Nâng cao chất lượng của sản vật nhờ OCOP
Huyện Phong Thổ nhiều năm nay được biết đến là vùng đất có lợi thế và giàu tiềm năng trong việc phát triển các sản phẩm cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trong đó, nhiều sản phẩm có trữ lượng lớn được xuất ra thị trường ngoài huyện (thành phố Lai Châu, các tỉnh, thành vùng xuôi); thậm chí xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như: chuối tây, gạo, chè, cao su, sắn, riềng… Điều này, giúp các hộ dân có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo; doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tăng lợi nhuận.
Trà xanh shan Mồ Sì San - sản phẩm OCOP của Lai Châu. Ảnh minh họa. |
Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp, HTX hiện nay là làm sao nâng cao và chứng thực về chất lượng sản phẩm; nâng tầm uy tín, thương hiệu sản phẩm, mở ra những cơ hội mới trong phát triển kinh tế. Đi tìm “lời giải”, các doanh nghiệp, HTX trong huyện chú trọng về quy trình sản xuất những sản phẩm sạch thông qua việc hạn chế, thậm chí không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đưa dây chuyền hiện đại vào sản xuất, chú ý hơn đến quy trình thu hoạch, vận chuyển và bảo quản sản phẩm trước khi xuất ra thị trường.
Đặc biệt là khi cấp trên triển khai chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, việc chứng thực chất lượng sản phẩm càng được chú trọng.
Anh Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: “Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm là một chương trình mới song thuận lợi ở chỗ các doanh nghiệp, HTX đã có hoạt động sản xuất sẵn có, chất lượng sản phẩm cơ bản đảm bảo. Phòng tuyên truyền về lợi ích của chương trình đến doanh nghiệp, HTX; tận tình hướng dẫn trong việc làm các thủ tục giấy tờ, hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu.
Trong năm 2020 toàn huyện có 5 sản phẩm của 3 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm 3 sao.
Bao gồm: 3 sản phẩm chè cổ thụ (hồng trà shan Mồ Sì San, hoàng trà shan Mồ Sì San, trà xanh shan Mồ Sì San); 1 sản phẩm gạo tẻ râu Phong Thổ và 1 sản phẩm du lịch cộng đồng xã Sin Suối Hồ.
'Đòn bẩy' giúp sản phẩm vươn xa
Sau khi có các sản phẩm OCOP, một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn bắt đầu quan tâm đến thiết kế mẫu mã, bao bì nhãn mác sản phẩm; tăng cường kỹ năng bán hàng, xúc tiến quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Chủ động tiếp cận với các nhà phân phối cũng như quảng bá trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng qua việc tham gia trưng bày sản phẩm, tham dự các diễn đàn về hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm tại nhiều tỉnh trong cả nước.
Công ty TNHH một thành viên Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc (trụ sở tại thành phố Lai Châu) là doanh nghiệp tiên phong đi đầu. Công ty thành lập năm 2011 và hoạt động kinh doanh với nhiều mặt hàng phong phú (giống ngô, giống lúa, thuốc trừ sâu, phân bón).
Với thị trường huyện Phong Thổ, Công ty là doanh nghiệp vừa cung ứng giống vừa ký kết bao tiêu sản phẩm gạo tẻ râu cho nông dân các xã: Dào San, Bản Lang, Nậm Xe.
Ông Đỗ Viết Trung - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc chia sẻ: Giống lúa tẻ râu được bà con huyện Phong Thổ sản xuất đúng quy trình cộng với chất đất, khí hậu riêng mang tính vùng miền, tạo cho hạt gạo tẻ râu Phong Thổ có độ căng, mẩy, năng suất đạt 4,5-5 tấn/ha. Khi nấu chín, cơm có vị đậm đà, dẻo, thơm ngon, khác hẳn các loại gạo khác. Tháng 11/2020, công ty rất vui khi sản phẩm gạo tẻ râu Phong Thổ đã được Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm 3 sao.
Đây là bước ngoặt lớn đối với công ty khi lần đầu tiên có sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, chứng thực về chất lượng.
Hoạt động quảng bá sản phẩm sau công nhận được công ty đẩy mạnh qua Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (Sở Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương); Hội chợ Thương mại tại tỉnh Quảng Ninh, tuần du lịch Lai Châu - Hà Nội và 20 công ty đối tác. Cùng với đó, công ty đầu tư 700 triệu đồng mua 2 máy sấy thóc công suất 20 tấn/mẻ, 1 máy xay xát, 1 máy tách mầu, nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, sản phẩm gạo tẻ râu được khách hàng gần xa biết đến, đặt mua, có lúc không đủ hàng để cung ứng, nâng tổng số gạo xuất ra thị trường lên đến 30 tấn gạo.
“Trước nhu cầu thị trường, chúng tôi đặt mua hết các sản phẩm gạo của bà con, thậm chí trước đây mua thóc phơi khô với giá 12.000 đồng/kg thì nay chúng tôi thu mua thóc tươi vừa gặt xong tại ruộng vẫn như giá ban đầu. Về diện tích trồng lúa tẻ râu dự kiến sẽ được mở rộng thêm ở các xã: Sin Suối Hồ, Tung Qua Lìn, Mồ Sì San, nâng tổng diện tích trồng lúa tẻ râu của huyện Phong Thổ từ 20ha (năm 2020) lên 100ha (năm 2021). Từ hiệu quả của chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, trong năm 2021 chúng tôi tiếp tục đưa sản phẩm gạo nếp tan Phong Thổ tham gia chương trình” - anh Trung cho biết thêm.
Đối với HTX Biên Cương (xã Mồ Sì San) 3 sản phẩm: hồng trà, hoàng trà, trà xanh sau khi được công nhận đạt chất lượng 3 sao đã cung ứng mạnh mẽ ra thị trường các tỉnh vùng xuôi (sản lượng tiêu thụ từ khi công nhận đến nay đạt 3 tạ). Hay như HTX Trái tim (xã Sin Suối Hồ) với sản phẩm du lịch cộng đồng đã mời gọi du khách gần xa đến thăm quan, khám phá. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song lượng khách đến thăm quan tại xã đạt trên 10.000 người.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến thời điểm này, đã có 6 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2021 gồm: cao ngựa bạch (HTX Xuân Oanh), gạo nếp tan Phong Thổ, cá hồi xông khói, ruốc cá hồi, xúc xích cá hồi, giò chả cá hồi (HTX Dương Yến) và 3 sản phẩm OCOP năm 2020 (hồng trà shan Mồ Sì San, hoàng trà shan Mồ Sì San, trà xanh shan Mồ Sì San) nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao.
Hy vọng với thành công bước đầu, chương trình mỗi xã 1 sản phẩm ở huyện Phong Thổ sẽ tiếp tục trở thành “đòn bẩy” giúp các sản phẩm đặc trưng của huyện vươn xa, đưa kinh tế địa phương có thêm bước tiến vững chắc.
Ngọc Cương