Đích đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Đây là nơi thượng nguồn sông Đà cùng hệ thống sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú, cung cấp nguồn nước cho các công trình thủy điện lớn như Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và cung cấp nguồn nước cho khu vực đồng bằng Bắc bộ.
Lai Châu có diện tích tự nhiên lớn với 906.872,76 ha, đứng thứ 10/63 tỉnh thành trên cả nước, với tổng số là 470.341 người. Tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng 50,89%, là nơi phân bố và sinh trưởng rất tốt của các loại cây dược liệu quý như sâm Lai Châu, tam thất, bảy lá một hoa, xuyên khung, đương quy, đỗ trọng…
Diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 634.780,44 ha, chiếm 70% diện tích tự nhiên của tỉnh. Thời gian tới, Lai Châu chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh chuỗi sản xuất gắn với bao tiêu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chú trọng đến một số mặt hàng nông, lâm sản có lợi thế xuất khẩu, kết hợp nông nghiệp với du lịch. Chú trọng phát triển du lịch bền vững với các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch xanh thân thiện với môi trường.
Hệ thống sông, suối dày, độ dốc lớn, cùng với nhiều loại khoáng sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện và cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp thủy điện, khai thác và chế biến sâu khoáng sản, khai thác, chế biến đất hiếm công nghệ cao…
Ngoài ra, tỉnh còn có Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng giao lưu thương mại, phát triển kinh tế biên mậu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Với tiềm năng, lợi thế phát triển trên nhiều lĩnh vực, chính sách cởi mở, thông thoáng, Lai Châu đang trở thành đích đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Tỉnh luôn xác định nhiệm vụ thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Lai Châu thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.
Phấn đấu thành tỉnh biên giới xanh
Để phát huy những tiềm năng và lợi thế của địa phương, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư. Đó là Quyết định số 12/2008 của UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 8/2013/QĐ-UBND ngày 3/6/2013 về việc ban hành quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định 1003/QĐ-UBND ngày 3/8/2010 và Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 29/3/2012 về phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Các chính sách hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp tham gia trồng rừng; Quyết định số 75/2006 ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định số 441 của UBND tỉnh về việc ban hành tạm thời chính sách hỗ trợ đầu tư và cơ chế quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung trên địa bàn...
Quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đem đến sự hài lòng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn, Lai Châu còn tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tỉnh cam kết thực hiện nghiệm túc các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với nhà đầu tư trong quá tình tìm hiểu thị trường, thực hiện dự án đầu tư vào địa bàn Lai Châu với phương châm: “Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”.
Theo đó, tỉnh thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp không quá 2 ngày; cấp quyết định chủ trương đầu tư không quá 2/3 thời gian theo quy đinh; cấp phép xây dựng không quá 10 ngày. Thủ tục về thuế, hải quan thuận tiện, nhanh chóng. Cung cấp lực lượng lao động có chất lượng, phù hợp mọi hoạt động, ngành nghề kinh doanh của nhà đầu tư. Cơ quan chuyên trách hỗ trợ nhà đầu tư về công tác giải phóng mặt bằng…
Ngoài các chính sách, chế độ ưu đãi được hưởng theo pháp luật, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào Lai Châu còn được ưu đãi về thuế, đất đai, bảo lãnh tín dụng...
Để giúp các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin và có lựa chọn đầu tư phù hợp, tỉnh đã thành lập các trung tâm như: Trung tâm Tư vấn và xúc tiến đầu tư, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn, xây dựng phương án triển khai dự án.
Sau gần 20 năm chia tách và thành lập, Lai Châu đã thu hút được hơn 160 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký đạt gần 83.000 tỷ đồng. Trong đó có 19 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản có tổng số vốn đăng ký gần 4.500 tỷ đồng.
Với sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã không ngừng đoàn kết, nỗ lực vượt khó đi lên.
Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương. Trong đó tập trung vào các mục tiêu, lĩnh vực quan trọng như hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút, khuyến khích đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao trình độ, năng lực nguồn nhân lực, các mục tiêu về đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo.
Tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển, nguồn lực bên trong và bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh trong vùng. Xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có bản sắc trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, đưa Lai Châu vào nhóm tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Định hướng bố trí không gian và các trụ cột của tỉnh Lai Châu là: “Một trục – Hai vùng – Ba trụ cột”. Cụ thể: Một trục là trục trọng yếu phát triển kinh tế kết nối Than Uyên – Tân Uyên – Thành phố Lai Châu – Phong Thổ và Cửa khẩu Ma Lù Thàng. Hai vùng là vùng kinh tế động lực (Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Thành phố Lai Châu) và vùng kinh tế nông – lâm sinh thái sông Đà (Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè). Ba trụ cột là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2050 sẽ trở thành tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, hệ thống kinh tế, kết cấu hạ tầng hiện đại, là điểm nhấn phát triển, điểm kết nối quan trọng và địa bàn an ninh vững chắc của vùng trung du miền núi phía Bắc và trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình cả nước.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2050, nông lâm thủy sản đạt 12,44%, công nghiệp – xây dựng đạt 42,42%. Tăng trưởng GRDP 9-10%, tăng trưởng khách du lịch bình quân 20%/năm, tăng trưởng giá trị xuất nhập khẩu 11,5%/năm…
Từ những tiềm năng và lợi thế sẵn có, đặc biệt là lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, khoáng sản, thủy điện cùng với tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó đi lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để Lai Châu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư phù hợp, tỉnh cũng như chính quyền các cấp, các ngành sẽ luôn sát cánh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, đưa Lai Châu trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Quỳnh Nga