Trước đề xuất xây sân bay của Lai Châu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Quốc phòng có báo cáo về sự cần thiết của sân bay cho máy bay nhỏ ở tỉnh này.

Ngày 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Lai Châu và đại diện nhiều Bộ, ngành, ngân hàng, doanh nghiệp trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất (diễn ra vào ngày 23/4).

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đã đề cập tới nhiều vấn đề “nóng” của tỉnh trong đó có việc “xin” Thủ tướng sớm cho xây dựng sân bay ở tỉnh này.

Trong báo cáo làm việc với Đoàn công tác của Thủ tướng, UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm ở đây như Đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với thành phố Lai Châu, đặc biệt sân bay Lai Châu.

Trao đổi riêng, ông Chử cho hay, hiện chưa có tổng mức đầu tư cho dự án này, nhưng dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng cho 2 giai đoạn trong đó giai đoạn I hết khoảng 4.000 tỷ đồng.

{keywords}

Ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu

Ông Chử thông tin thêm, trong đề án hiện nay đang báo cáo, đó là sân bay lưỡng dụng vừa phục vụ dân dụng, vừa phục vụ quốc phòng.

Nói về ý nghĩa của sân bay này với việc phát triển kinh tế ở Lai Châu, ông Chử cho hay: “Sân bay sẽ giúp phát triển ngành du lịch của tỉnh, đặc biệt có ý nghĩa trong việc cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra”.

“Về lâu dài thì cần, nhưng chưa phải lúc này”

Khi được hỏi về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - ông Trần Bắc Hà nêu quan điểm: “Về việc xây dựng sân bay, theo tôi chắc phải xem lại bởi Sapa - Lào Cai là sân bay cấp 4E, theo nguyên tắc là xã hội hóa và theo thông lệ điểm sân bay cự ly đường bộ khoảng dưới 300 km".

Theo ông Hà, từ Lai Châu tới sân bay Điện Biên khoảng 4 tiếng đồng hồ còn về Lào Cai chỉ khoảng 2 tiếng. Có sân bay là có khách, nhưng với các điểm du lịch ở Lai Châu, đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng cho một sân bay về lâu dài thì cần, nhưng hiện tại, ông cho rằng chưa phải trọng điểm tập trung.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, dự án trên có khả năng đầu tư, nhưng cần sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT.

“Nếu phụ thuộc vào ngân sách thì khó xây dựng được sân bay vì ngân sách nhà nước giờ cũng khó. Nếu xã hội hóa được dự án thì tốt. Việc xây dựng cũng cần có lộ trình”, ông Trường nói thêm.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, Bộ GTVT đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải hàng không trong đó có sân bay Lai Châu.

“Đây được xác định là sân bay chuyên dụng phục vụ cho trực thăng và tàu bay điện nhỏ. Theo quy định việc này Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý, sử dụng và khai thác nên đề nghị Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Quốc phòng sớm xem xét, kết luận về nội dung này”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Lai Châu.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Quốc phòng có báo cáo về sự cần thiết của việc xây dựng sân bay dành cho các loại máy bay nhỏ ở Lai Châu.

Thủ tướng dẫn lời ông Mai Tiến Dũng gọi là sân bay chứ nó chỉ “nhỏ như sân vận động thôi, có gì đâu!”. “Trước sau gì cũng phải làm, nhưng lộ trình như thế nào Bộ Quốc phòng cân nhắc”, Thủ tướng phát biểu.

Sân bay Lai Châu là dự án từng được Bộ GTVT giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp với các bên liên quan để thực hiện đầu tư đường băng trước, sau đó sẽ tính toán đầu tư dần các hạng mục khác theo nhiều hình thức.

Bộ GTVT cho rằng, dự án này là cần thiết và có vốn không lớn, cố gắng đến năm 2018 sẽ đưa vào khai thác.

(Theo Kiều Vui/Zing)