian và hiệu quả.

Thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ và quan tâm chu đáo của các ngành, các cấp, địa phương, cơ quan đoàn thể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đang ngày càng khởi sắc. Diện mạo nông thôn miền núi không ngừng được đổi thay. Đó cũng là nền tảng quan trọng giúp địa phương thực hiện thành công công tác giảm nghèo bền vững.

Phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân

Nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của công tác dân vận nói chung và dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Trung ương về công tác dân vận. Đặc biệt là Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tỉnh Lai Châu xác định công tác dân vận, đặc biệt dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng linh hoạt phù hợp; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân vận. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

{keywords}
Người dân xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả ôn đới từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thực tế cho thấy, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 17%. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, khối đoàn kết dân tộc được giữ vững. Đặc biệt là tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Nhiệm kỳ trước, tỉnh đã ban hành Đề án “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới giai đoạn 2016 - 2020” và các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận; chú trọng đổi mới công tác dân vận trong cơ quan Nhà nước gắn với chức năng nhiệm vụ ở các cấp, ngành, địa phương. Tỉnh ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu.

Lai Châu đã gắn chính sách dân tộc với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở các vùng dân tộc thiểu số khó khăn. Nhờ đó, đồng bào đã tích cực hưởng ứng và tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới; đông đảo đồng bào các dân tộc tự nguyện đóng góp công lao động, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng đường giao thông liên bản, nội đồng, nội bản, các công trình công cộng của bản, làng, khu phố, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị về mọi mặt.

Giai đoạn 2020 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu tiếp tục tham mưu cho tỉnh quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị Quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh về công tác dân vận. 

Với công tác dân vận trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tỉnh thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; khơi dậy và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Với công tác dân vận trong Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh sẽ chú trọng công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có niềm tin tôn giáo, phát huy vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân trong các công việc của địa phương; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền, các cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang và trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân và doanh nghiệp làm tiêu chí quan trọng để đánh giá tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, phấn đấu 100% chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận chính quyền, trong đó trên 75% đạt tiêu chí "Dân vận khéo".

Tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại chính đáng của Nhân dân. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận của Đảng; xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân".

Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các cấp đối với công tác dân vận; xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân. Tham mưu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của chính quyền, các cơ quan nhà nước...

Tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Ban Dân vận Tỉnh ủy theo đề án vị trí việc làm; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận.

Hồng Hạnh