Có độ cao 2.881, đỉnh Nam Kang Ho Tao nằm trên địa phận thuộc tiểu khu 303 A, núi Hoàng Tha Thầu, thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ, thị xã Sapa và nằm trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Được khám phá năm 2017, khá muộn so với nhiều đỉnh khác, Nam Kang Ho Tao ngay lập tức trở thành một trong hai ngọn núi khó chinh phục nhất Tây Bắc bên cạnh đỉnh Pusilung do cung đường dài cùng các vách đá cheo leo dựng đứng và các con suối lớn dữ dằn.
Đoạn đường từ chân núi lên tới lán nghỉ vào khoảng 12 km nhưng có thể mất tới 8-9 tiếng leo do đường khó đi và dốc. Theo các porters (người dẫn đường và gùi đồ địa phương), 4km đầu là đoạn đường nguy hiểm nhất cung leo do có nhiều đoạn phải đi qua các vách đá cheo leo.
Các trekkers đam mê khám phá vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng Tây Bắc và thử thách giới hạn của bản thân thường chinh phục Nam Kang Ho Tao trong 3 ngày 2 đêm. Họ xuất phát từ bản Thào A, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu và về theo hướng cũ với tổng chiều dài khoảng 50 km hoặc đi hướng Lai Châu và về qua bản Dền Thàng, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai với tổng chiều dài 44 km. Đi về qua phía Lào Cai phải được sự cho phép của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Theo anh Mạnh Chiến, quản trị viên của Hội Những người đam mê leo núi với hơn 100,000 thành viên, phong trào leo núi hiện đang phát triển mạnh, tuy nhiên các trekkers cần luyện tập kỹ trước khi leo và lượng sức mình cho từng cung leo. “Cung leo Nam Kang Ho Tao không dành cho những người mới leo và kể cả những người có kinh nghiệm, nếu gặp trời mưa thì không nên đi tiếp vì các vách núi cheo leo lúc đó trơn trượt, rất nguy hiểm nếu cố vượt qua”, anh Chiến chia sẻ.
Càng lên cao càng tiến vào sâu trong rừng nguyên sinh, cảnh vật và thời tiết cũng thay đổi. Trời mù sương và lạnh hơn khiến cho khu rừng và các con suối trở lên đẹp và ma mị hơn.
Sau khoảng 8-9 tiếng leo, các trekkers sẽ đến khu vực lán nghỉ được người dân địa phương dựng cách đây 1 năm. Lán chính có thể chứa được khoảng 60 người. Một lán khác nhỏ hơn nằm cách đó không xa có thể chứa được khoảng 40 người. Nước để phục vụ sinh hoạt cho lán được dẫn từ ngọn suối cách đó không xa.
Trước đây khi chưa có lán dịch vụ, du khách và porters phải dựng lều để ngủ, rất lạnh vào ban đêm và họ cũng vất vả hơn do phải mang vác theo lều, nồi, xoong, bát đĩa và túi ngủ.
Đoàn 8 người chúng tôi với những đôi chân kinh nghiệm đã chinh phục Nam Kang Ho Tao đầu tháng 11 này. Thời tiết khô và mát đã giúp chúng tôi có một chuyến đi thành công và an toàn.
Đường từ đỉnh núi Nam Kang đi về phía Lào Cai qua Vườn Quốc gia Hoàng Liên hiện chưa được mở cho các trekkers trừ khi được cấp phép. Do ít người qua lại nên cây cối mọc kín hết lối đi.
Đường từ đỉnh Nam Kang Ho Tao xuống núi theo hướng bản Dền Thào, Lào Cai đi vắt qua vắt lại 2 con suối lớn, nếu không bám sát nhau rất dễ bị lạc. Thời tiết đã vào mùa khô nên suối ít nước nhưng các tảng đá đầy rêu trơn, rất dễ ngã dù đã rất cẩn thận.
Suối Đá trên cung leo Nam Kang Ho Tao là con suối thuộc hàng lớn nhất ở Tây Bắc. Lòng suối rộng, nước chảy rất xiết sau mỗi trận mưa. Cách tốt nhất để vượt các con suối lớn khi đi leo núi ở Tây Bắc là đi giầy mau khô và lội nước, không nên đi chân trần vì rất dễ bị ngã trên các phiến đá trơn trượt.
Khu rừng nguyên sinh từ đỉnh Nam Kang Ho Tao xuống phía Lào Cai được đánh giá là khu rừng đẹp nhất Tây Bắc. Các ngọn thác và suối thơ mộng, thảo quả mọc bạt ngàn phía dưới, phía trên là cây quý hiếm như bách xanh, thông đỏ, đỗ quyên đặc biệt là pơ mu, mỗi cây có đường kính hơn 1m khiến du khách như lạc vào vườn cổ tích.
Thời gian lý tưởng nhất để leo Nam Kang Ho Tao là từ tháng 10 đến cuối tháng 4 khi thời tiết mát, trời vào mùa khô, ít gặp mưa rừng, tránh nguy cơ bị lũ quét hoặc các con suối bị ngập nước và trở nên hung dữ.
Nguyễn Đức Hùng