Đẩy mạnh chữ ký số

Những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giao dịch điện tử.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện như: Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động các cơ quan nhà nước; một số Thông tư của Bộ TT&TT hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử, liên thông giữa hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng... 

Điều này đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất và thuận lợi trong việc cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các địa phương.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Ngày 21/6, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Công văn số 1764/UBND-VX về việc quán triệt đẩy mạnh sử dụng chữ ký số để phát hành, gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, giảm thời gian và chi phí cho việc phát hành, gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh quán triệt tăng cường, đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số, sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành để xử lý công việc, phát hành, gửi, nhận văn bản điện tử (trừ các văn bản chứa thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước) theo Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trên Hệ thống QLVB&ĐH giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu ban hành tại Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 16/7/2019 và sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 29/01/2021 của UBND tỉnh.

Trong quá trình triển khai xử lý công việc, phát hành, gửi, nhận văn bản trên Hệ thống QLVB&ĐH nếu có khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất, báo cáo UBND tỉnh bằng văn bản qua Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, tham mưu giải quyết.

Cán bộ, công chức, viên chức phải bảo mật thông tin mật khẩu tài khoản cá nhân trên Hệ thống QLVB&ĐH, thường xuyên đổi mật khẩu đủ mạnh (mật khẩu nên có tối thiểu 08 ký tự, gồm ký tự hoa, ký tự thường, ký tự số và ký tự đặc biệt) tránh người khác có thể truy cập vào tài khoản cá nhân trên Hệ thống QLVB&ĐH.

Các cơ quan, đơn vị sử dụng Hệ thống QLVB&ĐH chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và nhà cung cấp dịch vụ Hệ thống QLVB&ĐH tiến hành thu hồi ngay các tài khoản không hoạt động và tài khoản của cán bộ, công chức, viên chức chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc thôi không làm việc ở cơ quan, đơn vị…

Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ Hệ thống QLVB&ĐH hướng dẫn chi tiết cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính, sự nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh sử dụng Hệ thống QLVB&ĐH để xử lý công việc, ký số phát hành và gửi, nhận văn bản điện tử.

Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét giải quyết; định kỳ 6 tháng và đột xuất (khi có yêu cầu) báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện xử lý công việc, phát hành, gửi, nhận văn bản trên Hệ thống QLVB&ĐH của các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hiện đại

Tỉnh Lai Châu xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm hướng tới xây dựng một chính quyền điện tử hiện đại, nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính công trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả lĩnh vực, qua đó mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức, viên chức đạt trên 80%, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển.

{keywords}
Tỉnh Lai Châu chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả lĩnh vực. Ảnh minh họa. 

Tỉnh thực hiện cải cách hành chính trên 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nhân viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính, tỉnh ta ban hành các văn bản, chỉ thị như: tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; về việc tăng cường các giải pháp nâng cao Chỉ số CCHC tỉnh; về việc cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI)… để các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tiễn triển khai nhằm đem lại hiệu quả.

Thực hiện cải cách thể chế, tỉnh tổ chức quán triệt và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh ở cơ sở, xây dựng các tủ sách pháp luật; triển khai rà soát văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không phù hợp.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, các cơ quan, đơn vị, địa phương niêm yết công khai thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan, đơn vị trên Cổng Dịch vụ công, Hệ thống Thông tin một cửa điện tử, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng để người dân dễ tiếp cận; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủtục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích tại Bưu điện tỉnh, các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã.

Năm 2019 tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, với 100% thủ tục hành chính của 15/15 cơ quan chuyên môn được thực hiện tại Trung tâm.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện tỉnh cập nhật kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh 2.0; đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia mức độ 3, 4, tích hợp một cửa điện tử; thực hiện kê khai thuế qua mạng, hóa đơn điện tử; ứng dụng Zalo trong điều hành, giải quyết công việc; triển khai mô hình phòng họp không giấy, phần mềm họp Roomeeting, Room...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 1 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa tại Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng và 4 cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; 8/8 huyện, thành phố, 106/106 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, một cửa liên thông. Thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính, thành lập Tổ công tác rà soát và thực hiện rà soát tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và biên chế của các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh; sắp xếp giảm đầu mối và cơ cấu lại tổ chức, sáp nhập, giải thể các tổ chức hoạt động không hiệu quả, có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố.

Đến nay, hầu hết các văn bản quản lý, điều hành được gửi, nhận điện tử trong tỉnh và liên thông với các bộ, ngành, địa phương, toàn tỉnh nhận và gửi tổng số 1.715.399 văn bản điện tử, tiết kiệm hơn 7 tỷ đồng chi phí giấy, mực, cước bưu chính và thời gian.

Hệ thống thư công vụ tỉnh cung cấp 3.000 hòm thư; cấp 1.983 chữ ký số, tạo điều kiện trong xử lý, điều hành công việc mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng, kịp thời.

Sáp nhập từ 1.169 xuống còn 994 thôn, bản, tổ dân phố. Hội nghị trực tuyến được triển khai tại 229 điểm cầu cấp tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn.

Quang Sơn