Lai Châu đang phấn đấu trở thành “thủ phủ” mắc-ca của cả nước. Cây Mắc ca được tỉnh Lai Châu đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2011 đến nay nhân rộng ra toàn tỉnh. Hiện tại đây có hơn 5,2 nghìn héc-ta cây mắc-ca. Trong đó diện tích trồng thuần chiếm 2/3, còn lại là trồng xen canh với các cây trồng khác. 

Lai Châu định hướng giai đoạn 2021–2030 trồng mới trên 35.000ha cây mắc-ca

Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, mở rộng diện tích cây mắc-ca: diện tích đất trống, nương kém hiệu quả có thể chuyển đổi sang trồng mắc-ca trên địa bàn tỉnh còn rất lớn.

Tỉnh định hướng giai đoạn 2021–2030 trồng mới trên 35.000ha cây mắc-ca. Là cây trồng đa mục đích, diện tích mắc-ca được mở rộng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. 

Các địa phương: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường đã trở thành vùng trọng điểm cây mắc-ca của tỉnh. Mắc-ca có thể trồng tại các vườn tạp sau khi được cải tạo, trên các khu đất nương bạc màu và đất dốc, trồng xen canh với chè, các cây trồng ngắn ngày họ đậu…

Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Trường Giang Lai Châu, Công ty An Đức Minh, Công ty Cổ phần Liên Việt Lai Châu, trên địa bàn tỉnh đang hình thành các nông trường mắc-ca với diện tích lớn.

Một số doanh nghiệp đã thu mua, chế biến sản phẩm mắc-ca (hạt mắc-ca sấy khô của Công ty TNHH MTV Trường Giang Lai Châu đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao). Tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án xây dựng nhà máy chế biến tại xã Mường So (huyện Phong Thổ) và xã Mường Kim (huyện Than Uyên) đảm bảo mắc-ca được chế biến tại chỗ, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi được cung cấp ra thị trường.

PV