Những lồng cá thoát nghèo
Sau khi công trình Thủy điện Lai Châu tích nước vận hành đã hình thành nên vùng lòng hồ rộng lớn với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đánh bắt, nuôi thả thủy sản cho người dân địa phương.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện, những năm gần đây, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng. Đó là hướng đi mới của huyện miền núi Nậm Nhùn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn có 10 bản, gần 700 hộ dân (7 dân tộc anh em cùng sinh sống), đa số là thuộc diện tái định cư Thủy điện Lai Châu. Với lợi thế 1.000 ha mặt nước, nguồn thu nhập từ thủy sản lòng hồ phần nào giúp cuộc sống các gia đình trong xã nâng lên đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Từ năm 2017, thực hiện chương trình thí điểm nuôi cá lồng, huyện Nậm Nhùn đã hỗ trợ cho 21 hộ của xã Mường Mô tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ tiền đóng lồng bè nuôi cá với mức 10 triệu đồng/hộ. Sau khi thấy được hiệu quả của mô hình này, nhiều hộ ngoài chương trình hỗ trợ cũng mạnh dạn đầu tư, đóng bè nuôi cá.
Đa số các hộ thả ghép nhiều loại các như rô phi, trắm, trôi, chép để tận dụng nguồn thức ăn cho cá (với những loại cá này bà con chỉ mất từ 5 - 6 tháng chăm sóc là có thể xuất ra thị trường); một số hộ đầu tư thả riêng giống cá lăng (đặc sản sông Đà).
Một lợi thế cho việc phát triển nuôi cá lồng tại xã Mường Mô là nguồn thức ăn cho cá được tận dụng từ nguồn thủy sản lòng hồ. Vì vậy, các hộ nuôi cá không phải tốn thêm tiền mua thức ăn, giảm chi phí đầu tư. Hơn thế, việc không sử dụng thức ăn hỗn hợp cũng giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở cá, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm sạch, chất lượng.
Những năm qua, ngoài các chính sách hỗ trợ con giống, lồng nuôi, UBND huyện Nậm Nhùn đã chỉ đạo xã Mường Mô thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng nhằm tăng cường mối liên kết giữa hợp tác xã với người dân. Chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu phát triển nuôi cá lồng được vay vốn 50 triệu đồng/hộ. Thực hiện cho thuê mặt nước để tránh tranh chấp vùng nuôi giữa các hộ dân...
Để tạo điều kiện, giúp đỡ người dân phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, xã đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trang bị kiến thức cho người dân; tạo cơ chế thuận lợi cho thương lái thu mua, bao tiêu sản phẩm cá lồng.
Với nguồn thủy sản từ việc nuôi cá lồng và đánh bắt từ tự nhiên, đến nay, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của xã Mường Mô đạt 40 tấn/năm.
Ông Đỗ Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết, hiện trên địa bàn huyện có tổng 465 lồng cá và trong đó là có cả của hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân.
Thực hiện các chính sách như Nghị quyết số 33 của HĐND tỉnh cũng như Nghị quyết số 07, trong những năm qua đã hỗ trợ nhân dân và các hợp tác xã được 259 lồng. Các chính sách về hỗ trợ lồng cá đã tạo điều kiện cho người dân có thêm nguồn kinh phí để phát triển cũng như nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản. Phát huy tốt những tiềm năng lợi thế của địa phương để nâng cao đời sống cho nhân dân…
Thực tế thời gian qua, nghề nuôi cá lồng đã giúp cho bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, nhiều hộ gia đình qua nuôi cá lồng trên lòng hồ đã mang lại thu nhập ổn định.
Về đầu ra, người dân không còn gặp quá nhiều khó khăn khi có doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm và xuất ra thị trường đầu mối trong cả nước. Thời gian tới huyện Nậm Nhùn tiếp tục khuyến khích các hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện với những giải pháp gồm quy hoạch phát triển tổng thể nuôi trồng thủy sản đến năm 2030, quy hoạch chi tiết vùng gắn với các đối tượng nuôi chủ lực nhằm sử dụng có hiệu quả những tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Phát triển du lịch, khám phá vùng lòng hồ
Bên cạnh nuôi cá lồng, huyện Nậm Nhùn được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, hùng vĩ mang đặc trưng của núi rừng với những cánh rừng nguyên sinh giữ được vẻ đẹp nguyên sơ vốn có; lòng hồ rộng lớn của 2 công trình Thủy điện Sơn La, Lai Châu; vùng đất lưu giữ Bảo vật Quốc gia Bia Lê Lợi - một chứng tích lịch sử.
Nhận thức được điều đó, địa phương cũng đẩy mạnh phát triển du lịch tham quan, khám phá gắn với các dịch vụ nghỉ ngơi trên các bè nuôi cá.
Mường Mô là một trong những điểm nằm trên tuyến du lịch đang được xây dựng của huyện Nậm Nhùn. Xã Mường Mô được ví như Vịnh Hạ Long thu nhỏ với những đảo nhỏ nhấp nhô, bản làng của đồng bào các dân tộc soi mình trên mặt hồ xanh biếc, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Hiện nay, một số hộ ở xã đã mở dịch vụ tham quan, ăn uống ngay trên lồng bè nuôi cá của gia đình mình. Du khách sẽ được trải nghiệm cảnh đẹp và thưởng thức vị ngon lạ của những món ăn dân tộc như cá nướng pa pỉnh tộp, cá bống vùi tro, canh bon, cơm lam, chẩm chéo, xôi ngũ sắc, lợn cắp nách quay, gỏi cá…
Với các chính sách khuyến khích của địa phương trong phát triển du lịch, khám phá vùng lòng hồ, Hợp tác xã Thanh niên Mường Mô đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá lồng kết hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khám phá, trải nghiệm vùng lòng hồ.
Đến nay, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, mô hình của Hợp tác xã Thanh niên Mường Mô đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, không chỉ mang lại mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng cho các thành viên hợp tác xã, tạo việc làm cho 2-3 lao động thời vụ tại địa phương mà còn góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương.
Để chiêm ngưỡng nét đẹp của lòng hồ, du khách có thể chọn 2 tuyến giao thông là đường thủy và đường bộ. Bắt đầu cuộc hành trình khám phá bằng đường thủy, du khách lên thuyền từ bến nước thủy điện, mất gần 1 giờ đồng hồ để đến khu vực gần bản Tổng Pịt của xã, nơi bắt đầu tuyến du lịch khám phá những nét đẹp hùng vĩ của non nước dọc 2 bên bờ hồ thủy điện.
Với những ai thích khám phá thì những vách núi đá hùng vĩ dọc 2 bên bờ hồ là nơi không thể bỏ qua. Giữa chặng đường khám phá, du khách sẽ được tham quan hang động hoang sơ, được người dân gọi là hang Kiếm.
Điểm cuối của hang chính là đỉnh núi cao. Ở đây du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp hùng vĩ của non nước quanh hồ thủy điện vào những ngày trời trong xanh, hay có thể chạm tay vào mây trong những ngày mây về.
Với những ai ưa thích những cung đường uốn lượn, mây phủ ngang lối nơi vùng cao Tây Bắc thì có thể chọn tuyến đường bộ trên Tỉnh lộ 127 nối trung tâm huyện với xã Mường Mô có chiều dài hơn 20km.
Nhờ được quy hoạch khoa học sau tái định cư nên hầu hết các bản của xã Mường Mô được quy hoạch xây dựng lại ở những mặt bằng ngay cạnh khu vực lòng hồ. Ngoài các tuyến đường bộ được đầu tư cứng hóa thì ở các bản đều có bến nước, rất thuận lợi cho giao thông đường thủy, giúp những chuyến đi của du khách thêm thú vị.
Huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã xác định phát triển nuôi cá lồng gắn với du lịch là hướng đi đột phá biến tiềm năng, thế mạnh thành mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội. Hàng loạt nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động được ban hành. Huyện đã và đang triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch theo chuỗi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, dân tộc gắn với di tích lịch sử, tâm linh; du lịch khám phá, trải nghiệm.
Quỳnh Nga