10 năm nhìn lại

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của Lai Châu đã có sự thay đổi đáng kể; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Thu nhập bình quân GRDP đầu người năm 2020 ước đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,49% (theo chuẩn nghèo đa chiều); bản sắc văn hoá dân tộc được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng ở khu vực nông thôn được tăng cường.

Thành phố Lai Châu được công nhận hoàn thành nông thôn mới năm 2019.

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới được công nhận; bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 15,5 tiêu chí/xã, huyện Tân Uyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và toàn tỉnh không còn xã dưới 10 tiêu chí về nông thôn mới.

{keywords}
Lai Châu - điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Những kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lai Châu chính là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi căn bản nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ thể của người nông dân trong đóng góp trí tuệ, công sức, vật lực cho xây dựng nông thôn mới; đưa việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, là khát vọng của các tầng lớp Nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu xây dựng hệ thống quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch nông thôn mới gắn với ban hành đồng bộ, kịp thời bộ cơ chế chính sách, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Huy động lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, trong đó ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, giáo dục, y tế, điện, ban hành các chương trình, đề án khác để huy động nguồn lực và tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như: Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn; đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch...

Tại Hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng thực hiện giai đoạn 2021 – 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan xem xét tiếp tục triển khai thực hiện đề án trong giai đoạn 2021 - 2025 và có cơ chế, chính sách tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện, đặc biệt ưu tiên cho nguồn lực cho việc bố trí sắp xếp dân cư, đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Đồng thời sớm ban hành và triển khai đề án về thể chế liên kết vùng để động lực rất tốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và các vùng kinh tế nói riêng, làm cơ sở cho các địa phương xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong hợp tác trao đổi thúc, hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm; sớm ban hành và có hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có ưu tiên nguồn lực thực hiện chương trình cho các địa phương, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; nâng mức và ưu tiên nguồn lực bố trí cho việc đầu tư phát triển rừng của tỉnh trong giai đoạn tới.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng, phát triển cũng như quảng bá các điểm du lịch sinh thái gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các tỉnh trong phạm vi đề án nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng.

Ngoài ra, với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, tỉnh Lai Châu tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Qua đó, từng bước nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho Nhân dân tạo đà cho các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại diện mạo mới cho các vùng quê.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, những năm qua tỉnh Lai Châu đã ưu tiên các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm giúp người dân cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo như: Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp…

Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh, của địa phương.

Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Nhờ vậy, cơ cấu ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành được các vùng sản xuất tập trung như phát triển vùng chè tập trung ở các huyện Tân Uyên, Tam Đường, thành phố với diện tích 7.802 ha; 12.996 ha cây cao su; khai thác tiềm năng mặt nước trên các hồ thủy điện để phát triển nuôi cá lồng với tổng thể tích 98.818m3 tập trung tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè...

Năm 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt của toàn tỉnh đạt 220 nghìn tấn, xây dựng được nhiều nhãn gạo như: Tẻ râu (Phong Thổ), gạo séng cù (Than Uyên), gạo khẩu ký, nếp tan co giàng (Tân Uyên).

Tại các địa phương người dân thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh có 10 trang trại chăn nuôi, 13 trang trại tổng hợp có hoạt động chăn nuôi, 7 Hợp tác xã (HTX) hoạt động chăn nuôi.

Đặc biệt, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại trong những năm qua đã có sự chuyển biển tích cực, tăng về số lượng, hiệu quả hoạt động cũng được nâng lên. Đến năm 2020, có 117 HTX nông nghiệp, 91 Tổ hợp tác, 33 trang trại. Các HTX, trang trại, Tổ hợp tác giải quyết việc làm cho 2.500 lao động nông thôn với thu nhập từ 42-60 triệu đồng/người/năm, đặc biệt một số HTX nông nghiệp, trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển đã gắn với vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: Vùng chè, cây ăn quả, rau sạch, nuôi cá lồng, cá nước lạnh...

Nhờ xác định đúng tiềm năng, lợi thế và có những chính sách khuyến khích phát triển kịp thời đã tạo nên bức tranh kinh tế của tỉnh gắn với xây dựng NTM có nhiều khởi sắc.

Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp đạt 5,08%, nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng cao, giai đoạn 2015 - 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,78%/năm, đến nay còn 16,49%.

Những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nông nghiệp đã trực tiếp góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay tỉnh đã có thành phố Lai Châu, 38 xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Tân Uyên đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện. Kết quả này sẽ là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục quyết tâm xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước.

Những điểm sáng nông thôn mới

Huyện Than Uyên là huyện phía Đông Nam tỉnh Lai Châu. Than Uyên không chỉ có núi đồi mà còn có những cánh đồng lúa bát ngát và hồ nước mênh mông với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và những nét văn hóa riêng để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều người.

Huyện vùng núi này đang thay da đổi thịt từng ngày, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Cuộc sống người dân phát triển, từng bước thoát nghèo.

{keywords}
Đồi chè ở Tam Đường, Lai Châu. 

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Than Uyên như: Gạo séng cù, nếp tan pỏm, ổi Hua Nà, ruốc cá lăng... khá nổi tiếng.

Với lợi thế tiềm năng đất đai màu mỡ, trong đó có trên 4.770 ha đất trồng lúa nước tập trung ở cánh đồng lớn của các xã Mường Than, Mường Cang, Hua Nà, Mường Kim. Diện tích mặt nước của 2 lòng hồ thủy điện Huội Quảng - Bản Chát là trên 9 nghìn ha.

Đây là những yếu tố thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện xác định phát triển nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, là nền tảng, cốt lõi trong thực hiện các tiêu chí: Thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất.

Vì vậy, huyện tranh thủ các nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, tăng cường liên kết chuỗi giá trị. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt 31.994/30.800 tấn, vượt chỉ tiêu Nghị quyết, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thăng – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên khẳng định: Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần thay đổi diện mạo NTM của các xã trên địa bàn huyện. Năm 2020, huyện hình thành và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung với quy mô 1.300 ha/500 ha, sản lượng đạt 6.500 tấn/năm, vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản séng cù quy mô 275 ha/150 ha, sản lượng 1.235 tấn/năm; lúa nếp tan pỏm 25 ha/30 ha, sản lượng 100 tấn/năm; thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Toàn huyện có 7/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16,36 tiêu chí/xã, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 10,81%.

Xã Bản Bo, huyện Tam Đường là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

Để giữ vững đạt chuẩn nông thôn mới cũng như nâng cao các tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, xã vận động bà con chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng chè, tập trung phát triển vùng chè chất lượng cao; thu hút doanh nghiệp đầu tư liên doanh, liên kết với nông dân từ sản xuất đến chế biến gắn tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

 Trải qua nhiều khó khăn, giờ đây xã Bản Bo trở thành vùng chè lớn nhất của huyện với tổng diện tích gần 700 ha. Toàn xã có 989 hộ trồng chè, chiếm 85% số hộ toàn xã, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động.

Năm 2020, sản lượng chè của xã đạt 4.000 tấn đáp ứng được nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến, chất lượng đảm bảo đáp ứng được thị trường như Đài Loan, một số nước Châu Âu.

Từ trồng chè nhiều hộ có thu nhập từ 40 – 100 triệu đồng góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã vận động người dân hiến 150.000m2 đất để đầu tư mở mới 25,4km đường giao thông nội đồng vào khu sản xuất vùng chè tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại, vận chuyển cây giống vật tư phân bón.

Quang Sơn