Các hộ gia đình ký cam kết
Lai Châu là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào DTTS, đặc biệt là dân tộc đặc thù như: Mảng, Si La, Cống, Lự...
Trong 3 năm qua, tỉnh Lai Châu đã thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Qua đó mang lại những hiệu quả tích cực, tạo sinh kế, nâng cao dân trí, đời sống tinh thần, vật chất từng bước ổn định, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS.
Với Tiểu dự án 2, Dự án 9, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn và đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các cấp chính quyền trong tỉnh nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm, hành vi của cộng đồng và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Tại huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), tình trạng tảo hôn đã giảm hơn trước nhưng tỷ lệ còn cao. Ngay từ khi thực hiện dự án 9, thực hiện các chỉ thị, kế hoạch liên quan của tỉnh, huyện đã lên kế hoạch cụ thể triển khai các hoạt động, như tổ chức các buổi tuyên truyền tại cộng đồng về hậu quả tảo hôn, kết hôn cận huyết ảnh hưởng tới sức khỏe của bà mẹ, gây khó khăn trong cấp giấy khai sinh, BHYT, nhập học cho trẻ dưới 6 tuổi.
Đồng thời vận động các gia đình ký cam kết, đến nay 100% các hộ ký cam kết không tảo hôn, kết hôn cận huyết. Thống kê cho thấy trong năm 2023, huyện có 47 cặp tảo hôn chủ yếu ở các bản DTTS.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch xã Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu), tình trạng kết hôn cận huyết chủ yếu xảy ra ở trẻ đang đi học. Trong thời gian nghỉ hè, trẻ yêu nhau rồi nghỉ học để kết hôn. Xã phối hợp trung tâm y tế huyện tổ chức hội nghị giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn cho các đối tượng là bí thư chi bộ, trưởng bản, các ban ngành đoàn thể, người có uy tín trên địa bàn xã, phối hợp với nhà trường tuyên truyền cho học sinh.
Các trường lồng ghép vào môn sinh học, ngoại khóa, các buổi sinh hoạt đầu giờ. Qua đó, nhà trường nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, giáo dục các em về sức khỏe giới tính, tảo hôn, kết hôn cận huyết. Học sinh cũng trở thành cánh tay nối dài trong cộng đồng tuyên truyền cho bạn bè, gia đình về kết hôn cận huyết.
Theo Phòng Dân tộc huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) trong 8 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện có 24 cặp tảo hôn (giảm 16 cặp so với cùng kỳ năm 2023) chủ yếu ở các xã vùng cao, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, nhiều nhất là Khun Há 11 trường hợp; Tả Lèng 07 trường hợp...
Địa phương đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức; gặp gỡ trực tiếp các đối tượng có ý định tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để can thiệp, ngăn chặn.
UBND huyện đã thành lập và duy trì các mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống” và Tổ tư vấn, Đội tình nguyện viên tại 5 xã: Tả Lèng, Giang Ma, Nà Tăm, Nùng Nàng, Khun Há. Đồng thời, các cấp, ngành cùng phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn, nói chuyện chuyên đề tại các xã, thị trấn, các trường học trên địa bàn huyện.
Tính đến hết năm 2023, huyện tuyên truyền tại 20 bản, 13 xã, thị trấn, 15 trường THCS, THPT với 48 hội nghị, hơn 10.000 lượt người tham gia; biên soạn phát hành 45.000 tờ gấp tuyên truyền…
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, năm 2023, toàn tỉnh còn 500 cặp tảo hôn, 1 cặp hôn nhân cận huyết thống. Thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, tuyên vận, hòa giải, hội nghị của đoàn thể, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật.
Cùng với đó, xử lý nghiêm các vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Lai Châu tích cực thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ liên quan trực tiếp đến người dân, như: hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt (Dự án 1); bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng (Dự án 5); chính sách bình đẳng giới (Dự án 8); chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Dự án 9)... Nhờ đó đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo sinh kế, nâng cao dân trí, đời sống tinh thần, vật chất từng bước ổn định, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS. |