Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các văn bản: số 883/BNN-TY ngày 21/02/2023 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; số 1632/TB-BNN-VP ngày 20/3/2023 Thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023; số 2137/BNN-TY ngày 06/4/2023 về việc rà soát, chấn chỉnh tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu yêu cầu:
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Tổ chức theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh động vật, nhất là tại các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời khi dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.
Tổ chức rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng bệnh. Khẩn trương phê duyệt, bố trí các nguồn lực, kinh phí để triển khai thực hiện đảm bảo Kế hoạch số 3854/KH-UBND ngày 13/10/2022 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2023 và các Quyết định, kế hoạch phòng chống các loại dịch bệnh động vật theo giai đoạn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Tổ chức triển khai tiêm phòng định kỳ vụ Xuân hè (tháng 4 - 5/2023), rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin được tiêm đủ, đúng loại vắc xin theo quy định.
Tổ chức triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường” đảm bảo thời gian, tiến độ, tần suất phun thuốc và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn, tổ kiểm tra liên ngành tại địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép qua biên giới (nếu có); phối hợp và tổ chức lấy mẫu giám sát, chẩn đoán dịch bệnh động vật.
Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật bắt buộc; lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh thú y, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thú y. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình dịch bệnh và kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó có công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường công tác lấy mẫu giám sát, chẩn đoán dịch bệnh động vật, chú trọng tại các khu vực có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện xử lý, không để dịch bùng phát mạnh và lây lan diện rộng.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh, kiểm soát giết mổ trên địa bàn; phối hợp với các địa phương, đoàn liên ngành trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Tổng hợp tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm phòng, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định; thực hiện nghiêm công tác báo cáo tình hình dịch bệnh động vật qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định.
Hồ Nhi